Cẩm Phả (Quảng Ninh): Nhiều cây cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, vừa ra Quyết định công nhận và Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho nhiều cây cổ thụ có giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan, bảo vệ thiên nhiên và môi trường ở thành phố Cẩm Phả.

Thành phố Cẩm Phả, nhiều cây cổ thụ được công nhận Cây di dản Việt Nam.

Cụ thể, ngày 5/3/2024, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra Quyết định số 109/QĐ-HMTg công nhận 2 cây đa, 9 cây nhãn, 1 cây long não trong khuôn viên Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông, phường Cửa Ông; và Quyết định số 110/QĐ-HMTg ngày 5/3/2024 cùng của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 3 cây thông nhựa, 1 cây trám trắng ở miếu Ba Cây Thông, thôn Thác Bạc, xã Dương Huy là Cây di sản Việt Nam.

Cây đa cạnh lăng mộ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, niên đại khoảng trên 200 năm.

Hai cây đa ở đền Cửa Ông cùng loài đa Gùa quả nhỏ, tên khoa học là Ficus microcarpa L.F. Một cây mọc cạnh lăng mộ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, niên đại khoảng trên 200 năm. Chu vi gốc (tính cả rễ phụ) 9,4m; đường kính gốc 2,9m; đường kính tại vị trí cao 1,3m là 2,7m; chiều cao vút ngọn 22m; chiều cao dưới cành 3m, tại vị trí phân cành cấp 1 cây được chia thành 4 cành chính có đường kính từ 30cm đến 60cm; đường kính tán hướng (Đông Tây) 20m, hướng (Nam Bắc) 25m.

Cây đa kia tuổi đời khoảng trên 150 năm, mọc cách cửa chùa Cẩm Sơn Tự khoảng 3m. Chu vi gốc (tính cả rễ phụ) 14,7m; đường kính gốc 4,7m; đường kính tại vị trí cao 1,3m là 4,1m; chiều cao vút ngọn 20m; chiều cao dưới cành 3m; tại vị trí phân cành cấp 1 cây được chia thành 4 cành đường kính cành nhỏ nhất 0,4m, đường kính cành to nhất 0,6cm; đường kính tán hướng (Đông Tây) 25m, hướng (Nam Bắc) 30m.

Cây nhãn niên đại 200 năm, ở dốc lên tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, cạnh lầu chuông.

9 cây nhãn ở đền Cửa Ông người địa phương gọi là nhãn nước, tên khoa học là Dimocarpus longan, mọc ở cánh tả - hữu hậu cung đền thượng, trước cửa nhà sắp lễ đền thượng, lối lên tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, cạnh lầu chuông... cùng có niên đại khoảng 200 năm. Đánh số cây từ 1-9, cây số 8 mọc ở lối lên tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, cạnh lầu chuông là cây to nhất. Chu vi gốc 6,1m; đường kính gốc 1,9m; đường kính tại vị trí cao 1,3m là 1,2m; chiều cao vút ngọn 18m; chiều cao dưới cành 1,8m; đường kính tán hướng (Đông Tây) 20m, hướng (Nam Bắc) 18m.

Cây nhãn số 7 mọc trước cửa nhà sắp lễ đền thượng lớn thứ hai. Chu vi gốc 3,2m; đường kính gốc 1,0m; đường kính tại vị trí cao 1,3m là 0,6m; chiều cao vút ngọn 8,6m; chiều cao dưới cành 6m; đường kính tán hướng (Đông Tây) 6,6m, hướng (Nam Bắc) 7,4m. 7 cây kia chu vi gốc từ 2,1 m-2,8m; đường kính gốc 0,7m-0,9m; đường kính tại vị trí cao 1,3m: 0,7m; Chiều cao vút ngọn từ 11,2m-16m; Chiều cao dưới cành từ 3,1m-3,5m; đường kính tán hướng (Đông Tây) từ 8,4m-9,7m, hướng (Nam Bắc) từ 8,6m-9,8m.

Cây Long Não gần khu tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng.

Cây long não ở đền Cửa Ông mọc gần khu tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, niên đại khoảng trên 130 năm, tên khoa học là Cinnamomum camphora. Chu vi gốc 2,9m; đường kính gốc 0,9m; đường kính tại vị trí cao 1,3m là 0,8m; chiều cao vút ngọn 23m; chiều cao dưới cành 5,8m; đường kính tán hướng (Đông Tây) 17,2m, hướng (Nam Bắc) 6,8m.

Cây thông nhựa khoảng 200 tuổi tại miếu Ba Cây Thông, ở thôn Thác Bạc, xã Dương Huy.

Còn 3 cây thông nhựa được công nhận là Cây di sản Việt Nam ở khuân viên miếu Ba Cây Thông, ở thôn Thác Bạc, xã Dương Huy, tên khoa học là Pinus merkusii Junght. Et de Vries có niên đại khoảng 200 năm. Truyền tục, khi dân làng dựng am thờ thành hoàng, quan sơn, thổ địa theo tín ngưỡng văn hóa cổ đại; có phối thờ ngũ phương thì trồng 5 cây thông tượng trưng cho (5 vị) ngũ phương thần. Thời Pháp thuộc, khi binh lính đến làng đồn trú chúng sai người chặt hạ 2 cây để làm tời trục thi công xây dựng đồn bốt. Không lâu những người chặt cây người thì tai ương-người tự đổ bệnh lạ mà chết yểu, tiếng dữ đồn xa không ai dám động dao búa vào những cây sau, nên 3 cây thông mới còn đến ngày nay. Miếu chính thần thờ thiên thần, trong khuôn viên có 3 cây thông thì gọi là miếu Ba Cây Thông.

Cây trám trắng khoảng trên 200 tuổi, ở miếu Ba Cây Thông.

Cây thông lớn nhất chu vi gốc 3,5m; đường kính gốc 1,1m; đường kính tại vị trí cao 1,3m là 0,9m; chiều cao vút ngọn 27m; chiều cao dưới cành 20m; đường kính tán hướng (Đông Tây) 20m, hướng (Nam Bắc) 22m. Hai cây kia, chu vi gốc từ 2,9m- 3,0m; đường kính gốc cùng 0,9m; đường kính tại vị trí cao 1,3m cùng 0,8 m; chiều cao vút ngọn từ 23m-25m; chiều cao dưới cành từ 15m-17m; đường kính tán hướng (Đông Tây) từ 15m-16m, hướng (Nam Bắc) từ 17m-18m.

Cây trám trắng ở miếu Ba Cây Thông tên khoa học Canarium album, tuổi thọ khoảng trên 200 năm. Chu vi gốc (tính hết bộ rễ) 4,5m; đường kính gốc 1,4m; đường kính tại vị trí 1,3m là 0,9m; chiều cao vút ngọn 20m; chiều cao dưới cành 3,5m; đường kính tán hướng (Đông Tây) 25m, hướng (Nam Bắc) 22m.

Lễ hội đền Cửa Ông tổ chức thường niên, năm Giáp Thìn khai hội vào ngày mùng ba, tháng hai (12/3/2024).

Thành phố Cẩm Phả dự kiến sẽ công bố Quyết định và đón nhận Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam vào ngày Khai hội, Lễ Hội đền Cửa Ông vào ngày 12/3/2024, tức ngày mùng Ba, tháng Hai, năm Giáp Thìn.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cam-pha-quang-ninh-nhieu-cay-co-thu-duoc-cong-nhan-cay-di-san-viet-nam-371271.html