Cách giết thời gian của những tử tù

Không có gì đáng sợ hơn việc ngồi trong bốn bức tường, đếm thời gian được sống nên đa số tử tù thường tìm một việc gì đó khỏa lấp hoặc ru ngủ ý thức. Sợ hãi, sám hối là những tâm trạng thường thấy ở những kẻ từng gây nên tội lỗi không thể tha thứ được.

MỖI NGÀY VÀI DÒNG DI CHÚC VÀO LƯNG ÁO

Kể lại ngày ấy, Phạm Khắc Thủy, phạm nhân đang cải tạo án chung thân ở trại giam Nam Hà bảo đúng là trên đời thật lắm chữ ngờ, có những điều tưởng như không thể thay đổi được đến phút cuối lại rẽ sang một hướng khác, giống như cuộc đời Thủy. Ngạn ngữ Ả Rập có câu: “Hãy vứt một kẻ may mắn xuống biển. Anh ta sẽ lên bờ với con cá trong mồm”. Thủy là kẻ may mắn như thế.

Sinh năm 1963 ở Mộc Châu, Sơn La, thuở hàn vi, Thủy cũng lương thiện như bao cặp vợ chồng, mưu sinh bằng nghề thu gom hàng nông sản. Với chiếc xe bán tải, hàng ngày Thủy cần mẫn đi các bản mua hàng nông sản đưa về chợ huyện bán. Theo lời Thủy thì ngày ấy thuốc phiện được đồng bào đựng thành rổ, quý nhau thì mời hút nên Thủy càng chăm lên núi mua hàng, anh ta càng quen dần với khói thuốc phiện, đến khi nghiện lúc nào không hay. Lúc đầu chỉ là lấy tiền hàng mua thuốc hút, sau Thủy bán cả xe để hút và cái tất yếu không thể tránh khỏi để nuôi cơn nghiện là Thủy đi buôn ma túy. Vợ không công ăn việc làm, hai con còn nhỏ song Thủy bỏ ngoài tai lời khuyên can của vợ để đi buôn ma túy. Trong một lần ôm hai bánh heroin từ Sơn La về Hà Nội, đến Hòa Bình thì Thủy bị bắt.

Chỉ đến khi vào tù, Thủy mới thấy ân hận, nuối tiếc những ngày lao động vất vả bên vợ con. Anh ta hiểu ra rằng, chính mình đã đánh mất tất cả và cái mất lớn nhất chính là đã không dành thời gian chăm sóc con cái để giờ đây, chính anh ta là vật cản con đường tương lai của chúng. Nhiều đêm Thủy đã khóc, anh sợ nhất khi nghĩ đến một ngày, con cái lớn lên, ra ngoài xã hội, chúng sẽ sống sao khi có người cứ chỉ chỏ bảo rằng bố chúng là tên tử tù. Thời điểm Thủy bị bắt, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, cô con gái lớn học lớp 7, cậu em học lớp 4, tuy còn nhỏ nhưng cũng đủ hiểu những đổ vỡ đang xảy ra quanh chúng nên quyết tâm học hành.

Phạm Khắc Thủy

Thủy bảo may mắn nhất đời anh ta là có một người vợ ngoan và hai đứa con học giỏi. Vất vả về kinh tế và những tai tiếng mà chồng đem lại song vợ Thủy không bỏ chồng mà đi. Những ngày Thủy còn là tử tù, người vợ đảm đang này vẫn tranh thủ thời gian đi chăm chồng, động viên Thủy hãy cố gắng vượt qua những cơn vật vã vì ma túy để “có chết thì cũng không mang tiếng là con nghiện”. Và đó là động lực giúp anh không còn cảm thấy dằn vặt khi nghĩ đến ma túy. May mắn thứ hai đến với Thủy là anh ta được tha tội chết.

Với hai bánh ma túy mang theo người bị bắt quả tang, Thủy đinh ninh là mình sẽ chết. Trong suốt khoảng thời gian chờ ngày trả giá, đêm nào Thủy cũng cầu nguyện cho vợ con khỏe mạnh và chỉ day dứt một điều phải làm sao nói được hết lòng mình với người thân, chứ đợi tới ngày ra pháp trường, được viết lá thư cuối cùng gửi về cho gia đình, chắc không nói được hết. Vậy là ngoài những giờ cầu nguyện, Thủy sắp sếp những câu, những lời định nói với vợ con và dự định nếu có cơ hội sẽ xin một ruột bút bi viết vào lưng áo.

