Cẩm nang con trai - con gái - Phần 1: Tử cung

Bạn thân mến, Nhớ lại những ngày tôi 13, thật buồn - cười. Có nghĩa là, lúc thì buồn vu vơ, buồn không biết vì sao tôi buồn, dù cho hôm ấy trời nắng đẹp, nhưng trái tim tôi cứ ủ dột như ngày mưa... Có khi lại thấy lòng mình buồn bực vì những chuyện không đáng, dù chỉ là một lời nhắc nhở của mẹ về mớ đồ lộn xộn trong tủ áo. Có lúc lại cười một mình như kẻ ngớ ngẩn, kì thực trong nơ - rôn thần kinh của tôi đang hồi ức về chuyện anh chàng lớp phó kỉ luật lấy giúp chiếc xe đạp ra khỏi bãi xe. Và không ít lần tôi đã cười rất mãn nguyện khi cô giáo đọc bài văn của tôi trước lớp như một bài văn mẫu. Khi về nhà tôi lại nhận được cái icon mặt cười toét cả miệng và cái chớp mắt liên hồi của anh chàng lớp phó dễ thương. ...Ôi cái tuổi 13 của tôi còn biết bao nhiêu chuyện vừa buồn, vừa đáng mỉm cười như thế. Bạn ạ, đó là câu chuyện mà hầu hết con trai, con gái tụi mình đều trải qua khi bước vào tuổi dậy thì với thật nhiều biến đổi về tâm sinh lí. Cơ thể tụi mình thay đổi. Tụi mình lớn lên phổng phao. Nhưng lắm lúc tụi mình ngỡ ngàng, bối rối và có khi còn hoảng sợ vì những hiện tượng lạ ùa đến với mình. Tập cẩm nang be bé xinh xinh này sẽ làm bạn với tụi mình trong những ngày đầu mới lớn. Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thúy Tươi sẽ tỉ tê với tụi mình phần nào những âu lo, thắc mắc. Đừng quên đem theo Chuyện con gái - con trai bạn nhé! NGUYỄN GIA THỤC KIM Các bạn thân mến Con gái có nhiều rắc rối và những thắc mắc của các bạn về cơ thể cũng nhiều vô số kể. Mực Tím sẽ giải đáp với các bạn sâu hơn về những Òmón đồÓcất giấu hơi bị kĩ... 1. TỬ CUNG Các bạn có biết vì sao lại gọi là “tử cung” không? “Tử” nghĩa là con, còn “cung” giống như xem phim bạn nghe “hoàng cung”, cung là cái buồng. Vậy tử cung là cái phòng riêng cho em bé ở. * Mình thấy bà bầu bụng to tướng, vậy tử cung chắc cũng to lắm? - Tạo hóa sinh ra con gái lúc nào chả muốn các bạn đẹp, nếu tử cung to vậy thì bụng bạn nhìn sẽ kinh khủng lắm. Cấu tạo của tử cung gồm 3 loại cơ: cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo, lót bên trong là lớp niêm mạc. Bình thường tử cung của các bạn gái chỉ bé như... quả trứng gà công nghiệp. Khi em bé đến cư ngụ, bé lớn tới đâu thì các cơ giãn ra tới đó. Vì có cấu tạo đặc biệt nên em bé bự cỡ nào nó cũng giãn được. Thậm chí cả khi bà mẹ mang thai đôi, thai 3, các bé cũng tự xếp căn buồng để có thể “ở chung” được mà không có gây lộn. * Mình nhìn trong hình thấy tử cung lơ lửng, có khi nào nó rớt ra ngoài không? - Công nhận trí tưởng tượng của các bạn phong phú thật. Chẳng những lơ lửng mà “cổ tử cung” lại ở dưới, đáy quay lên trên. Tuy vậy “ngôi nhà của em bé” được hệ thống dây chằng giữ cẩn thận, không rớt ra ngoài được. Ngày xưa bà nào sinh nhiều con cỡ một đội bóng thì dây chằng mới nhão, thế là tử cung lộ ra theo kiểu “thập thò” gây vướng víu, bị cọ xát và dễ nhiễm trùng. * Cơ tử cung có khả năng giãn như vậy, có khi nào nó co không? - Có chứ, là khi chúng mình có “nguyệt san” cơ tử cung phải co lại để đẩy máu kinh ra ngoài. Lúc ấy nó co từng đợt, nhịp nhàng, bạn nào chả thấy bụng mình có cảm giác dập dềnh như từng đợt sóng, vừa chướng vừa đau. * Em chỉ thấy chướng bụng nhưng lưng lại đau có phải do tử cung co lại không? - Người ta đau bao tử mà còn đau xiên ra sau lưng, có bạn còn bị chẩn đoán nhầm là cơn đau thận. Đau bụng kinh thường đau xiên ra vùng thắt lưng khiến bạn nhăn nhó, bạn nào yếu bóng vía còn than rằng “đau muốn gãy lưng ra”. * Những lúc chướng bụng, đau lưng như vậy em muốn khỏi ngay tức khắc thì làm sao? - Bạn có thể uống Cataflam mỗi lần một viên, một ngày có thể uống 2-3 lần. * Bạn em bảo “đấm lưng thì đỡ đau”, liệu có đúng không? - Đấm, xoa, an ủi là liệu pháp tâm lí có thể làm cơn đau dịu đi phần nào.

Nguồn Mực Tím: http://muctim.com.vn/vietnam/tu-van-hoi-dap/phong-mach-mt/2010/3-17/36433/