Các trường ĐH Mỹ vội vã chuẩn bị 'Kế hoạch B'

GD&TĐ - Khi làn sóng du học sinh Trung Quốc đổ sang Mỹ bắt đầu lắng xuống, nhiều trường đại học Mỹ đang phải loay hoay tìm nguồn tuyển mới từ Trung Đông, Nam Á và Mỹ Latinh nhằm tăng nguồn thu mà lâu nay đã dựa quá nhiều vào học phí của du học sinh quốc tế.

Khi “bầu sữa” không còn dồi dào

Số du học sinh Trung Quốc (TQ) tại các trường ĐH, CĐ Mỹ đã tăng từ 62.000 một thập kỉ trước lên 328.000 vào năm ngoái, và du học sinh TQ vẫn chiếm 31% tổng số du học quốc tế tại Mỹ, nhưng mức tăng đã chậm lại. Theo số liệu Viện Giáo dục quốc tế mới công bố cho thấy số du học sinh TQ tại các trường ĐH Mỹ đã tăng 8% trong năm ngoái, mức tăng nhỏ nhất kể từ năm 2005.

Không ít trường đang “lo sốt vó” trước xu hướng giảm sút – nguyên nhân do kinh tế TQ tăng trưởng chậm lại và sự cạnh tranh gay gắt từ các trường ĐH tại Australia và nhiều nước khác.

Các trường thu hút du học sinh một phần là nhằm quốc tế hóa sinh viên nhưng một phần quan trọng hơn là bổ sung nguồn thu tài chính. Hầu hết các trường không cấp học bổng cho SV quốc tế và thu học phí toàn phần. Mất đi nguồn du học sinh sẽ phá vỡ ngân sách của trường, đặc biệt trong bối cảnh nhiều trường đại học công lập bị chính phủ giảm ngân sách dài hạn.

Stephen, phụ trách tuyển sinh quốc tế tại Đại học Buffalo, cho biết nhiều trường ĐH lo lắng vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ sinh viên TQ. “Họ sẽ lâm vào khó khăn lớn nếu nguồn thu này cạn đi” – Stephen nói – “Họ không có Kế hoạch B. Không có quốc gia nào có thể bù lấp lượng sinh viên nhiều như TQ”.

Nhắm tới thị trường tiềm năng

Buffalo là một trong nhiều trường ĐH đã đẩy mạnh tuyển sinh toàn cầu nhằm chuẩn bị ứng phó với sự sụt giảm nguồn sinh viên từ TQ. Bên cạnh tiếp tục quảng bá tuyển sinh tại TQ, trường này đã nhắm tới những thị trường tiềm năng như Việt Nam và Myanmar. Năm tới, lần đầu tiên Buffalo lên kế hoạch tuyển sinh tại Iran.

Năm nay, ĐH Massachusetts Amherst lần đầu tiên cử cán bộ tuyển sinh tới Mexico, cũng như đẩy mạnh tuyển sinh tại Singapore và Việt Nam. Thay vì điều cán bộ tuyển sinh tới TQ năm nay, ĐH Bucknell tại Pennsylvania hướng trọng tâm vào Ấn Độ và lần đầu tiên trong khoảng 1 thập kỉ, điều cán bộ tuyển sinh tới Nam Mỹ.

Nhiều trường còn tính đến mở rộng địa bàn tuyển sinh sang tận khu vực hạ Sahara châu Phi. Các nước như Uganda, Ethiopia và Angola đều tăng dân số trẻ và tầng lớp trung lưu – 2 nhân tố mà các trường ĐH Mỹ nhắm tới. Tuy nhiên thực tế thì các chính phủ tại khu vực này không có ngân sách hỗ trợ du học sinh sang Mỹ.

Học phí đắt đỏ tại các trường ĐH Mỹ là rào cản lớn với người dân châu Phi, theo Kelechi Kalu, Phó phòng tuyển sinh ĐH California – Riverside. “Khi tôi đến lục địa này vào đầu hè, nhiều phụ huynh và sinh viên nói rằng họ có thể giảm chi nhiều nếu sang Australia hoặc UK” – Kelechi nói.

Đặc biệt Australila đang nổi lên như một điểm du học cạnh tranh mạnh mẽ. Các trường ĐH Australia thu hút tới 240.000 du học sinh trong năm ngoái, đạt mức tăng 6% so với năm trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng các trường ĐH Mỹ, mà thu hút 1 triệu du học sinh năm ngoái, vẫn có tiềm năng thu hút du học sinh nhiều hơn so với các quốc gia khác. “Sinh viên TQ vẫn coi Mỹ là điểm du học tốt nhất thế giới” – theo chuyên gia cao cấp Peggy Blumenthal, Viện Giáo dục quốc tế.

Những quốc gia mà các trường Mỹ coi là có tiềm năng gồm Cuba, Nigeria và Ấn Độ - có 165.000 du học sinh đến Mỹ năm ngoái – đạt mức tăng 25%/năm. Du học sinh từ Nepal và Việt Nam đến Mỹ cũng nằm trong các nhóm có mức tăng nhanh nhất.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cac-truong-dh-my-voi-va-chuan-bi-ke-hoach-b-2589719-b.html