Ngày đó, cạnh buồng biệt giam với Thủy cũng có một tử tù khác tên Nguyễn Văn Thủy, quê ở Thái Nguyên, kém Phạm Khắc Thủy 5 tuổi, cả hai đều bị kết án tử hình vì buôn ma túy. Ba tháng là hàng xóm của nhau, đêm nào cả hai cũng rì rầm trò chuyện, thậm chí còn hát cho nhau nghe, rồi huyên thuyên về quá khứ, gia đình. Với các tử tù, chỉ khi ánh mặt trời ló lên, họ mới yên tâm ngủ vì như thế có nghĩa là còn được sống để rồi đêm đến là phấp phỏng lo sợ.
Một hôm, đang rì rầm trò chuyện thì tiếng cửa sắt ken két rung lên. Tiếng anh quản giáo vọng vào: “Thủy hôm nay đi trả án nhé”. Dù đã xác định tư tưởng nhưng khi nghe nhắc tên, Thủy thấy tim mình đau nhói, tay chân run rẩy không thể nhấc lên được. Để trấn tĩnh, Thủy xin cán bộ quản giáo cho thay bộ quần áo mới và hút điếu thuốc lào. Trong lúc Thủy ngồi hút thuốc, người quản giáo sang phòng bên cạnh gọi Thủy kia. Cứ nghĩ cả hai cùng ra pháp trường, người hàng xóm cất tiếng bảo Thủy: “Anh ơi, thế là anh em mình cùng đi một chuyến đấy”. Thủy đáp lại: “Ừ, lát qua Mộc Châu nhà anh ăn cơm nhé”. “Không, anh phải qua Thái Nguyên nhà em trước đã”. Rồi Thủy kia được đưa ra khỏi phòng còn Phạm Khắc Thủy cứ ngồi thế cho tới khi có người bảo chưa đến lượt.

Rồi Thủy xin được cái ruột bút bi tranh thủ những lúc ánh sáng lọt vào viết những lời dặn dò vợ con. Mỗi ngày vài dòng, chẳng bao lâu chiếc áo khoác đã dày đặc chữ nhưng khi Thủy yên tâm gửi chiếc áo cho người phạm nhân dọn dẹp, nhờ mang về cho vợ con thì nhận được quyết định ân xá của Chủ tịch nước. Thoát chết, Thủy nhảy cẫng lên như đứa trẻ còn người bạn tù mà anh nhờ cầm hộ chiếc áo về cho vợ con thì ôm chầm lấy anh khóc nức nở. Niềm vui đến dồn dập khi đúng thời điểm Thủy được ân xá tha tội chết xuống án chung thân, cô con gái của Thủy thi đậu trường Đại học Luật Hà Nội, còn cậu em có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh. Những lần trại tổ chức cho người nhà thăm gặp, vợ Thủy lại đưa hai con cùng xuống, nước mắt tràn mi nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc. Xem ra kẻ tử tù hụt này quá may mắn và để đáp lại sự may mắn của mình, Thủy nói rằng anh sẽ cố gắng cải tạo, lao động để trả ơn cuộc đời, mong có ngày đoàn tụ với gia đình dẫu cho khi đó có muộn màng.

TỤNG KINH ĐỂ QUÊN THỜI GIAN

Nếu như Phạm Khắc Thủy mỗi ngày viết vài dòng di chúc thì Nguyễn Thị Phương Nga, nữ tử tù xinh đẹp ở trại giam Sơn La lại tìm đến bốn tập kinh như tìm một sự cứu rỗi.

Nga xinh đẹp, trắng trẻo, bị kết án tử hình vì tội buôn bán ma túy với số lần tham gia là 17 chuyến ngược Sơn La, cùng người yêu mang ma túy về Hà Nội để sau đó đưa ra biên giới Lạng Sơn bán. Theo cáo trạng, cô đã mua bán 10 bánh ma túy trong đó có 3 bánh bị đồng bọn tổ chức cướp hàng.

Là con gái lớn trong một gia đình bố là thương bệnh binh, có hai huân chương chiến công hạng Nhất và Ba, mẹ mất sớm nên Nga rất ý thức được trách nhiệm của mình. Sau khi học hết phổ thông trung học, Nga tìm việc làm để giúp đỡ bố đến khi em trai thi đỗ đại học thì xuống Hà Nội với mục đích vừa kiếm tiền vừa chăm sóc em. Cô thuê nhà tại một con ngõ nhỏ ở quận Thanh Xuân, làm đại lý cho hãng sữa tươi Ba Vì. Chăm chỉ và sạch sẽ nên công việc làm ăn của Nga tiến triển tốt, cô đưa cả em gái cùng về ở với mình để kết hợp việc buôn bán.

