Cải cách thuế - hải quan tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

Chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị luôn quan tâm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xem đây là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu tại “Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2023, bối cảnh kinh tế trong nước phải chịu nhiều áp lực từ những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân.

Tiếp nối truyền thống luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân, trong 3 năm 2020 - 2022 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, quy mô các giải pháp hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Cùng với các giải pháp hỗ trợ, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế đã tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử, theo đó hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với 99,9% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 98,9% DN thực hiện nộp thuế điện tử; 99% DN tham gia hoàn thuế điện tử.

Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định; triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022 để tạo thuận lợi cho việc khai, nộp thuế và quản lý thuế cho nhà cung cấp nước ngoài...

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, ngành Hải quan đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

Hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan

Đánh giá công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành Tài chính, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, công tác CCHC của Bộ Tài chính, ngành Thuế - Hải quan trong thời gian qua đã giúp DN giảm bớt gánh nặng thực hiện pháp luật thuế - hải quan.

Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính Thuế và Hải quan năm 2023 tiếp tục là một cách thiết thực triển khai chủ trương, định hướng được nêu trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 10/10/2023 là “tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để DN phát triển và cống hiến”.

Đại diện doanh nghiệp đối thoại với cơ quan thuế - hải quan. Ảnh: TN

Mặc dù công tác CCHC đã đạt được kết quả tích cực, song Chủ tịch VCCI thông tin, trong lĩnh vực thuế, nhiều DN phản ánh về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, về HĐĐT, về quy định nộp thuế tại địa phương đối với DN hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, vấn đề đảm bảo uy tín cho DN khi xử lý chậm nộp thuế. Một số quy định mới về nợ đọng thuế tính gộp cho DN, không theo từng công trình...

Trong lĩnh vực hải quan, nhiều DN phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu, về cơ chế hoàn thuế GTGT cho DN chế xuất; kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu; kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa,...

Ngay tại hội nghị lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các vụ, đơn vị đã trực tiếp giải đáp vướng mắc của các DN trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị, ngoài những câu hỏi, những vấn đề đã được đề cập tại hội nghị, nếu DN còn có vấn đề chưa được rõ, các DN có thể trực tiếp hoặc thông qua VCCI hoặc từ các hiệp hội DN tập hợp và gửi đến Bộ Tài chính cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời.

ÔNG ĐẶNG NGỌC MINH - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ:

Sự đồng hành của người nộp thuế giúp công tác chuyển đổi số thành công

Cải cách thuế - hải quan tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

Với phương châm lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.

Để có được sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, các yếu tố đóng vai trò quyết định, đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ; cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế.

Cùng với đó là sự đồng hành của người nộp thuế trong công tác chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế.

ÔNG HOÀNG VIỆT CƯỜNG - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN:

Chuyển đổi số hải quan được doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao

Ông Hoàng Việt Cường

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan, ngành Hải quan còn tích cực CCHC, chuyển đổi số, mang lại những hiệu quả thiết thực, được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.

Nhờ tăng cường ứng dụng CNTT và áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, đến nay đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động và các hệ thống CNTT vệ tinh; triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ toàn trình đạt khoảng 62,14 % tổng số dịch vụ công.

Đồng thời, phối hợp với 13 bộ, ngành để thực hiện 250 thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với trên 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64,7 nghìn DN đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh CCHC và hiện đại hóa trong lĩnh vực hải quan.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cai-cach-thue-hai-quan-tao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thuan-loi-141514.html