Các tập đoàn đa quốc gia sử dụng AI để quản lý chuỗi cung ứng

Unilever, Siemens và Maersk nằm trong số những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh để giám sát chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp. Những tập đoàn này đang đối mặt với tác động của các căng thẳng địa chính trị và áp lực loại bỏ các nhà cung cấp bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và môi trường.

Tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ đang sử dụng chatbot AI của Pactum để đàm phán mua hàng bao gồm xe đẩy siêu thị từ một số nhà cung cấp. Ảnh: Grocery Geniuses

Unilever, Siemens và Maersk đang sử dụng AI để đàm phán hợp đồng, tìm nhà cung cấp mới hoặc giúp xác định những nhà cung cấp liên quan đến rủi ro, bao gồm cả cáo buộc của Mỹ về cưỡng bức lao động người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Dù việc sử dụng AI để quản lý chuỗi cung ứng đã được sử dụng trong nhiều năm, nhưng sự trỗi dậy của AI tạo sinh càng tạo ra nhiều cơ hội tự động hóa quy trình này hơn nữa.

Nhiều công ty đa quốc gia gặp khó khăn trong việc giám sát các nhà cung cấp và khách hàng của họ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trở thành vấn đề nhức nhối do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như sự gia tăng của các căng thẳng địa chính trị.

Luật mới về chuỗi cung ứng ở các nước như Đức, yêu cầu các công ty giám sát các vấn đề về môi trường và nhân quyền trong chuỗi cung ứng của họ. Luật mới đã thu hút sự quan tâm và đầu tư vào khía cạnh này.

Navneet Kapoor, giám đốc công nghệ của Maersk (Đan Mạch), hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, cho biết “sự xuất hiện của công nghệ AI tạo sinh đã làm thay đổi đáng kể mọi thứ trong năm qua”. Công nghệ này có thể được sử dụng để phát triển các chatbot và phần mềm khác có thể trả lời các truy vấn của người dùng.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Maersk cùng các nhà đầu tư khác rót 20 triệu đô la Mỹ tài trợ cho Pactum, một công ty khởi nghiệp (startup) ở San Francisco, Mỹ đang phát triển một chatbot tương tự như ChatGPT của OpenAI. Pactum cho biết, chatbot này đang đàm phán hợp đồng với các nhà cung cấp của Maersk, tập đoàn bán lẻ Walmart và tập đoàn phân phối hàng hóa trong lĩnh vực điện, công nghiệp viễn thông Wesco của Mỹ.

“Khi xảy ra chiến tranh hoặc đại dịch như Covid Covid-9 hoặc bất kỳ sự gián đoạn chuỗi cung ứng nào khác, bạn cần liên hệ với các nhà cung cấp”, Kaspar Korjus, người đồng sáng lập của Pactum, nói. Ông cho biết chatbot của Pactum đang thay mặt “hàng chục công ty” trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn) để đàm phán các thỏa thuận trị giá tới 1 triệu đô la Mỹ.

Ông nói hiện nay các sự cố gián đoạn chuỗi cung ứng liên tiếp diễn ra, khiến các công ty đa quốc gia mất quá nhiều thời gian để ứng phó.

“Các tập đoàn bán lẻ lớn như Walmart không có thời gian để tiếp cận hàng chục nghìn nhà cung cấp”, Korjus cho biết.

Darren Carithers, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các hoạt động quốc tế của Walmart, tiết lộ, cho đến nay, chatbot AI của Pactum chỉ sử dụng để đàm phán mua các thiết bị như xe đẩy hàng. Ông cho biết, công cụ này cắt giảm thời gian đàm phán cho mỗi thỏa thuận với nhà cung cấp xuống còn vài ngày, thay vì từ vài tuần hoặc vài tháng nếu như sử dụng đội ngũ nhân viên mua hàng con người. Ông nói, hệ thống AI đã cho thấy những kết quả khả quan, giúp đàm phán thành công với 68% nhà cung cấp mà Walmart tiếp cận, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí trong các hợp đồng khoảng 3%

Giống như các công ty đa quốc gia khác, Siemens, tập đoàn công nghiệp của Đức, đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Kể từ năm 2019, Siemens đã sử dụng các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng của Scoutbee, một công ty khởi nghiệp ở Berlin. Trong năm nay, Scoutbee đã phát triển một chatbot có thể đáp ứng các yêu cầu xác định vị trí nhà cung cấp thay thế hoặc các điểm dễ tổn thương trong chuỗi cung ứng. “Khía cạnh địa chính trị là chủ đề quan tâm chính của Siemens”, Michael Klinger, người phụ trách chuỗi cung ứng của Siemens, nói.

Gregor Stühler, CEO của Scoutbee, cho biết tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever (Anh), một khách hàng Scoutbee, cũng có thể xác định các nhà cung cấp thay thế khi Trung Quốc thực hiện các lệnh phong tỏa trong đại dịch Covid-19.

Startup lập bản đồ chuỗi cung ứng Altana ở New York đã rà soát các tờ khai hải quan, chứng từ vận chuyển và dữ liệu khác để xây dựng bản đồ kết nối 500 triệu công ty trên toàn cầu. Khách hàng của Altana bao gồm Maersk cũng như các cơ quan hải quan của Mỹ.

Theo Evan Smith, CEO của startup Altana, khách hàng có thể sử dụng nền tảng Altana, có sự hỗ trợ của AI, để lần ra các sản phẩm của các nhà cung cấp ở Tân Cương hoặc theo dõi xem sản phẩm của chính họ có được sử dụng trong các hệ thống vũ khí của Nga hay không.

“Để xây dựng bản đồ về mạng lưới chuỗi cung ứng khắp toàn cầu, bạn cần đến hàng tỉ điểm dữ liệu bằng các ngôn ngữ khác nhau. Cách duy nhất để bạn có thể xử lý tất cả dữ liệu thô đó là sử dụng AI”, Smith nói.

Theo một cuộc khảo sát với 55 lãnh đạo doanh nghiệp do Công ty dữ liệu vận chuyển hàng hóa Freightos thực hiện trong tháng này, có tới 96% chuyên gia chuỗi cung ứng có kế hoạch sử dụng công nghệ AI. Hiện tại, 14% chuyên gia chuỗi cung ứng cho biết họ sử dụng công nghệ này.

Tuy nhiên, gần 33% chuyên gia chuỗi ung ứng tin rằng, việc sử dụng AI sẽ dẫn đến việc làm bị cắt giảm đáng kể trong doanh nghiệp của họ. Điều này làm nổi bật những lo ngại về tác động của công nghệ AI đối với an ninh việc làm.

Theo Financial Times, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-tap-doan-da-quoc-gia-su-dung-ai-de-quan-ly-chuoi-cung-ung/