Nguyễn Thị Phương Nga

Hơn một năm sau kể từ ngày về Hà Nội, Nga nhận lời yêu Ngô Minh Tâm, một thanh niên gần nhà mà không biết đó là kẻ nghiện ma túy nặng. Tâm làm nghề sửa chữa ôtô, lúc nào trong túi cũng rủng rỉnh tiền một phần vì kinh tế gia đình khá giả song chủ yếu là do anh ta buôn bán ma túy mà có. Hai mươi tuổi mới biết đến thế nào là rung động đầu đời khiến Nga ngây ngất trong tình yêu nhất là khi nghe Tâm hứa sẽ giúp cô hỗ trợ bố nuôi em. Nhường lại cửa hàng cho em gái, Nga chuyển về ngôi nhà bố mẹ Tâm xây cho với mục đích sắp cưới nhau, cần phải làm quen với việc nội trợ còn Tâm đi làm. Thi thoảng Tâm lại lấy ôtô của gia đình, nói là đưa người yêu đi “đổi gió” để đưa Nga lên các vùng núi cao của tỉnh Sơn La, tới khi cô biết Tâm nghiện thì cũng là lúc Nga đã dính vào mấy chuyến vận chuyển ma túy. Bàng hoàng, hẫng hụt nhưng trước lời hứa của Tâm rằng khi nào đủ tiền cưới sẽ làm ăn chân chính, Nga đã nghe theo.

Rồi Tâm bị Công an Trung Quốc bắt, Nga sợ hãi khi nghĩ tới bốn bánh ma túy mà Tâm cất trong nhà, bảo để trả lại vì chất lượng xấu. Cô liên lạc với Trần Lan Hương, một đồng bọn của Tâm, thỏa thuận bán, không ngờ người đàn bà này đã nhân cơ hội Nga thân cô thế yếu, bàn với đồng bọn dựng lên vở kịch để cướp. Theo kế hoạch, Hương bảo hai tên đồng bọn chờ sẵn ở điểm mà cô ta hẹn giao nhận hàng với Nga để khi Nga cầm túi ma túy tới, Hương nhá vào điện thoại của Nga và trong lúc Nga cúi xuống lấy điện thoại, đồng bọn của Hương lao ra cướp hàng.

Người yêu bị bắt, hàng bị cướp, Nga không được yên thân khi đồng bọn của Tâm ở Sơn La liên tục gọi điện xuống, thúc cô trả nợ thay nếu không sẽ “xử”. Sợ hãi, Nga đã làm theo sự chỉ dẫn của chúng là lên Sơn La lấy ma túy, đưa ra cửa khẩu cho đối tác. Lần đầu trót lọt, lần thứ hai cũng thế nhưng đến lần thứ ba thì Nga bị bắt khi cùng Nguyễn Tiến Dũng mang ba bánh ma túy về đến Chương Mỹ, Hà Nội. Với hành vi mua bán 10 bánh ma túy trong đó 4 bánh bị cướp, 3 bánh bị bắt quả tang, chưa kể 14 lần đi với người yêu, Nga bị Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La kết án tử hình. Chới với khi nghe tòa tuyên án, Nga rơi vào hoảng loạn vì không nghĩ rằng kết cục đời mình lại tàn khốc như vậy. Cô đã có nhiều đêm mất ngủ, khóc vì thương thân mình, thương người bố bệnh tật và lo cho tương lai của hai đứa em, vì mình mà lỡ dở. Cuộc sống của Nga tưởng chừng chỉ luẩn quẩn trong vòng tròn khóc, thức và sợ hãi nhưng rồi người cha thương binh đã kéo cô về thực tại. Trong lần duy nhất lên thăm con gái, bố Nga đã đưa cho con 4 quyển kinh như ngầm ý bảo con hãy tìm sự thanh thản ở đó. Mỗi ngày, khi mặt trời bắt đầu lặn, Nga lại lôi tập kinh ra đọc để khi kết thúc thì bình minh bắt đầu lấp ló. Hơn một năm như thế trôi qua, Nga không còn muốn tuyệt thực để chết, cũng không còn rơi vào trạng thái hoảng sợ khi thấy quản giáo xuất hiện như trước nữa mà đã tĩnh tâm hơn. Cô biết chấp nhận số phận song vẫn khao khát được tiếp tục sống để trở thành người lương thiện.

