Cách xử trí thông minh khi con bạn có dấu hiệu nói lắp

Nếu cha mẹ thấy lo lắng về việc con nói lắp của bé, hãy tham khảo ý kiến của các bác sỹ hoặc chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của trẻ để đánh giá tình hình của bé và khắc phục tình trạng này kịp thời.

Nói lắp có phải dấu hiệu bệnh lý

Đến tuổi tập nói, trẻ có thể bỗng nhiên bị nói lắp mặc dù các bé đang phát triển kỹ năng ngôn ngữ khá nhanh và nói rất sõi.

Có thể chữa tật nói lắp cho trẻ.

Trong độ tuổi từ 2 -5 tuổi, trẻ hay mắc phải chứng nói lắp khi phát triển kĩ năng ngôn ngữ. Nguyên nhân là do lúc này bé đang muốn bày tỏ hết những suy nghĩ, thắc mắc của mình trong khi vốn từ của bé còn rất ít khiến bé không thể diễn tả hết bằng lời. Khi nó nói lắp là một hiện tượng dễ hiểu.

Nói lắp ở trẻ có thể xuất hiện khi mong muốn được nói của trẻ vượt quá khả năng ngôn ngữ hiện tại, cho đến khi khả năng này bắt kịp với mong muốn đó, Viện Quốc gia về chứng điếc và rối loạn giao tiếp của Hoa Kỳ phân tích.

Việc nói lắp có thể đến rồi đi, hoặc có thể kéo dài tới vài tháng và hơn thế. Tuy vậy, bố mẹ cũng không cần quá lo lắng khi lớn lên, đại đa số trẻ sẽ tự bỏ được tật này. Theo thống kê, cứ 4 trẻ có dấu hiệu nói lắp tự phát thì 3 trẻ tự bỏ được tật trong vòng 1 năm.

Những dấu hiệu nói lắp

Theo trang Afamily, dưới đây là những dấu hiệu cho thấy nói lắp có dấu hiệu bệnh lý:

- Bé lặp lại mỗi âm tiết từ bốn lần trở lên (m-m-m-m-mèo) thay vì chỉ một đến hai lần như trẻ nói lắp thông thường (m-m-mèo).

- Cơ mặt của bé cứng lại, bé nhấp nháy mắt hoặc hướng cái nhìn sang một bên khi nói lắp.

- Độ cao trong giọng nói của bé tăng lên khi nói lắp.

- Bé nói lắp trong suốt cả ngày dài, bất kể là tình huống nào. (nói lắp tự phát thông thường chỉ xảy ra khi trẻ mệt mỏi, sợ hãi, kích động hay thất vọng).

- Bé biểu lộ nỗ lực lớn và/hoặc căng thẳng khi cố gắng nói. Bé còn có thể bắt đầu né tránh việc nói chuyện.

Cha mẹ nên giúp con khắc phục tật nói lắp. (Ảnh minh họa).

Nếu bố mẹ cảm thấy lo lắng về việc con nói lắp, hãy tham khảo ý kiến của các bác sỹ hoặc chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của trẻ để đánh giá tình hình của bé. Họ sẽ biết nếu việc nói lắp là bình thường ở độ tuổi phát triển của bé hay bé cần được điều trị.

Phương pháp nhạy cảm và hữu ích khắc phục tình trạng nói lắp

- Không quá quan trọng hóa về việc bé nói lắp. Giảm bớt áp lực lên bé bằng cách cho bé thấy bạn rất hứng thú với những điều bé đang nói, cũng như cho bé đủ thời gian để trình bày.

- Khuyến khích bé bằng cách cho bé biết bạn hiểu con muốn nói rất nhiều điều và đôi lúc nói ra tất cả thật là khó, bạn sẽ kiên nhẫn chờ cho con nói hết những gì muốn nói.

- Nói chậm lại để con có thể theo kịp, nếu bạn là người hay nói nhanh.

- Hỏi con từng câu một và chờ bé trả lời trước khi nói tiếp. Lắng nghe một cách chăm chú và kiên nhẫn câu trả lời từ bé.

Tóm lại, lời khuyên tốt nhất cho bố mẹ lúc này là làm chậm lại mọi tác động của bạn đến con. Trẻ nhỏ vận động với nhịp điệu khác xa so với người lớn, bởi thế giới còn quá mới mẻ và đầy ắp những điều thú vị đối với bé. Cắt bỏ những yêu cầu về tốc độ của bố mẹ với trẻ sẽ làm giảm bớt áp lực mà bé có thể cảm thấy khi cố gắng “thả” các từ ra càng nhanh càng tốt.

Hiệu Duyên (T/h)

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/me-va-be/cach-xu-tri-thong-minh-khi-con-ban-co-dau-hieu-noi-lap-69483