Các trường ĐH tự chủ - Học phí cao, chất lượng có tăng?

Theo Nghị định số 86/CP của Chính phủ, từ năm học 2015-2016, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo tại các trường đại học được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, trong đó mức trần thấp nhất là 17,5 triệu/năm cho các ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản, câu hỏi là học phí tăng cao thì chất lượng có tăng lên, để làm rõ hơn vấn đề nay chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Xuân Hoàn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Thưa ông, trong vài năm gần đây thường nghe nói đến vấn đề tự chủ tại các trường ĐH, là một trường trong số 13 trường đại học đầu tiên của cả nước được đổi mới cơ chế ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Trong vấn đề tự chủ tự chịu trách nhiệm ở các trường đại học tại nước ta không thể hiểu một cách phiến diện là tự chủ học phí, nói đến tự chủ là nói đến tăng học phí và dựa vào đó để nói rằng tăng học phí là tăng chất lượng đào tạo. Ở đây ta phải làm rõ một số vấn đề như sau: Hiện tại Nhà nước phải lấy ngân sách, tức là đóng góp của tất cả người dân, để trợ cấp cho các trường đại học công lập và các trường ngoài việc thu học phí thì vẫn được nhà nước hỗ trợ thêm một phần kinh phí để hoạt động, điều đó dẫn đến một số trường cho dù hoạt động có kém hiệu quả đi nữa thì vẫn được tồn tại. Với mô hình tự chủ thì nhà nước giao quyền tự chủ về các trường và các trường phải tự “sống” mà không sử dụng ngân sách nhà nước, có nghĩa là ngân sách bù kinh phí đào tạo của trường được thu từ người học thay vì được ngân sách hỗ trợ, điều này đem lại sự công bằng hơn cho xã hội, chính những người được hưởng dịch vụ sẽ phải trả kinh phí cho dịch vụ mình được hưởng thay vì sự đóng góp của toàn xã hội.

Lễ ký kết Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh với các doanh nghiệp.

Nhưng thưa ông, người học và gia đình của họ quan tâm đến vấn đề chất lượng đào tạo và dịch vụ?

Vấn đề mà người học và phụ huynh đặt ra là học phí cao có đồng nghĩa với chất lượng cao? Thực sự, nếu hiểu theo một cách phiến diện về nguồn thu của các trường thì rõ ràng việc tăng học phí này chẳng qua là bù lại cho phần thiếu hụt do nhà nước không bù chứ không đồng nghĩa với việc được tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng, học phí của các trường tự chủ nằm giữa các trường công lập không tự chủ và các trường tư thục do các trường này vẫn còn hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư ban đầu từ nhà nước, và không phải trả lãi vay cho khoản đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, với cách nhìn toàn diện thì chính vì “sự sinh tồn” của mỗi trường trong môi trường cạnh tranh gay gắt về chất lượng để thu hút thí sinh nên khi được giao quyền tự chủ thì các trường buộc phải xây dựng cơ chế để sử dụng hiệu quả nguồn vốn được tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo và từ đó thu hút người học. Với việc bỏ cơ chế bao cấp, cơ chế tự chủ sẽ bắt buộc các trường phải năng động hơn trong các hoạt động của mình, và đặc biệt trong công tác sử dụng nguồn vốn để tạo ra sự đột phá về chất lượng. Chất lượng đào tạo gắn liền với tuyển sinh, và tuyển sinh gắn liền với sự sinh tồn của nhà trường, của hàng trăm, hàng ngàn cán bộ giáo viên – giảng viên sẽ là động lực thúc đẩy chất lượng đào tạo được nâng cao.

Về phía trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đã làm gì để thuyết phục người học chấp nhận mức học phí mới?

Với cơ chế tự chủ và các quan điểm về tự chủ của trường, hiện nay Trường đã xây dựng và dần hoàn thiện các quy chế về quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động và bổ nhiệm sao cho thu hút và giữ chân được nhân sự chất lượng cao, trong đó cho phép sử dụng đội ngũ các giảng viên trình độ cao, có kinh nghiệm và uy tín nhưng quá tuổi để làm công tác chuyên môn.

Trước tự chủ, trường phải trông chờ vào ngân sách để thực hiện đầu tư. Từ khi được tự chủ trường đã mạnh dạn hơn trong công tác đầu tư cơ sở vật chất, với phương châm đầu tư kịp thời và phù hợp trường xác định tính cấp thiết và khả thi của từng dự án và có phương án triển khai nhanh chóng. Về việc thay đổi chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế, trường đang triển khai xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn bị đánh giá theo chuẩn AUN cho các ngành thuộc nhóm công nghệ; xây dựng hệ thống E – learning, và tiến đến trường nhập khẩu các chương trình đào tạo các ngành thuộc nhóm công nghệ từ các trường đại học của nước như Nhật Bản, Đài Loan để giảng dạy. Tăng cường các chính sách hỗ trợ sinh viên như xây dựng các quỹ học bổng khuyến học, quỹ học bổng tài năng, quỹ vượt khó, quỹ sinh viên nghiên cứu khoa học, quỹ sáng tạo và khởi nghiệp, miễn phí các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng, tăng cường các hoạt động liên kết doanh nghiệp để sinh viên thực tế tại doanh nghiệp, triển khai các học kỳ doanh nghiệp để sinh viên trải nghiệm, … Và đó chính là những điều nhà trường thực hiện để thuyết phục người học.

