Các nước tăng cường biện pháp phòng COVID-19 do lo ngại biến thể mới

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 19/12/2020 - Nguồn: THX/TTXVN

Ngày 22/12, Trung Quốc tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh toàn cầu trong bối cảnh Anh phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Phùng Tư Kiên, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc khẳng định rằng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa xuất hiện tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, cơ quan này đang giám sát chặt chẽ sự lây lan của biến thể virus trên toàn cầu cũng như nghiên cứu cách thức tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa. Tính đến ngày 21/12, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 86.687 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong do COVID-19.

Tại Israel, ngày 21/12, nội các đã thông qua lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ các biện pháp dự kiến có hiệu lực vào ngày 23/12.

Theo quy định mới, công dân nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh Israel, ngoại trừ các nhà ngoại giao đang công tác tại Israel và một số trường hợp đặc biệt khác. Công dân Israel trở về từ nước ngoài sẽ phải cách ly tại nhà trong 14 ngày. Kể từ ngày 23/12, họ sẽ phải cách ly tại khách sạn được chỉ định. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Netanyahu nêu rõ mục đích của các biện pháp mới này là ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tại Pakistan, chính phủ nước này đã áp đặt hạn chế đi lại đối với hành khách tới từ Anh do tình hình dịch bệnh đang xấu đi tại quốc gia châu Âu này. Quyết định được đưa ra tại cuộc họp của lãnh đạo Trung tâm Chỉ huy và Điều phối Quốc gia (NCOC) vào tối 21/12. Theo thông báo, các biện pháp hạn chế mới sẽ áp dụng đối với các hành khách tới từ Anh và lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 23/12 đến ngày 29/12 tới. Tuy nhiên, những hành khách tới từ nước khác và quá cảnh tại Anh sẽ vẫn được phép nhập cảnh Pakistan.

Công dân Pakistan tới Anh theo thị thực ngắn ngày sẽ được phép về nước với đều kiện có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi bay. Khi tới Pakistan, họ sẽ phải xét nghiệm COVID-19 và cách ly bắt buộc trong 7 ngày.

Tại Hàn Quốc, ngày 22/12, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 1.000 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp, nhưng nước này lại ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất với 24 ca, trong khi giới chức y tế thắt chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này có thêm 869 ca nhiễm mới, trong đó 824 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 51.460 ca. Trong số các ca mắc mới, có 309 ca ở thủ đô Seoul và 193 ca ở tỉnh Gyeonggi lân cận. Thành phố Incheon (phía Tây Seoul) thông báo ghi nhận thêm 44 ca.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan mạnh trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới sắp tới, Hàn Quốc đã ra lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/12. Trong khi đó, các khu trượt tuyết và các địa điểm du lịch nổi tiếng cũng sẽ ngừng hoạt động từ ngày 24/12 đến 3/1/2021.

Thái Lan đang trở thành điểm nóng dịch COVID-19 ở Đông Nam Á khi nước này ngày 22/12 ghi nhận thêm 427 ca mắc COVID-19, trong đó có 397 lao động nhập cư, 14 người trong khu cách ly và 16 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 5.716 ca.

Liên quan đến sự bùng phát của ổ dịch COVID-19 tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon giáp với Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã giao cho Bộ Y tế chuẩn bị đợt phong tỏa mới trong trường hợp dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Thủ tướng Prayut cho biết muốn dành 7 ngày đánh giá tình hình COVID-19 để quyết định về việc tổ chức các sự kiện đếm ngược chào đón năm mới cũng như Ngày Thiếu nhi. Ông cũng đề nghị dân chúng không hoảng loạn và hy vọng tình hình sẽ được cải thiện sau 7 ngày.

Trung tâm Xử lý Tình hình dịch COVID-19 (CCSA) cho biết Bộ Y tế sẽ trình các đề xuất tại cuộc họp tiếp theo với thủ tướng. Theo người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin, thông tin tổng hợp trong những ngày qua về đợt bùng phát ở Samut Sakhon vẫn không đủ để dự đoán tình hình trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Trong khi đó, Tunisia đã quyết định cấm mọi chuyến bay đến và đi từ Anh kể từ ngày 21/12 cho đến khi có thông báo mới. Quyết định này cũng áp dụng với cả Nam Phi và Úc, hai quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bộ Giao thông và Hậu cần Tunisia nêu rõ nước này sẽ không chấp nhận các hành khách từng lưu trú hay quá cảnh tại những quốc gia trên. Cùng chung mối lo ngại về biến thể mới, Chính phủ Sudan đã quyết định cấm nhập cảnh đối với hành khách tới từ Anh, Hà Lan và Nam Phi.

Cơ quan Hàng không Dân dụng Sudan cho biết các hãng hàng không Sudan đã nhận được thông báo thực thi quyết định mới từ ngày ngày 24/12 đến ngày 5/1/2021. Theo quyết định mới, toàn bộ hành khách từ ba nước trên, bất kể quốc tịch, bay thẳng hay quá cảnh đều sẽ bị cấm nhập cảnh.

Tại châu Âu, Hà Lan trở thành quốc gia tiếp theo cấm mọi chuyến bay từ Nam Phi để phòng nguy cơ lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Lệnh cấm có hiệu lực đến ngày 1/1/2021, nhưng không áp dụng với các nhân viên y tế và các chuyến bay chở hàng. Trước đó, Hà Lan đã cấm mọi chuyến bay và phà chở khách từ Anh.

