Cải tạo, chỉnh trang tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên

Giai đoạn 2 của Dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên có chiều dài gần 32km đi qua bảy quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị thi công xây dựng, góp phần giải quyết tình trạng ngập úng, chỉnh trang đô thị, tạo môi trường xanh cho hàng nghìn hộ dân khu vực bắc-nam thành phố.

Một đoạn tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên bị ô nhiễm, kỳ vọng được thi công cải tạo trở thành tuyến kênh xanh của thành phố. (Ảnh Thế Anh)

Theo Quyết định phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Ðệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Ðồng Nai qua sông Sài Gòn) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 29/3/2022, dự án liên quan đến bảy quận, huyện gồm: huyện Bình Chánh, các quận Bình Tân, 12, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh với chiều dài toàn tuyến gần 32km. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.200 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 4.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố là 4.200 tỷ đồng.

Giám đốc quản lý dự án Lê Thanh Tùng cho biết: Thời điểm năm 2002, thành phố đã thu hồi mặt bằng để thực hiện giai đoạn 1 của dự án, chủ yếu là nạo vét lòng kênh, đắp bờ đất hai bên kênh, xây dựng các cửa xả thoát nước. Sau đó, dự án tạm ngưng do khó khăn trong việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư. Năm 2011, dự án được khởi động lại và thành phố chấp thuận cho sử dụng nguồn vốn ngân sách để tiếp tục thi công giai đoạn 2. Xét về quy mô, dự án này gấp ba lần dự án cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Còn về tác động xã hội, đây là dự án giải quyết ô nhiễm môi trường, chống ngập úng; đồng thời, chỉnh trang đô thị với quy mô trên diện rộng. Nhìn chung, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong tương lai. Ông Lê Thanh Tùng đánh giá, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên còn mang tính kết nối liên vùng, kết nối từ miền tây qua miền Ðông Nam Bộ ở cả hai hướng đường bộ và đường thủy, từ tỉnh Long An đến Thành phố Hồ Chí Minh, qua tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai qua quốc lộ 1. Dự án sẽ xây dựng 63km bờ kè hai bên tuyến kênh, giải quyết tiêu thoát nước mưa cho lưu vực có diện tích 14.900ha. Nhìn chung, hiện trạng nằm dọc hai bên tuyến kênh hầu hết đều không có hạ tầng, đường đi lại, hệ thống thoát nước, mặt kênh nơi hẹp nhất chỉ rộng 14m. Sau khi thi công dự án, dòng kênh sẽ xanh, sạch, bảo đảm tuyến kênh có chiều rộng trung bình 70m (trong đó lòng kênh 30m, hai bên bờ mỗi bên 20m), tạo điều kiện cho người dân có môi trường sống tốt, có hạ tầng giao thông đi lại thông thoáng theo trục bắc-nam.

Theo đơn vị quản lý dự án, dự kiến cuối tháng 2/2023, thành phố và Ban quản lý dự án sẽ thi công xây dựng giai đoạn 2, cũng là giai đoạn quan trọng nhất của toàn dự án. Trong đó, đối với phần mặt bằng để thi công, còn một phần diện tích thuộc bờ trái kênh Tham Lương (đoạn từ cầu Trường Ðai ra đến sông Sài Gòn), phạm vi từ ranh phía ngoài của tuyến đê bao bờ hữu ven sông Sài Gòn (ranh phía bờ kênh) trên địa bàn phường 15, quận Gò Vấp và các phường An Phú Ðông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An (Quận 12) với khoảng 166 hộ dân bị ảnh hưởng (12,5ha) sẽ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn thực hiện của dự án này. Ông Lê Thanh Tùng nhận định: "Việc thi công giai đoạn 2 có nhiều điều kiện thuận lợi là dự án đã có mặt bằng trống, hầu hết mặt bằng đã thu hồi trong giai đoạn 1 (khoảng 3.200 hộ dân)... Trong đó, chín trong số 10 gói thầu đã có mặt bằng và chọn được nhà thầu thi công. Ðây chính là yếu tố thuận lợi để công trình khởi công trong tháng 2/2023, dự kiến dự án hoàn thành toàn bộ vào năm 2025". Về nguồn vốn thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân thành phố đã có quyết định giao vốn cho đơn vị thực hiện dự án trong năm 2023 là 1.300 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố và Trung ương.

Là một trong những địa phương nằm trong dự án này, đại diện Ban Bồi thường Quận 12 cho hay: Giai đoạn 1, quận có 138 hộ bị ảnh hưởng (đã bàn giao đất), giai đoạn 2 có khoảng 166 hộ ảnh hưởng (đang khảo sát, cập nhật số liệu). Hiện nay, chính quyền quận cũng như người dân Quận 12 đều mong chờ dự án sớm được thành phố khởi công giai đoạn 2 để giúp môi trường sống của người dân phía bắc thành phố cũng như bộ mặt đô thị nói chung ngày càng nâng lên. Bà Nguyễn Thị Búp (ngụ khu phố 1, phường Ðông Hưng Thuận, Quận 12) vui mừng chia sẻ: "Thấy cán bộ nhà đất phường quay trở lại khảo sát, gia đình tôi phấn khởi lắm. Gần 20 năm trước, tôi đã giao đất cho quận thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên mà chỉ thấy nạo vét rồi để đó, cỏ mọc um tùm, muỗi mòng phát sinh. Mong sao công trình sớm được thi công hoàn thành để tuyến kênh hồi sinh trở lại, sạch sẽ, khang trang"…

Qua ghi nhận thực tế dọc tuyến kênh này, nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, dòng nước đen quánh, rác thải và xà bần bị đổ lén khiến một số đoạn lòng kênh rất hẹp, hạn chế việc tiêu thoát nước ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều hộ dân. Ðây cũng là hậu quả do dự án triển khai thời gian "đắp chiếu" quá lâu, thành phố không kiên quyết trong công tác thi công các giai đoạn tiếp theo làm dự án không thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ: Giai đoạn 1, quận có hơn 2.200 hộ dân nhường đất để thực hiện dự án, cũng là địa phương có số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất. Thành phố sắp thi công giai đoạn 2 là tín hiệu tích cực, tạo niềm tin cho người dân sinh sống hai bên tuyến kênh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cai-tao-chinh-trang-tuyen-kenh-tham-luong-ben-cat-rach-nuoc-len-post739118.html