Sinh viên đang thực hành tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Thưa ông, có thể cho biết, lợi ích của việc thực hiện tự chủ?

Trong nội dung thí điểm tự chủ tự chịu trách nhiệm thì các đơn vị được giao quyền tự chủ về công tác tổ chức bộ máy và tuyển dụng, công tác tuyển sinh và đào tạo, công tác đầu tư và xây dựng cơ bản, công tác tài chính, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các dịch vụ hỗ trợ đào tạo và sinh viên, …và chịu trách nhiệm trước xã hội, trước người học về các dịch vụ cung ứng, bao gồm cả chất lượng đào tạo. Chính các cơ chế này sẽ làm các trường năng động hơn trong đầu tư cơ sở vật chất, thay vì ngồi đợi vốn nhà nước để đầu tư thì các trường có thể vay vốn để đầu tư kịp thời phục vụ yêu cầu đào tạo theo nhu cầu xã hội, đồng vốn được sử dụng kịp thời và hiệu quả sẽ tăng hiệu quả đào tạo. Với sự tự chủ trong công tác tổ chức và tuyển dụng sẽ giúp các trường kịp thời bổ sung nhân sự chất lượng cũng như nhanh chóng loại thải những người không phù hợp, trả lương theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc, tránh tình trang cha chung không ai khóc, chất lượng dạy và học gắn liền với thu nhập của cán bộ giảng viên. Sự tự chủ trong công tác tài chính giúp các trường chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn cũng như quản lý chặt các chi phí, nguồn vốn thay vì để trong kho bạc thì trường có thể gửi ngân hàng để đem lại tiền lãi bù vào cho các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên, tạo sự công bằng cho người học, người có điều kiện phải trả chi phí tương ứng và người khó khăn sẽ được hỗ trợ, sự hỗ trợ đúng người – đúng đối tượng thay vì là sự cào bẳng.

Và thực sự các bên tham gia đều được “hưởng lợi”. Về phía nhà nước là giảm chi phí đầu tư công, giảm ngân sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập. Về phía nhà trường là được tự chủ trong các hoạt động, tăng cường tính linh hoạt trong các hoạt động của mình sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Chất lượng đào tạo gắn liền với uy tín, thương hiệu, từ đó tạo sự tin tưởng từ người học và công tác tuyển sinh thuận lợi, nên từ đó có doanh thu và thu nhập người lao động được đảm bào và ngược lại. Về phía người học là nhận được dịch vụ có cam kết với mức “giá” tương ứng. Và đối tượng khó khăn, cũng như đối tượng xuất sắc sẽ nhận được sự hỗ trợ tương xứng, đảm bảo yếu tố công bằng xã hội.

Ông có thể cho biết, những vướng mắc, tồn tại trong thực hiện đề án về tự chủ tài chính?

Thưc sự vấn đề triển khai tự chủ của các trường đại học vướng mắc nhiều nhất có lẽ vẫn là vấn đề con người. Tư duy bao cấp đã ngấm quá sâu trong các hoạt động của các trường công lập nên thực sự khi được quyền tự chủ thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và thực hiện các các công việc trên tinh thần tự chủ là vấn đề khó giải quyết nhất. Từng cá nhân trong tổ chức phải thấu hiểu và thực hiện tính tự chủ, từ bỏ tư duy quan liêu bao cấp để tổ chức thực hiện được sứ mạng của mình. Chính vì lý do đó nên việc xây dựng mô hình tự chủ trong các trường đại học thì về nội tại các trường cần chuẩn bị các nội dung sau: (1) xây dựng hệ thống quy định, chính sách tiệm cận với các nội dụng tự chủ để đội ngũ dần làm quen với cơ chế mới, (2) tích lũy và đầu tư cơ sở vật chất tạo tiền đề cho việc tự chủ, (3) tăng cường chất lượng đội ngũ, (4) đổi mới phương thức quản lý đào tạo sao cho nhanh chóng tiếp cận với sự đa dạng linh hoạt trong việc vận hành các chương trình đào tạo, đặc biệt là các chương trình đào tạo nhập khẩu từ nước ngoài (5) xây dựng hệ thống chính sách cũng như đội ngũ hỗ trơ sinh viên tiệm cận cơ chế mới. Và về phía cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách rõ ràng minh bạch cho các trường tự chủ trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Huong-nghiep/845476/cac-truong-dh-tu-chu---hoc-phi-cao-chat-luong-co-tang