Trong lá đơn gửi Chủ tịch nước xin tha tội chết, Nga cho rằng vì đã quá mù quáng, tin tuyệt đối vào người yêu và đã sống hết mình với mối tình đó. Trong thư cô viết: “... Khát khao cuộc sống của tôi chưa bao giờ mạnh mẽ như bây giờ. Trước kia tôi lầm tưởng rằng chỉ có tình yêu đôi lứa mới xứng đáng để mình hy sinh tất cả, vì lẽ đó mà tôi đã sa chân vào con đường ma túy lúc nào không hay. Tôi lầm tưởng rằng chồng chưa cưới của tôi buôn bán ma túy cho người Trung Quốc để kiếm tiền xây đắp hạnh phúc cho tình yêu của chúng tôi thì không hại gì đến người dân Việt Nam...”. Rồi cô ao ước: “Là công dân của đất nước Việt Nam, ai cũng tự hào được viết Quốc hiệu của đất nước mình trên các văn bản. Còn tôi những ngày này khi nghĩ về Quốc hiệu của quốc gia mà thấy tiếc cho những ngày làm công dân của mình”.

Cô không tin mình sẽ được tha chết nhưng trong tiềm thức luôn mơ hồ rằng khát vọng sống của mình sẽ đạt được. Nga bảo nếu có phải chết thì đó cũng là số phận, là ngày tận thế của cô và cô sẽ chấp nhận. Nước mắt ướt nhoèn bên gò má mịn màng, trắng hồng, Nga chẳng mong gì hơn ngoài bát canh khoai sọ mà bố cô đã hứa sẽ mang vào trong lần đầu tiên lên thăm con.

THOÁT ÁN TỬ, TRI ÂN VỚI ĐỜI BẰNG VIẾT VĂN

Chưa từng có ý định viết văn, thậm chí ngày còn đi học, chưa bao giờ Định viết nổi một bài văn dài vậy mà chỉ nửa năm trong buồng giam dành cho kẻ tử tù, Định lại làm được chuyện mà có nằm mơ hắn cũng không bao giờ nghĩ tới.
Chỉ trong bốn tháng, 800 trang bản thảo về một cuốn tiểu thuyết nói về bí quyết làm giàu được hoàn thành có tựa đề Đen và Trắng. Giờ đây, khi đã được Chủ tịch nước ân xá, tha tội chết, đang cải tạo tại trại giam Nam Hà, Định tiếp tục viết cuốn tiểu thuyết thứ hai nói về cuộc chiến tranh vĩ đại ở Việt Nam. Trước đó, anh ta đã kịp viết xong cuối Tuổi thơ anh hùng và độc giả của Định là những người bạn tù cùng buồng giam. Trong cuộc trò chuyện với báo chí, người đàn ông này bảo đời anh ta có hai bước ngoặt lớn đó là dính vào ma túy và nghiệp viết văn.

Đang buôn bán ôtô phát đạt, Phạm Ngọc Định (49 tuổi, ở Nam Sơn, huyện An Dương, Hải Phòng, bị bắt vì liên quan đến đường dây ma túy do Lương Văn Chinh, Ngô Văn Đoàn ở Nam Định cầm đầu. Bị khép vào tội chết, những ngày trong phòng biệt giam, Định mới hối tiếc và ý nghĩ muốn tri ân với đời đã hối thúc anh ta cầm bút mặc dù trước đó chưa một lần mặn mà với văn chương. Bằng những kinh nghiệm bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường, Định muốn để lại cho nhân thế những bí quyết làm giàu mà anh ta đã đúc rút được trong thời gian buôn bán trước đó.

Trò chuyện với chúng tôi, Định bật mí đang ấp ủ viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam với tựa đề Vĩ cầm đỏ. Theo lời Định thì từ trước tới nay đã có rất nhiều nhà văn viết về hai cuộc chiến tranh chống giặc Pháp, Mỹ ở Việt Nam nhưng chưa có một cuốn tiểu thuyết nào nói về tổng thể cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam thông qua hai cuộc chiến trên. Định muốn viết về đề tài đó mà khi đọc nó, độc giả trong và ngoài nước sẽ hình dung một cách toàn cục cuộc chiến vĩ đại của dân tộc ta. Thế nhưng, “ở trong này việc tìm kiếm tư liệu để viết về chiến tranh khó quá. Nhà văn Nguyễn Đình Tú có gửi cho tôi một ít tài liệu nhưng không đủ”, Định tâm sự. Theo lời Định thì chủ đề mà anh ta viết xoay quanh tình yêu của một anh bộ đội với một nữ thanh niên xung phong, nhân vật có thật ngoài đời, xuyên suốt tác phẩm với sự xuất hiện của hàng trăm nhân vật song hành mà không có sự lặp lại.

Phạm Ngọc Định

Nhớ lại ngày ở phòng biệt giam, Định bảo thời gian đó thật kinh khủng nhưng cũng chính trong khoảng thời gian đếm ngày được sống ấy, anh ta mới khát khao muốn sống. Mỗi khi đọc báo, thấy nhiều người còn đói khổ, chỉ mong có vốn để làm ăn mà không được, Định lại vật vã rồi trăn trở hàng đêm khi nghe có người đang ăn nên làm ra, chỉ vì hám lợi trước mắt mà trở thành tay trắng, hoặc vào chốn lao tù. Định cũng đau đớn khôn nguôi khi cảm thấy nhục nhã bởi bản thân lành lặn, khỏe mạnh vì một phút tham lam mà dính vào tù tội trong khi có nhiều người mặc dù tàn phế, gia cảnh nghèo nhưng vẫn vươn lên làm giàu chính đáng. Rồi việc cầm bút viết truyện đến với Định như một định mệnh. Ấy là lần đang trong buồng giam, Định vô tình nghe được lời phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải trong một buổi trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ, rằng đất nước đang thời kỳ hội nhập, các nhà văn hãy làm sao để thông qua tác phẩm của mình giúp độc giả tìm được cách làm giàu, nhìn thấy cuộc sống một cách chân thực, sinh động hơn. Nghe những lời đó, tự dưng Định cũng cảm thấy mình phải làm một việc gì đó để tri ân với cuộc sống và ý nghĩ phải viết một cuốn sách đề cập đến cách làm giàu đã thôi thúc anh ta phải viết. Không còn thời gian để nghĩ đến tương lai u tối; không còn thời gian để lo lắng cho giờ ra pháp trường thi hành án mà chỉ còn là sự gấp gáp, hối hả của một kẻ lo chưa hoàn thành công việc đã bị “dứt bỏ cuộc vui”. Nói như nhạc sỹ Thanh Tùng thì “chỉ mong cỗ xe định mệnh không dừng sớm khi đang rong chơi”, Định cũng lo như vậy. Mỗi khi có dịp gặp người nhà, thay vì đồ dùng, thực phẩm, Định chỉ xin được tiếp tế bút, sách và cứ vậy, trong ánh sáng mờ mờ nơi cửa sổ buồng giam, sáng nào, Định cũng kê bút viết. Hối hả, gấp gáp, chỉ trong bốn tháng, hơn 800 trang bản thảo về cuốn tiểu thuyết đầu tay được hình thành. Định chuyển dần về cho gia đình song thật tiếc do anh ta vẫn chưa có quyền công dân nên những bí quyết làm giàu mà Định viết ra vẫn chỉ là bản thảo và chưa đến được tay độc giả.

Định bảo anh ta cảm thấy hạnh phúc vỡ òa khi đơn xin ân xá của mình được Chủ tịch nước chấp thuận. Cho rằng cần phải cảm ơn cuộc đời đã cho thêm cơ hội sống, Định viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai rồi thứ ba. Niềm an ủi lớn nhất của anh là mỗi trang bản thảo viết xong, các bạn tù cùng buồng là độc giả đầu tiên chuyền tay nhau đọc. Nhiều người cũng vì háo hức xem phần tiếp theo câu chuyện mà Định đang xây dựng, trở nên đọc thông viết thạo. Nhìn họ xúm xít đọc bản thảo của mình, Định không lo bị hỏng mà chỉ ước sao sớm hoàn thiện cuốn truyện để trước tiên các bạn tù hiểu được mục đích của Định khi chắp bút viết về đề tài hóc búa này.

Hơn 10 năm sống tách biệt với cộng đồng nhưng chưa lúc nào Định cảm thấy mình là người nhàn rỗi. Hy vọng một ngày gần đây, khi Định có điều kiện trở về với cuộc sống đời thường, những trang tiểu thuyết viết ra từ gan ruột của anh ta sẽ có dịp đến tay độc giả như một lời tạ tội của một kẻ lỗi lầm mong được người đời thứ tha.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=708&id=470800&mod=detnews&p=