Các tư thế ngủ giúp cải thiện sức khỏe

Trong khi ngủ, cơ thể sẽ được phục hồi năng lượng và giúp làm việc hiệu hơn vào hôm sau. Tư thế ngủ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ, do đó cần biết những tư thế phù hợp để cải thiện sức khỏe.

Nằm nghiêng

Ngủ nghiêng là tư thế ngủ phổ biến nhất khi có hơn 60% số người thường nằm nghiêng khi ngủ, đặc biệt là nam giới. Nằm nghiêng khi ngủ cũng mang lại những lợi ích về sức khỏe như cải thiện chứng ợ nóng, trào ngược dạ dày, ngoài ra có thể giảm chứng khó ngủ hoặc ngáy khi ngủ. Tư thế nằm nghiêng mang đến sự thoải mái cho người lớn tuổi vì có thể giảm đau lưng. Theo các chuyên gia về sức khỏe giấc ngủ thì ngủ nghiêng bên trái được đánh giá là tốt hơn so với ngủ nghiêng bên phải. Ngủ nghiêng về bên phải có thể làm tăng áp lực lên các cơ quan nội tạng, đó là lý do tại sao các chuyên gia khuyên ngủ bên trái đối với phụ nữ mang thai và những người bị trào ngược axit dạ dày hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Nằm ngửa

Nằm ngửa là tư thế ngủ phổ biến thứ hai, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khi nằm ngửa, cột sống sẽ thẳng và trọng lượng sẽ được phân bố đều khắp cơ thể. Nằm ngửa cũng có thể làm giảm nghẹt mũi hoặc dị ứng. Ngoài ra, da mặt không tiếp xúc với gối sẽ không gây ra các vết nhăn hay bụi bẩn tích tụ trên gối gây viêm nhiễm da. Tư thế nằm ngửa dành cho những đối tượng: Người bị đau cột sống thắt lưng; Người muốn hạn chế nếp nhăn; Người bị đau cổ vai gáy; Người bị nghẹt mũi.

Nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất đối với người bị đau cổ so với tư thế nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Để tránh đau cổ, hãy sử dụng một chiếc gối hỗ trợ cổ có chất liệu đàn hồi và có thiết kế riêng để nâng đỡ vùng cổ. Ngoài ra, bạn có thể cuộn một chiếc khăn dưới cổ và dùng một chiếc gối phẳng hơn để kê đầu. Khi nằm ngửa, đừng gác tay lên trán vì sẽ tạo ra áp lực cho cột sống và xương khớp, dễ gây đau vai hoặc cổ.

Tư thế ngủ dạng thai nhi

Đây là tư thế ngủ rất phổ biến và khá giống với tư thế nằm nghiêng một bên, chỉ khác là hơi uốn cong người và cuộn tròn người về phía đầu gối, như tư thế của thai nhi trong bụng mẹ. Tư thế ngủ uốn cong người này cũng có tác dụng hỗ trợ giảm đau lưng và tiếng ngáy nên phù hợp với người có vấn đề về lưng, phụ nữ mang thai và người thường xuyên ngáy khi ngủ.

Thế nhưng, nếu ngủ ở tư thế dạng thai nhi, bạn cần lưu ý phải thả lỏng cơ thể và cong người một cách tự nhiên để không gây cản trở hô hấp trong khi ngủ. Thêm vào đó, đối với người bị đau cứng khớp nên tránh ngủ ở tư thế này vì có thể gây đau nhức và ê ẩm cơ thể.

Nằm sấp

Nằm sấp là tư thế ngủ ít phổ biến nhất. Nghiên cứu cho thấy chúng ta dành ít hơn 10% thời gian ban đêm để ngủ ở tư thế này. Tuy nhiên, nằm sấp cũng có một số lợi ích. Cụ thể, tư thế ngủ sấp giúp mở rộng đường thở nên có thể giúp giảm ngáy. Tuy nhiên, xương sườn phải hoạt động chống lại trọng lượng cơ thể đè nén để có thể thở, việc này có thể khiến cơ thể phải sử dụng nhiều năng lượng hơn, do đó khiến giấc ngủ không ngon giấc. Tư thế ngủ nằm sấp có một số nhược điểm và không được khuyến khích cho hầu hết mọi người. Đặc biệt, những đối tượng sau không nên nằm sấp khi ngủ: Phụ nữ mang thai; Người bị đau cổ hoặc lưng; Người muốn hạn chế nếp nhăn.

Những lưu ý để ngủ sâu và ngon giấc

Có 3 yếu tố chính để tạo nên giấc ngủ chất lượng: sự thẳng hàng, hơi thở và sự thoải mái. Sự thẳng hàng: là trạng thái chúng ta đặt cột sống nằm trên đường thẳng với vai và hông. Sự thẳng hàng giúp duy trì cột sống khỏe mạnh, giảm đau và tạo giấc ngủ sâu hơn. Hơi thở: thông thoáng đương thở trong giấc ngủ là đặc biệt quan trọng đối với những người ngủ ngáy hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Sự thoải mái: lựa chọn tư thế ngủ thoải mái và phù hợp là một yếu tố rất quan trọng. Bên cạnh đó, sự thoải mái trong tâm trạng và tâm lý cũng giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn.

Mặc dù được chứng minh mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng đối với người đang có vấn đề về đau vai hoặc đau hàm không nên ngủ nghiêng về một bên để tránh làm trầm trọng tình trạng chấn thương. Ngủ nghiêng về bên trái thường được cho là có nhiều lợi ích hơn với sức khỏe toàn diện, tốt nhất cho hệ tiêu hóa nhờ giảm khả năng bị ợ nóng. Tuy nhiên, về tổng thể, ngủ nghiêng cả hai bên đều mang lại những tác dụng hữu hiệu trong cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ và giảm đau lưng mãn tính.

Thực tế, bạn không cần duy trì duy nhất một tư thế trong suốt giấc ngủ. Việc xoay người từ bên này sang bên kia, thậm chí chuyển sang nằm ngửa khi ngủ là điều hết sức bình thường. Duy trì một tư thế quá lâu có thể làm bạn gặp tình trạng tê cứng cơ vào buổi sáng. Bạn cũng có thể sử dụng nệm và gối cứng hơn để ngăn ngừa tình trạng đau lưng, cổ hoặc vai.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-tu-the-ngu-giup-cai-thien-suc-khoe-post570180.antd