Các trường đại học đua nhau mở ngành mới: Không còn tình trạng 'cũ người mới ta'!

Hiện nay, các ngành liên quan đến công nghệ AI, điện tử, viễn thông, kinh tế số được nhiều trường lựa chọn mở ngành nhằm thích ứng với sự thay đổi của đời sống xã hội trong những năm gần đây.

Xu thế hiện nay, nhiều trường đại học mở ngành mới, mở rộng quy mô đào tạo. Theo đó, nhiều ngành mới liên quan đến công nghệ AI, điện tử viễn thông, thiết kế chip, các ngành về kinh tế số, maketing số hay các ngành sư phạm liên môn, tích hợp được nhiều trường lựa chọn.

Cụ thể, Đại học (ĐH) Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở 2 ngành mới là Công nghệ nghệ thuật, Điều khiển thông minh và tự động hóa.

Năm nay nhiều ngành học mới được các Trường đại học mở ra tạo thêm nhiều lựa chọn cho thí sinh (ảnh nguồn Internet).

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự kiến mở ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng với 50 chỉ tiêu.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở thêm hai khoa đào tạo Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Sư phạm Khoa học tự nhiên.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) mở 6 ngành mới là Thiết kế vi mạch, Công nghệ Hóa dược, Công nghệ mỹ phẩm và 3 ngành mới là Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu. Tuy nhiên, trường vẫn giữ nguyên quy mô tuyển sinh với 5.150 sinh viên, theo 5 phương thức.

Năm 2024, Trường ĐH Ngoại thương, mở các ngành mới là Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế, kinh doanh. Trường cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, với chỉ tiêu dự kiến trong năm nay là 30.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó 4 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Cả 4 ngành đều đào tạo 2 hệ cử nhân và kỹ sư, chỉ tiêu dự kiến 50-100 sinh viên mỗi ngành.

Xu hướng các trường kinh tế mở thêm ngành về kỹ thuật được cho để thực hiện chiến lược phát triển ngành đào tạo theo chủ trương đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo đã đặt ra trong Chiến lược phát triển của từng nhà trường.

Theo đó, Trường Đại học Ngoại thương hay Đại học Kinh tế quốc dân sẽ phát triển theo định hướng trở thành Đại học đa lĩnh vực theo hướng đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, các trường mở ngành theo xu hướng xã hội đã và đang chuyển sang cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo AI, Internet vạn vật (IoT)... Công nghệ ngày càng khẳng định vai trò của công nghệ thông tin, khoa học máy tính trong mọi mặt của cuộc sống hiện đại.

Xuất phát từ nhu cầu nhân lực có khả năng phát hiện vấn đề và tìm kiếm các giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề, đòi hỏi việc tiếp cận mang tính liên ngành, đặc biệt là liên ngành giữa công nghệ với kinh tế, kinh doanh trong đào tạo.

Trong quá trình đào tạo, các nhà trường cũng khảo sát nhu cầu từ xã hội, từ chính các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng và bản thân các cựu sinh viên... phần lớn các em đều nói rằng, trong thời đại hiện nay, sinh viên ra trường cần được trang bị thêm những kiến thức về số, về dữ liệu, về khoa học máy tính,... để các em có cơ hội rộng mở hơn về cơ hội nghề nghiệp sau này.

Rõ ràng, việc mở rộng ngành nghề đào tạo là cần thiết. Đánh giá một cách tích cực thì các ngành nghề được mở ra năm nay cho thấy sự năng động, đổi mới, sáng tạo của các nhà trường.

Nếu như các năm, các trường chạy theo thị hiếu như đào tạo liên quan đến ngân hàng, quản trị kinh doanh, khối ngành sức khỏe… theo kiểu cũ người mới ta. Nhưng năm nay, xu hướng mở ngành lại mang đến luồng gió mới đầy tích cực. Phản ánh được hơi thở cuộc sống và nhu cầu thực từ sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-truong-dai-hoc-dua-nhau-mo-nganh-moi-khong-con-tinh-trang-cu-nguoi-moi-ta-post285244.html