Căn bệnh hô hấp có thể ảnh hưởng mẹ bầu và thai nhi

Mẹ bầu cần có biện pháp phòng tránh hữu hiệu cũng như xử lý nhanh khi xuất hiện các triệu chứng cảm cúm.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh cúm ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), phụ nữ có thai mắc cúm rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn khiến sức đề kháng suy giảm, dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Thời điểm này, thai phụ dễ bị ho, cảm lạnh và mắc cúm hơn người bình thường, khi nhiễm bệnh cũng nặng hơn.

Nếu nhiễm bệnh, cơ thể thai phụ sẽ mệt mỏi, đau nhức, ho khan, viêm họng... Bệnh cúm tiến triển nặng có thể gây viêm phổi cho thai phụ. Viêm phổi ở người mang thai nguy hiểm hơn người thường, do họ, có nhu cầu oxy lớn hơn trong khi hệ miễn dịch yếu đi.

Đồng thời, virus cúm khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật, nhất là khi người mẹ bị cúm trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra, lúc sốt cao kết hợp độc tính của virus, có thể kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

Thêm nữa, não bộ thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong 5 tháng đầu, nên rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ sau sinh cũng có khả năng xảy ra.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm, hạn chế đến nơi đông người, các khu vực ô nhiễm.

Thai phụ cần uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước để làm loãng đờm, vệ sinh vùng mũi miệng họng. Khi ngủ, phụ nữ có thai không nên để gió quạt, gió điều hòa thổi thẳng vào mũi vì rất dễ bị ngạt mũi và gây cúm.

Quan trọng, trước khi mang thai người mẹ cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ, khám sức khỏe để đảm bảo cơ thể đã sẵn sàng bước vào hành trình thai kỳ.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://znews.vn/can-benh-ho-hap-co-the-anh-huong-me-bau-va-thai-nhi-post1455619.html