Cái khó khi sinh ra ở vạch đích

Cuộc đua thừa kế trong các gia đình siêu giàu có thể gia tăng căng thẳng đối với mối quan hệ cá nhân, hủy hoại sự tự tin và khiến con cái phụ thuộc suốt đời vào cha mẹ.

"Succession" được cho miêu tả chân thực cuộc đấu đá khốc liệt trong các gia đình giàu có.

Succession, bộ phim truyền hình của HBO mô tả cuộc đấu đá, tranh giành thừa kế giữa các thế hệ của gia đình Roy giàu có, bao gồm các tình tiết hư cấu. Tuy nhiên, nội dung chính vẫn rất sát thực tế khi so sánh với cuộc sống của giới siêu giàu và những người thừa kế tỷ phủ, theo The Washington Post.

Sinh ra trong gia đình giàu có mang lại nhiều đặc quyền, nhưng triển vọng thừa kế gia tài khổng lồ có thể gia tăng căng thẳng trong các mối quan hệ cá nhân, hủy hoại sự tự tin và khiến ai đó rơi vào tình trạng phụ thuộc gần như vĩnh viễn, các nhà trị liệu và chuyên gia tư vấn làm việc với những người thừa kế của giới siêu giàu cho biết.

Nhiều nhà trị liệu nhận thấy nét tương đồng giữa khách hàng của họ với các nhân vật được miêu tả trong Succession.

Thiếu tham vọng và luôn lo sợ

Clay Cockrell, nhà trị liệu tâm lý chuyên điều trị cho những người giàu có, cho biết: "Tôi luôn cảm thấy như mình vừa làm việc, vừa xem phim truyền hình vậy".

"Một số người có thể thiếu tham vọng", ông nói, ám chỉ những người thừa kế ngoài đời thực. "Tại sao phải học đại học? Tại sao phải khởi nghiệp? Tại sao phải làm việc chăm chỉ? Khi tất cả nhu cầu tài chính của bạn đã được đáp ứng, điều đó dẫn đến lòng tự trọng thấp, sự thiếu tự tin, bởi vì nó chưa bao giờ thực sự là một cuộc đấu tranh".

Ông Cockrell đã nhìn thấy điều đó ở những đứa con của Logan Roy, người đứng đầu gia đình trong phim Succession. "Họ thể hiện sự dũng cảm, nhưng bên trong lại là sự nông cạn và sợ hãi", nhà trị liệu nói.

"Succession" khắc họa cuộc chiến kế vị trong gia đình Roy.

Paul Hokemeyer, nhà trị liệu gia đình, người cũng điều trị cho những người siêu giàu, cho biết ông nhận ra thế hệ thứ hai của các gia đình cực kỳ giàu có có thể bị ám ảnh bởi số tài sản thừa kế.

"Họ cũng không ngừng tự hỏi liệu mọi người thích mình vì con người thật hay vì sự giàu có tô điểm cho cuộc sống của họ".

Ông Hokemeyer cho rằng sự giàu có đôi lúc có thể cô lập một cá nhân với những người xung quanh. "Họ cảm thấy tội lỗi vì có quá nhiều thứ mà thế giới tôn sùng, đồng thời lại cảm thấy quá thiếu sót, không thỏa mãn và không hạnh phúc".

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần điều trị cho giới siêu giàu đều cho rằng con cái của người giàu có thể bị mắc kẹt trong tình trạng phụ thuộc vĩnh viễn vào cha mẹ khi trưởng thành.

Những người sinh ra trong hoàn cảnh bình thường có thể được thúc đẩy bởi khát vọng, nhưng những người sinh ra ở vạch đích lại có khả năng bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi thường trực về việc mất quyền thừa kế.

"Trong những gia đình này, tiền bạc, địa vị và quyền lực vốn có trở thành thước đo để họ đánh giá mức độ xứng đáng của mình với tư cách là một con người", ông Hokemeyer giải thích.

Giàu có nhưng không hạnh phúc

Một nghiên cứu chỉ ra rằng "cảm giác hạnh phúc có xu hướng tăng lên cùng với sự giàu có", nhưng đối với con cái của những người rất giàu, sự bất hạnh và lòng tự trọng thấp dường như đi kèm với khối tài sản.

"Nó có thể xuất hiện dưới dạng hội chứng kẻ mạo danh. Họ thể hiện sự dũng cảm, tự tin, đôi khi thậm chí tàn nhẫn với người khác để che đậy khuyết điểm, thứ có thể khiến họ sụp đổ bất cứ lúc nào", ông Cockrell nói.

Còn ông Hokemeyer cho biết sự khác biệt về tâm lý giữa những người tạo ra của cải và những người thừa kế bắt nguồn từ ý thức về quyền tự quyết của một người nằm ở bên trong hay bên ngoài, một khái niệm được gọi là "vị trí kiểm soát" (locus of control).

Những người thừa kế hoặc kết hôn với người giàu phải chịu sự kiểm soát từ bên ngoài, nghĩa là họ nhận thấy cuộc sống chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những thứ nằm ngoài quyền tự quyết của mình. Điều này có thể làm xói mòn ý thức về bản thân của cá nhân.

"Khi bị lu mờ bởi vẻ lấp lánh của sự giàu có, mọi người không thể phát triển sự tự tin lành mạnh và kiên định. Con người lúc đó sẽ luôn nghi ngờ khả năng đóng góp của mình với thế giới, không bao giờ biết liệu lời khen ngợi mà mình nhận được dựa trên điều gì".

Diễn viên Sarah Snook thủ vai Shiv Roy, con gái của gia đình Roy trong phim "Succession".

Sự tự ti ảnh hưởng đến thế hệ thứ hai của gia đình Roy, những người thường xuyên đấu tranh để che giấu điểm yếu của mình với người khác.

"Bên dưới vỏ bọc, tất cả chúng ta chỉ là những con rùa khỏa thân nhỏ bé", nhân vật Tom Wambsgans nói khi giải thích một quy tắc vàng của gia tộc Roy.

Succession nắm bắt một cách khéo léo các yếu tố giận dữ, nghi ngờ bản thân và xung đột nội bộ gia đình có thể mô tả chân thực cuộc sống của những người cực kỳ giàu có.

Nigel Nicholson, nhà tâm lý học tổ chức chuyên về xung đột trong công ty gia đình, cho biết: "Trong cuộc chiến thừa kế, có hai xung đột chính cần được giải quyết: Một là xung đột giữa cha mẹ và con cái, hai là sự ganh đua giữa anh chị em ruột".

Sự ganh đua của anh chị em bắt nguồn từ tâm lý tranh giành sự chú ý của cha mẹ, còn xung đột giữa các thế hệ là do phụ huynh nghi ngờ năng lực của con cái.

"Thế hệ đi trước tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất cho con cháu, nhưng thế hệ sau lại cho rằng họ hiểu điều gì là tốt nhất cho chính mình. Trong trường hợp này, người đi trước nên nhường bước. Các bậc cha mẹ cần nhận ra rằng con trẻ có thể có quan niệm mới, và thậm chí là những ý tưởng hay ho hơn", ông Nicholson đưa ra lời khuyên.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-kho-khi-sinh-ra-o-vach-dich-post1436649.html