Theo trang Business Insider, cho đến nay đã có Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Saudi Ả-rậpia và Thụy Sĩ cấm mọi chuyến bay đến và đi từ Nam Phi, sau khi quốc gia này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, ngày 21/12, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này đang hợp tác chặt chẽ với các nước nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn đi lại, sau khi một số quốc gia cấm du khách và hàng hóa nhập cảnh từ Anh do phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn nêu rõ Anh đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế và khẩn trương giảm thiểu tình trạng gián đoạn đi lại.

Cùng ngày, hãng Sky News đưa tin chính quyền vùng Bắc Ireland đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp về việc liệu có ban hành lệnh cấm đi lại với Vương quốc Anh hay không. Trước đó, quan chức phụ trách y tế vùng Bắc Ireland Robin Swann đã đề xuất cấm các chuyến đi lại không cần thiết giữa Bắc Ireland với Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland.

Trong khi đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã quyết định đình chỉ các chuyến bay từ Anh do tình trạng khẩn cấp liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh. Thông báo của Chính phủ Tây Ban Nha nêu rõ kể từ ngày 22/12, nước này sẽ không tiếp nhận hành khách từ Vương quốc Anh, ngoại trừ công dân Tây Ban Nha và những người được phép cư trú dài hạn tại Tây Ban Nha.

Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng sẽ tăng cường kiểm soát biên giới với Gibraltar, vùng lãnh thổ của Anh ở cực Nam của Bán đảo Iberia. Theo người phát ngôn Chính phủ Anh, khu vực này từng ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới. Dự kiến Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya sẽ ngay lập tức thông báo tới Anh và Ủy ban châu Âu (EC) về các biện pháp mới này.

Tại Panama, để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm biến thể mới, Bộ Y tế thông báo kể từ đêm 21/12, nước này sẽ từ chối nhập cảnh các hành khách từng quá cảnh qua Anh và Nam Phi trong 20 ngày qua. Lệnh cấm có hiệu lực tạm thời và áp dụng với các hành khách nhập cảnh bằng đường không, đường bộ hoặc đường biển.

Tại Mỹ, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố các hành khách bay từ Anh tới New York bằng máy bay của các hãng hàng không British Airways và Delta đều phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Cả British Airways, Delta Air Lines và Virgin Atlantic đều đã xác nhận sẽ chỉ cho phép khách có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bay đến sân bay quốc tế John F. Kennedy tại New York, Mỹ.

Trong diễn biến khác, ngày 21/12, trước những cảnh báo nghiêm trọng liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đây là một phần trong những diễn biến thông thường của đại dịch. Các quan chức WHO thậm chí còn tỏ ra lạc quan trước việc phát hiện những biến thể mới, bởi điều này đồng nghĩa rằng các công cụ theo dõi virus đang hoạt động hiệu quả.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh: "Chúng ta phải có một sự cân bằng. Minh bạch thông tin là quan trọng, chúng ta cần phải thông báo với người dân về những gì đang xảy ra. Nhưng thế giới cũng biết rằng đây là sự phát triển bình thường của virus”.

Theo ông Ryan, việc dõi virus một cách sát sao, khoa học và kịp thời thực sự là một bước tiến tích cực và các nước đang thực hiện đúng quy trình giám sát này nên được hoan nghênh. Với dữ liệu tại Anh, các quan chức WHO cho biết không có bằng chứng nào cho thấy biến thể mới khiến người bệnh nặng hơn hoặc làm tăng nguy cơ tử vong so với các chủng hiện nay, song dường như có khả năng lây lan nhanh hơn.

WHO cho rằng biến thể mới phát hiện tại Anh còn lây lan chậm hơn so với các căn bệnh khác như quai bị. Các quan chức WHO đều tin rằng vắcxin ngừa COVID-19 có thể ứng phó tốt với biến thể mới, dù điều này vẫn đang được kiểm chứng.

Trong khi đó, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan khẳng định cho đến thời điểm này, dù virus SARS-CoV-2 đã có một số sự đột biến nhưng những thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khả năng kháng thuốc, các liệu pháp điều trị hay tránh được các vắcxin.

Dự kiến trong vài ngày hoặc vài tuần tới, WHO sẽ nhận được thông tin chi tiết về tác động tiềm tàng của biến thể mới. Theo bà Soumya Swaminathan, virus SARS-CoV-2 còn biến thể chậm hơn so với virus cúm. Mỗi năm, các loại vắcxin ngừa virus cúm đều cần được đánh giá và xem xét lại dựa trên mức độ lây lan của chủng cúm vào năm đó.

Chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng là cần phải tiếp tục theo dõi sự phát triển của virus, trong đó tập trung vào nỗ lực giảm tỉ lệ lây nhiễm. Theo chuyên gia WHO, virus càng lây lan thì nguy cơ biến đổi và tạo ra biến thể càng tăng. Do đó, điều quan trọng là phải giảm thiểu mức độ lây lan trong cộng đồng, từ đó giảm tỉ lệ đột biến của virus.

Theo Tiến sĩ Maria Van Kerkhoven, trưởng nhóm kỹ thuật của Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh thậm chí còn không ảnh hưởng đến phần lớn các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250313/cac-nuoc-tang-cuong-bien-phap-phong-covid-19-do-lo-ngai-bien-the-moi.html