Cải cách tiền lương

QĐND - Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng tin “Từ 1-5-2012: Lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng”, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi thư điện tử về Tòa soạn hỏi về lộ trình cải cách tiền lương, trong đó có việc cải cách tiền lương trong quân đội. Cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về giá cả sẽ tăng theo lương. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi đã trao đổi với một số cơ quan có trách nhiệm để tìm hiểu và góp phần giải đáp những ý kiến của bạn đọc.

QĐND - Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng tin “Từ 1-5-2012: Lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng”, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi thư điện tử về Tòa soạn hỏi về lộ trình cải cách tiền lương, trong đó có việc cải cách tiền lương trong quân đội. Cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về giá cả sẽ tăng theo lương. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi đã trao đổi với một số cơ quan có trách nhiệm để tìm hiểu và góp phần giải đáp những ý kiến của bạn đọc.

Từ tháng 5-2012, lương của cán bộ quân đội sẽ tăng khoảng 26,5%..

Từ tháng 5-2012, lương của cán bộ quân đội sẽ tăng khoảng 26,5%

Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1-5-2012 là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng (tương đương với 26,5%) so với mức lương 830.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.

Mức lương tối thiểu chung nêu trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức…

Theo Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì hệ số lương (so với lương tối thiểu chung) của sĩ quan quân đội ở một số cấp bậc như sau: Cấp Thiếu úy là 4,2 (có nghĩa là gấp 4,2 lần lương tối thiểu chung), cấp Trung úy là 4,6; cấp Thượng úy là 5,0; cấp Đại úy là 5,4; cấp Thiếu tá là 6,0; cấp Trung tá là 6,6; cấp Thượng tá là 7,3; cấp Đại tá là 8,0… Tổng mức lương và phụ cấp của sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương bằng 1,8 lần của quân nhân chuyên nghiệp, bằng 1,7 lần so với tổng mức lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức tương đương; công nhân viên quốc phòng xếp lương như công nhân viên Nhà nước và hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng. Binh sĩ không quy định chế độ tiền lương mà thực hiện chế độ ăn định lượng và phụ cấp sinh hoạt phí theo cấp hàm.

Như vậy, theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì từ ngày 1-5-2012, tiền lương hằng tháng (chưa kể tới các khoản phụ cấp theo lương tăng) của cấp Thiếu úy sẽ tăng thêm 924.000 đồng, của cấp Trung úy tăng thêm 1.012.000 đồng, cấp Thượng úy tăng thêm 1.100.000 đồng, cấp Đại úy tăng thêm 1.188.000 đồng, cấp Thiếu tá thêm 1.320.000 đồng, cấp Trung tá tăng thêm 1.452.000 đồng, cấp Thượng tá tăng thêm 1.606.000 đồng, cấp Đại tá thêm 1.760.000 đồng…

Giá cả có tăng theo lương?

Nhiều người lo ngại, khi lương tăng thì giá cả cũng sẽ tăng theo. Thế nhưng, theo tính toán của các chuyên gia thuộc Bộ Tài chính thì việc điều chỉnh lương tối thiểu chung lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường giá cả. Trước hết, với số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chỉ có khoảng hơn 8 triệu, sẽ không có tác động lớn hoặc chi phối mạnh đến thị trường chung với khoảng hơn 50 triệu lao động trong cả nước. Mặt khác, với mức tăng 26,5% vào ngày 1-5 tới cũng chỉ cao hơn một chút so với việc bù đắp mức độ trượt giá từ lần tăng lương trước (ngày 1-5-2011).

Điều quan trọng là ngân sách Nhà nước đã được chuẩn bị chu đáo từ cuối năm ngoái cho việc điều chỉnh lương lần này. Trong Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2012 được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2011, Quốc hội nhất trí phương án tăng lương tối thiểu chung lên 1.050.000 đồng/tháng từ 1-5-2012.

Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP thì kinh phí thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu chung sẽ từ nhiều nguồn: Trước hết là sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2012 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế). Sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, không kể tăng thu tiền sử dụng đất (bao gồm 50% nguồn tăng thu hiện so với dự toán thu năm 2011 Thủ tướng Chính phủ giao và 50% tăng thu dự toán năm 2012 so với dự toán thu năm 2011 Thủ tướng Chính phủ giao). Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2011 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương.

Sẽ tiếp tục cải cách tiền lương

Hệ thống chính sách tiền lương nước ta đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Theo Đề án Cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012, trong 4 năm qua đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, tính đến thời điểm 1-5-2012 thì mức tăng lương tối thiểu chung đã là 133,3%. Tuy nhiên, theo TS Lê Hải Mơ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính thì quy mô tiền lương tăng nhanh, nhưng không cải thiện được đời sống của cán bộ công chức. Nghịch lý nằm trong hệ thống lương và hệ thống nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, tiền lương không đủ sống, thì thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng, miền...) và không có giới hạn, không minh bạch, cũng không kiểm soát được.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiền lương là vấn đề quan trọng, nếu có cơ chế tiền lương bất hợp lý sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả nền tài chính quốc gia, phải tái cấu trúc cả bên cung lẫn bên cầu. Chính vì vậy cần phải tiếp tục cải cách tiền lương.
Làm việc với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, chúng tôi được biết: Hiện nay Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020 đã được soạn thảo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã báo cáo trước Chính phủ Đề án này trong phiên họp thường kỳ tháng 2-2012. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Đề án này trong Hội nghị Trung ương 5 của Đảng (vào cuối tháng 4-2012).

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, định hướng xây dựng cải cách tiền lương thời gian tới sẽ tách bạch rõ tiền lương của cán bộ, công chức do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi phí quản lý hành chính Nhà nước. Tiền lương của lực lượng vũ trang do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi quốc phòng, an ninh… Tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp được thực hiện theo cơ chế riêng và tính trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

“Cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội; gắn cải cách tiền lương với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, góp phần phòng, chống tham nhũng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước”- Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.

Trước đó, trong Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội khóa XI về cải cách tiền lương, Chính phủ đã nhấn mạnh: "Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm cống hiến của lực lượng vũ trang là "một ngành lao động đặc biệt", vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay".

Đỗ Phú Thọ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/184102/Default.aspx