Cách mạng công nghiệp 4.0: 86% lao động Việt sẽ bị ảnh hưởng

Cách mạng 4.0 không phải sự bổ sung, hoàn, hỗ trợ cũng không phải sự cơi nới mà là sự thay đổi cơ cấu và tư duy chính sách để phù hợp với thời đại.

Sáng nay (18/8), Cục Xuất nhập khẩu, Báo Công Thương- Bộ Công Thương phối hợp với diễn đàn Kinh tế Tư nhân đã tổ chức Hội thảo với chủ đề "Cách mạng Công nghiệp 4.0 - những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam". Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội thảo.

Trong bối cảnh phát triển xuất khẩu bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 với công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ nano...mở ra khả năng đạt được yêu cầu này.

Cơ hội

Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các "nhà máy thông minh" hay “nhà máy số”, mà ở đó các thiết bị máy móc thông minh giao tiếp với nhau bằng hệ thống mạng, liên tục chia sẻ thông tin về lượng hàng hiện tại, lượng nguyên vật liệu và những thay đổi trong đơn đặt hàng hay về sự cố hoặc lỗi.

Nhờ vậy, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, vật liệu. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ có những đột phá với những giống cây trồng mới.

Tại buổi hội thảo, đại diện của FPT ông Lê Hoàng Việt nhận định cuộc cách mạng 4.0 bắt đầu từ năm 2010 và sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện.

Phát triển công nghệ hóa trong tương lai sẽ tập trung vào 3 "trụ cột" chính là công nghệ vật lý, công nghệ số và công nghệ sinh học với nhiều đặc điểm đặc trưng như tốc độ thay đổi nhanh chóng, tác động sâu rộng, kết nối, chia sẻ dữ liệu lớn nhưng trong ngắn hạn, kết nối nhiều công nghệ, hoạt động khác nhau, kết hợp nhiều công nghệ, hoạt động khác nhau kết thực giữa thực và ảo...

Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cơ hội mở ra cũng rất nhiều. Chi phí giao dịch và quản lý giảm từ 30-80%, tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác; tăng cơ hội kinh doanh lớn; tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực và hệ sinh thái kinh tế điện tử, đột phá.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tận dụng mạng xã hội và các nền tảng mua bán thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng một cách sâu rộng hơn không chỉ trong nước mà còn vươn ra cả nước ngoài.

Đồng thời cách mạng công nghiệp 4.0 còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và hỗ trợ chi phí kho vận. Công nghệ tự động hóa trong các khâu logistics sẽ tăng tốc độ xử lý, tiết kiệm nguồn nhân lực, nhiên liệu và giảm khí thải.

Thách thức

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng rất nhiều ngành nghề sẽ chịu tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, gần 50% công việc tại Mỹ, Bắc Âu và Anh có thể bị thay thế do tự động hóa và người máy. Một số ngành nghề chịu tác động mạnh là dịch vụ giản đơn, bán hàng, quản trị, văn phòng, sản xuất, lắp đặt và giao thông vận tải.

Trả lời câu hỏi doanh nghiệp dệt may về tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 lên lao động trong ngành khi trong tương lai mỗi gia đình có thể sở hữu một chiếc máy in 3D và họ có thể tự sản xuất quần áo cho mình, ông Lực cho rằng cần phải có chiến lược cụ thể chuyển hướng lao động sang các công đoạn đòi hỏi hàm lượng trí tuệ cao hơn.

Cụ thể, ông Lực cho biết không chỉ ngành dệt may mà còn nhiều ngành nghề khác cũng cùng chung mối lo ngại này. Ông Lực trích nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy dưới sự phát triển của công nghệ 4.0, 86% lao động chân tay Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ có rất nhiều công việc thay thế mà hiện tại cần rất nhiều nguồn nhân lực cho những công việc thay thế đó. Vì vậy, trong tương lai sẽ có sự thay đổi về cơ cấu lao động và cần có lộ trình phù hợp. Điển hình như khâu thiết kế ngành dệt may sẽ được tập trung nhiều nhân lực hơn là khâu gia công. Hiện nay, nhân lực ngành dệt may tập trung nhiều vào khâu gia công còn khâu phân phối, thiết kế nguồn lao động vẫn chưa tham gia đầy đủ.

Các đại biểu cho rằng điểm mấu chốt ở đây là thay đổi suy nghĩ về kinh doanh. Vì vậy cách mạng 4.0 không phải sự bổ sung, hoàn, hỗ trợ cũng không phải sự cơi nới mà là sự thay đổi cơ cấu và tư duy chính sách để phù hợp với thời đại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng cần có sự chuẩn bị, lộ trình cụ thể và phù hợp để bắt kịp xu thế cuộc cách mạng 4.0.

Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết xuất khẩu là một hoạt động quan trọng của nền kinh tế, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế nói chung và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua, đạt tốc độ tăng trưởng bình quan là 17,5/năm trong giai đoạn 2011-2015. Năm 2016, xuất khẩu của cả nước đạt 176,6 tỷ USD và theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam đứng thứ 26 trong các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 sẽ vượt mốc 200 tỷ USD.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/cach-mang-cong-nghiep-4-0-86-lao-dong-viet-se-bi-anh-huong-20170818022733824p145c151.news