“Cấm vận” gái làng - khối chàng thiệt mạng!

“Trai làng ta quyết giữ gái làng ta”, “không ăn đạp đổ”... đó là những tư tưởng bắt nguồn cho việc “cấm vận gái làng” (CVGL) - bao năm qua vẫn bám rễ sâu vào đầu óc những thanh niên ở nông thôn Việt Nam. Những cuộc đụng độ, xô xát, những vụ án hình sự, và đỉnh điểm là những vụ án mạng đã xảy ra. Người thì chết khi vừa bước vào độ tuổi thanh xuân, kẻ bước chân vào nhà tù khi chưa đầy 20 tuổi... Tất cả chỉ vì một nguyên nhân: Cấm vận gái làng!

Cấm vận gái làng đã tạo ra bạo lực và đưa nhiều thanh niên vào con đường phạm tội (Ảnh mang tính minh họa) “Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương” Đêm ở xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ), trên con đường làng của một xóm nhỏ nép mình bên thị xã miền sơn cước, 4 bóng người gò mình trên 3 chiếc xe đạp, họ vừa gắng sức đạp vừa nhớn nhác nhìn trước ngó sau. Đêm trung du trời tối đen như mực, đâu đó vọng lại những tiếng côn trùng rỉ rả não nùng. Thoát khỏi lũy tre đầu làng tỏa bóng đen sì, 4 người dừng lại chụm đầu bàn tán, một trong số họ quay xe trở vào làng. Ba người còn lại líu ríu đạp xe như trốn chạy. Con đường quanh co dẫn đến một chiếc cầu, hai bên thành cầu tre và cọ mọc rậm rạp. Bất ngờ 3 bóng đen từ 2 bên thành cầu lao tới. Những cây gậy vung lên rồi quật xuống vun vút. Hai chiếc xe đạp đổ đánh rầm, tiếng người kêu thất thanh, tiếng gậy bổ xuống chan chát. Một bóng đen say máu ném mạnh cây gậy trong tay về phía những người đi xe đạp giờ đang ngã dưới đất, rồi hắn luồn tay vào thắt lưng, khi cánh tay ấy vung lên đã kèm theo một lưỡi dao nhọn hoắt. Một tiếng thét kinh hoàng xé tan màn đêm rồi một bóng người đổ vật xuống đất. Bóng đen như kẻ cuồng sát lao tiếp đến bên bóng người thứ hai vung dao lên đâm túi bụi. Hai trong số 3 người đi xe đạp còn lại vừa tri hô: “cướp cướp, giết người, giết người, cứu ...” vừa chạy vào làng. Từ trong làng tiếng chân người chạy rầm rập, ánh đuốc sáng lập lòe, những người trong làng đổ ra chân cầu. Trong ánh đuốc sáng rực, người ta kinh hoàng thấy một thanh niên nằm gục trên vũng máu, mắt trợn ngược, cách đó không xa người thanh niên thứ hai đang quằn quại trong tay bạn, máu loang lổ ướt chiếc áo mặc trên người. Lập tức người ta hô hoán nhau đưa người bị thương đi cấp cứu, báo công an về bảo vệ hiện trường vụ án và truy tìm hung thủ. Cả xã Hà Thạch, nơi xảy ra vụ án, đêm đó sáng rực đèn đuốc không ai ngủ. Sự việc dần được sáng tỏ. Ba nạn nhân là các anh N., Q. và T. Trước đó anh N. có để ý với chị H. trú cùng xã. Tuy nhiên, chị H. cũng được không ít trai cùng làng tán tỉnh. Vì vậy con trai trong làng nhiều lần “cảnh cáo” “nhắc nhở” cấm anh N. cũng như trai làng khác không được đặt quan hệ tình cảm với chị H. Riêng anh N. đã nhiều lần bị trai làng bao vây “tấn công”. Tối đó N. cùng Q. và T. đến nhà chị H., đi với 2 người bạn trai hộ tống thì có vẻ yên tâm hơn. Cùng thời điểm có Đ. về quê chơi. “Ngứa mắt” khi thấy con trai làng khác đến tìm hiểu gái làng mình Đ. quyết thực hiện ý đồ dằn mặt. Đ. rủ thêm hai thanh niên cùng làng là T. và A. chặn đường về của N. và 2 người bạn. Khi nhóm của anh N. đi tới, 3 tên dùng gậy bạch đàn quật tới tấp vào người vào xe đạp. Hung hãn hơn, tên T. còn rút dao đâm làm anh T. chết tại chỗ, anh Q. bị thương nặng. Giống như cái chết thương tâm của anh T., ngay tại TP Hà Nội, trung tâm văn hóa của cả nước, cũng đã xảy ra cái chết của một thanh niên, nạn nhân của tệ nạn CVGL. Gần nửa đêm, tại đường vào thôn Kim Tiên (Đông Anh, Hà Nội) một người làng đi làm về muộn vấp phải xác người nằm ngang đường. Dùng bật lửa soi, người này phát hiện 2 thanh niên, người đẫm máu. Cả hai được đưa vào bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu. Một nạn nhân đã chết, một được cứu sống. Nạn nhân may mắn thoát chết tên là Nguyễn Văn Sơn trú tại xã Xuân Thu (Sóc Sơn, Hà Nội). Trong tất cả các vụ án mạng trên, cả nạn nhân cũng như hung thủ đều mới chỉ hơn 20 tuổi, quãng thời gian đẹp nhất của đời người... Cấm vận bằng cách “xin đểu” CVGL thường được thể hiện bằng cách hành hung tấn công nạn nhân. Theo thời gian, “tập quán” mỗi địa phương, căn bệnh này đã có nhiều biến tướng khác nhau. Hai dạng phổ biến nhất là từ CVGL chuyển thành cướp tài sản công dân và sử dụng nhục hình với nạn nhân. Nếu như hình thức thứ nhất có thể dễ dàng khởi tố định tội danh thì hình thức thứ chưa từng bị xử lý vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Cũng vì ngứa mắt về trai làng khác tán gái làng mình, B. (huyện Bình Lục, Hà Nam) nhờ T. tìm người đánh Nh. “Tội” của Nh. là “dám” đến chơi nhà chị Â., bạn gái của B. B. đã nhiều lần cảnh cáo hăm dọa Nh. nhưng không kết quả, vì vậy B. tìm người hành hung tình địch. T. tìm và thuê Ch. với giá 20.000 đ. Tuy nhiên, sau khi biết Â. là bạn của B., Ch. từ chối không nhận đánh thuê. Mặc dù vậy, Ch. vẫn cùng T. xuống cổng trường dân lập nơi Nh. đang học. Ch. rủ thêm bạn là M. cùng tham gia “làm tý” (hành hung Nh.). Khi Nh. tan học, Ch., M. đuổi theo ép xe đạp Nh. vào làng. Tại nơi vắng vẻ, Ch. cùng đám bạn xông vào đấm đá Nh. Sau đó M. bắt Nh. phải đổi cho M. đôi dép đang đi, dép của M. là dép xốp đã cũ rách, dép của Nh. là dép siêu nhẹ còn mới; nộp chiếc đồng hồ điện tử Casio. Còn Ch. bắt M. ngày hôm sau phải nộp cho Ch. vài chục nghìn đồng thì mới tha tội. Hôm sau lúc Nh. giao tiền, công an đã ập tới bắt Ch., sau đó M. cũng bị bắt. Chỉ vì “xin đểu” đôi dép, chiếc đồng hồ điện tử cũ và 40.000 đ, M. và Ch. bị tòa án kết tội cướp tài sản công dân. Cũng không “may mắn” hơn trai làng ở xã khác, các trai làng ở thôn T. (xã Kim Bình, huyện Kim Bảng, Hà Nam) cũng chỉ vì “xin đểu” được hơn 10.000 đ và bao thuốc lá dở mà đã bị bắt và ngồi tù vì tội cướp. Ba tên T., Ch. và T. thấy anh H. ở thôn khác vào nhà N. chơi. Chúng đã rủ nhau chặn trên đê, lối về của anh H.. Khi anh H. về ngang qua, chúng dùng gậy gộc tấn công anh, sau đó móc túi anh H. lấy đi một bao thuốc lá Vinataba hút dở cùng với 12.500 đ. Anh H. vùng chạy và kêu cứu. Sau đó các tên T., Ch và T. đều bị khởi tố, bắt giam vì tội cướp. Hầu hết các trai làng trong trường hợp này là những tên lêu lổng, muốn ăn chơi nhưng không có tiền vì vậy cùng với tư tưởng CVGL là tư tưởng “xin đểu” lấy tiền mua thuốc hút, mua rượu uống hay chỉ đơn giản là thỏa mãn trò chơi rất trẻ con: