Cấm bán cát ra ngoài tỉnh: sự bất lực của quản lý

Trung tuần tháng 7, một số địa phương ở miền Trung và miền Đông Nam bộ ra văn bản chính thức hoặc có chủ trương cấm doanh nghiệp bán cát ra khỏi địa bàn tỉnh. Những lệnh cấm này, ngoài chuyện đúng hay sai, còn cho thấy sự bất lực của các cơ quan quản lý sau một thời gian buông lỏng việc khai thác cát.

Khi chính quyền can thiệp không đúng vào thị trường

Cách đây gần 10 năm, lãnh đạo một tỉnh Tây Bắc muốn cấm doanh nghiệp khai thác quặng vận chuyển số khoáng sản khai thác được tại các mỏ trên địa bàn tỉnh này ra khỏi địa phương. Lệnh cấm định ban ra dưới hình thức yêu cầu doanh nghiệp chế biến sâu tại chỗ và phòng ngừa chuyện xuất khẩu lậu. Sự e ngại của tỉnh này có thể không thừa song việc cấm doanh nghiệp vận chuyển sản phẩm ra khỏi tỉnh thì không có căn cứ nào để thực hiện. Doanh nghiệp cũng không vừa, ra thông điệp rằng nếu tỉnh ban hành văn bản đó thì sẽ kiện UBND tỉnh ra tòa. Kết quả là địa phương dừng lại.

Nay tỉnh Bình Định ban hành văn bản cấm bán cát - khoáng sản làm vật liệu xây dựng ra khỏi tỉnh, dù trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu thừa nhận rằng pháp luật không có quy định nào cấm doanh nghiệp làm việc đó. Lý do được tỉnh Bình Định đưa ra là nhiều dự án (công trình) lớn tại địa phương đang được triển khai, như dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, quốc lộ 1D... đang cần lượng cát lớn. Nếu xuất bán ra tỉnh khác, giá cát tại chỗ tăng cao, trong khi trữ lượng cát tại địa phương lại có giới hạn.

Nhiều tỉnh, thành miền Trung như Quảng Ngãi, Phú Yên hoặc miền Nam như An Giang cũng có chủ trương tương tự như Bình Định song khôn khéo hơn, chính quyền không ra lệnh cấm chính thức mà dưới các hình thức: tạm dừng, rà soát lại quy trình cấp phép, khai thác, vận chuyển. Bản chất thì vẫn là chưa cho xuất bán ra khỏi tỉnh (mà) để phục vụ nhu cầu tại chỗ, phòng giá cát lên cao.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163213/cam-ban-cat-ra-ngoai-tinh-su-bat-luc-cua-quan-ly.html