Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: ĐBQH đề nghị bằng chứng khoa học

Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ KH&CN trả lời chính thức về căn cứ, bằng chứng khoa học để quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chiều 24/11, tranh luận với nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng nên cấm tuyệt đối như dự thảo luật.

Ông Thịnh nêu 4 lý do. Theo đó, ông cho rằng, tác hại của việc người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn. "Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên, có trên 50% số vụ có người lái xe gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu, hơi thở", ông Thịnh cho hay.

Ông cũng cho rằng, quy định của pháp luật nên tường minh, giúp người dân dễ chấp hành, có thể tự mình đánh giá, kiểm chứng được vi phạm hay không vi phạm.

Từ đó, vị đại biểu nhìn nhận, giữa lựa chọn có ngưỡng hay cấm uống rượu thì phương án cấm sẽ tường minh, giúp công dân dễ chấp hành, tự mình cũng có thể đánh giá được mình vi phạm hay không vi phạm. Mà đây cũng là yêu cầu của xây dựng bất cứ một quy định pháp luật nào.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngược lại, ông Thịnh cho rằng, khi cho phép uống rượu ở dưới ngưỡng nào đó sẽ tạo không gian thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm.

"Về tâm lý học hành vi, nếu đã uống một chén rượu thì khả năng uống thêm sẽ cao hơn là dứt khoát không uống rượu, bia ngay từ đầu. Thứ hai vì tự bản thân người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa cũng như nồng độ cồn thay đổi theo thời gian tính từ lúc uống rượu, bia vào cơ thể nên quy định có ngưỡng nồng độ cồn vô hình trung lại thúc đẩy phát sinh hành vi vi phạm của người lái xe", ông Thịnh phân tích.

Đưa ra lý do khác, vị đại biểu cho rằng ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật an toàn giao thông nói riêng của xã hội ta hiện còn chưa cao. Do đó, việc quy định cấm sẽ là phù hợp hơn trong điều kiện ý thức xã hội như vậy.

“Quy định trong dự thảo không phải mới mà quy định này được Quốc hội khóa XIV thông qua ở Luật Phòng chống tác hại rượu bia, có hiệu lực từ 1/1/2020, thực tế mới được triển khai mạnh từ năm 2022 đến nay và đang cho kết quả kiềm chế tai nạn giao thông rất tốt nên việc thay đổi vào thời điểm này là không hợp lý”, ông Thịnh nêu.

Đại biểu Lê Hoàng Anh, đoàn Gia Lai (Ảnh: Quochoi.vn).

Giơ biển tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, Quốc hội quyết định các vấn đề cần dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể dựa trên cảm tính.

Theo đại biểu, hồ sơ dự án luật, Chính phủ cũng khẳng định sẽ nghiên cứu và sẽ có căn cứ khoa học cho vấn đề này. "Tức là tại thời điểm này là chưa có căn cứ khoa học", ông Hoàng Anh nói.

Đại biểu cho biết, ông đã xem lại hồ sơ dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu bia thì cũng chưa có tài liệu của cơ quan có thẩm quyền khẳng định bằng chứng khoa học của việc này.

Ông cho rằng, quy định cấm cũng không được ảnh hưởng đến hành vi mang nét đẹp văn hóa của nhân loại.

Đại biểu đoàn Gia Lai cũng đề nghị quy định cấm không nên ảnh hưởng, hạn chế các ngành nghề mà Nhà nước đang khuyến khích như y học dân tộc. "Ví dụ chúng ta sử dụng 5 - 10 ml rượu thuốc để chữa bệnh thì có thể vi phạm ngay", ông Hoàng Anh nêu.

Từ đó, đại biểu kiến nghị để Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể quyết định thì cần có bằng chứng khoa học về vấn đề này. "Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chính thức cho Quốc hội là căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học để quy định cấm tuyệt đối như dự thảo", ông Hoàng Anh nói.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cam-tuyet-doi-nong-do-con-dbqh-de-nghi-bang-chung-khoa-hoc-a637633.html