đánh điện tử. Tuy nhiên những hành vi này hết sức nguy hiểm vì chúng luôn có tư tưởng: gặp gì cướp nấy, nhiều ít cũng không thành vấn đề! Cấm vận bằng nhục hình Trai làng A. (xã L., huyện N., Hải Phòng) vốn có những trò “khá độc” về chuyện CVGL. Tại đây, trai làng được tập hợp và tổ chức thành một đội quân chia nhau thường trực, trinh sát phát hiện các trai làng khác vào địa phận làng mình với mục đích yêu đương tìm hiểu. Khi phát hiện nạn nhân cũng như giờ giấc, lịch đi lại của họ, trai làng A. chốt chặt tại cổng làng chờ đợi. Gặp nạn nhân, trai làng này thường ra tay đánh đòn phủ đầu. Sau đó, chúng bắt nạn nhân - dù mặc bất cứ trang phục gì kể cả com lê hay áo da, áo khoác - đều phải bỏ toàn bộ áo vào trong quần, lấy dây chuối buộc giày, dép khoác lên vai, chân phải đi tất. Sau đó, chúng cắt cử một trai làng áp giải nạn nhân đến nhà người con gái mà nạn nhân đang tìm hiểu. Trai làng đến cổng nhà thì dừng lại theo dõi. Nạn nhân thì phải tiếp tục đi vào nhà cô gái với trang phục kì quái, ngồi xuống giường uống một chén nước rồi đứng lên về ngay. Nếu nạn nhân không tuân lệnh, khi ra về sẽ bị trai làng tấn công. Với “chiêu thức” này, lần sau nạn nhân không chỉ sợ bị đánh mà còn xấu hổ với với gia đình bạn gái. Trai làng từ đấy không cần ra tay mà nạn nhân vẫn phải tự động rút lui. Một hình thức “tra tấn” khác được các trai làng S. (xã B, huyện L, Hà Nội) áp dụng nhiều năm nay đó là bắt nạn nhân mò cá. Đầu làng S. có một giếng làng, thực chất đã sạt lở thành một cái ao lớn. Ao nằm trên con đường độc đạo vào làng S. Trai làng thường tụ tập tại đây. Khi nạn nhân đi qua, trai làng sau khi đã tấn công phủ đầu sẽ bắt nạn nhân cởi bỏ toàn bộ quần áo nhảy xuống ao mò cá. Bất kể mùa Đông hay mùa Hè nạn nhân cũng phải bắt được một con cá mới được lên bờ. Nếu là mùa Đông, nạn nhân vừa mò cá vừa phải hát thật to: “Chưa có hôm nào đẹp như hôm nay”. Tuy nhiên tay không bắt cá thì hầu hết 100% số nạn nhân không thể làm được. Vì vậy màn tra tấn này thường kết thúc bằng cảnh trai làng bắt nạn nhân ngồi ngay ngắn lên xe (kể cả xe máy, xe đạp) rồi một, hai, ba, chúng ném cả người cả xe xuống ao. Có rất nhiều hình thức mà các trai làng nghĩ ra để tra tấn nạn nhân nhằm CVGL. Nhiều trai làng khi đi sang làng khác bị tra tấn thì... học luôn các “chiêu thức” này để áp dụng vào việc CVGL mình. Cứ như vậy những hình thức tra tấn rất đa dạng và luôn được “sáng tạo” nhằm dằn mặt bất cứ gã trai nào dám vào làng tìm hiểu yêu đương. Điều nguy hiểm là sau khi áp dụng các nhục hình với nạn nhân, thủ phạm thường không bị pháp luật xử lý. Nạn nhân sau khi bị “tra tấn” thường không báo với chính quyền vì họ không mất tài sản và cả vì xấu hổ. Bên cạnh đó, những cuộc tra tấn kiểu này thường diễn ra ban đêm giữa “nội bộ” trai làng và nạn nhân nên cơ quan tiến hành tố tụng cũng khó có cơ sở để khởi tố thủ phạm với tội danh làm nhục người khác. Trong trường hợp này, chỉ có chính các cô gái làng là khổ sở mà không biết kêu ai hoặc đành ngậm ngùi chọn lấy một anh trai làng mình làm chồng dù thâm tâm không muốn điều đó... Đơn Thương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=18647&menu=1437&style=1