Các nước đảm bảo an ninh cho sự kiện 'siêu đông người' như thế nào?

Các sự kiện đông người là một phần quan trọng trong đời sống cộng đồng. Để đảm bảo cho các sự kiện diễn ra an toàn và thành công, quy trình thực hiện đòi hỏi các phương án kỹ lưỡng, tỉ mỉ, trong đó có vấn đề an ninh. Vậy tiêu chí của các nước trong việc phối hợp đảm bảo an ninh cho các sự kiện đông người này như thế nào?

Australia yêu cầu đề xuất trước ít nhất 6 tháng

Thông thường, nhà tổ chức khi lên kế hoạch đều cần có sự phê duyệt chính thức để đảm bảo sự kiện được quản lý chặt chẽ và an toàn. Cơ quan mà họ liên hệ phụ thuộc vào quy mô và tính chất của từng sự kiện. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt những nơi thường tổ chức các sự kiện thu hút nhiều người tham gia, đều có hướng dