Các trường tốp dưới tuyển sinh thẳng thí sinh Đường lên đỉnh Olympia là bình thường

Mới đây, thông tin trường ĐH Công nghệ GTVT thông báo tuyển thẳng học sinh lọt vào vòng thi tháng của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia khiến nhiều ý kiến trái chiều xảy ra khi có nhiều trường coi đây là mục tiêu tuyển sinh của nhiều trường ĐH.

Các thí sinh lọt vào vòng thi tháng của cuộc thi

Năm 2017, trường ĐH Công nghệ GTVT xét tuyển theo 2 phương thức gồm: xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia và xét tuyển thẳng vào trường với 2.220 chỉ tiêu. Theo đó, trường xét tuyển thẳng học sinh lọt vào vòng thi tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Trước phương án này, nhiều người đặt vấn đề về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia có nên được lấy làm tiêu chí để tuyển thẳng thí sinh vào các trường ĐH hiện nay hay không khi mà các trường đang thiếu các học sinh sẽ lấy cuộc thi cũng như vòng thi tháng này làm đích đến để lựa chọn, mời gọi các thí sinh nộp hồ sơ vào trường mình? Có nhiều người ủng hộ chủ trương này để không “chảy máu chất xám” và cho đó cũng là một trong những chính sách thu hút nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, lại có nhiều người phản đối vì cho rằng đây là cuộc chơi thuần túy, đừng mang nó thành tiêu chí tuyển thẳng vào ĐH, sẽ “mất đi cái chất” vốn có của nó.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng khi Bộ GD-ĐT để các trường tuyển sinh một cách tư chủ đồng nghĩa các trường được phép tuyển sinh các thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia ở một vòng nhất định nào đó, bởi 1 năm tuyển sinh với tất cả các thí sinh này cũng không nhiều. Cái cần quan tâm nhất ở đây là Bộ phải thống nhất cho các trường chỉ tiêu tuyển sinh một cách cụ thể, không để cho các trường tốp đầu lấy hết lượng thí sinh của các trường tốp giữa hoặc các trường tốp dưới.

Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2017 của Bộ, việc tuyển thẳng thí sinh vào ĐH đa phần là thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi Olympic quốc tế. Mặc dù Luật Giáo dục Đại học có đề cập vấn đề tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH nhưng việc tuyển thẳng vào ĐH vẫn phải theo quy chế và quy định của Bộ GD-ĐT.

Cũng trong cuộc phỏng vấn về việc trường ĐH Công nghệ GTVT đưa tiêu chí tuyển thẳng thí sinh lọt vào vòng thi tháng cuộc thi này, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: "Hiện nay, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chưa được đưa vào quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ. Việc trường ĐH Công nghệ GTVT tuyển sinh thẳng thí sinh lọt vào vòng thi tháng, Bộ cũng đã có nhắc nhở, đề xuất thay đổi quy chế ưu tiên, tách bạch giữa xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ và theo đề án tuyển sinh riêng của trường để thí sinh không có sự nhầm lẫn. Bởi lẽ các thí sinh lọt vào vòng thi tháng của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia không thuộc diện tuyển thẳng của Bộ GD-ĐT. Đối với các em diện tuyển thẳng theo quy chế của Bộ, tháng 5 tới đây, các em phải làm hồ sơ xét tuyển theo quy trình chặt chẽ. Chúng ta cần phân biệt rõ xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ và xét tuyển theo đề án riêng của từng trường. Các trường có quyền xét tuyển các đối tượng này vào trường. Đó là quyền tự chủ tuyển sinh của họ nhưng cần tách bạch khỏi đối tượng tuyển thẳng theo quy định của Bộ.

Đưa những trường hợp tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vào đối tượng xét tuyển thẳng, các trường có muốn cũng không làm được. Theo quy chế của Bộ, các thí sinh thuộc diện tuyển thẳng phải trải qua quy trình gắt gao, qua sở GD-ĐT, theo chỉ tiêu của từng trường... Các đối tượng lọt vào cuộc thi tháng Đường lên đỉnh Olympia không nằm trong quy chế của Bộ nên các Sở không thể đưa vào để thực hiện quy trình xem xét được" - ông Ga cho hay.

Không chỉ có trường ĐH Công nghệ GTVT đưa học sinh lọt vào vòng thi tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, thuộc diện xét tuyển thẳng, trước đó, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã làm việc tương tự. Tuy nhiên, sau khi bộ GD-ĐT nhắc nhở, trường ĐH KTQD đã dừng việc tuyển thẳng và chuyển các thí sinh này sang xét tuyển kết hợp.

Đưa ra quan điểm riêng của mình, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng việc các trường tuyển sinh như thế nào để đảm bảo chất lượng là việc của chính trường đó. Nhưng việc tuyển sinh cần có sự tách bạch, rõ ràng, cần có "ngưỡng" riêng của trường để tránh "vơ bèo, gạt tép" lựa chọn cả thí sinh chất lượng kém rồi thổi phồng lên tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao chót vót.

"Theo tôi, cái cần can thiệp nhất là các trường ĐH ở tốp đầu vì chính những trường đó là các trường ĐH trọng điểm, chất lượng đào tạo cao, không thể tuyển sinh một cách ồ ạt, các trường tốp đầu này Bộ nên quản lý một cách chặt chẽ tạo được nguồn nhân lực đảm bảo sau khi ra trường. Còn các trường ở tốp dưới, có thể thông thoáng, họ tuyển sinh thẳng thí sinh từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là bình thường. Bộ nên nhắc nhở họ cẩn trọng khi tuyển sinh và công bố thông tin, tỷ lệ ra trường có việc làm một cách chính xác để thí sinh cũng như phụ huynh được biết mà hướng nghiệp cho con mình. Bên cạnh đó, Bộ cần chú ý hơn việc dự báo thị trường lao động, thông tin về các ngành nghề, xu hướng việc làm cũng cần được các cơ quan hữu quan thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi đến học sinh để các em có thể nắm bắt và lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp".

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/cac-truong-top-duoi-tuyen-sinh-thang-thi-sinh-duong-len-dinh-olympia-la-binh-thuong-60072.html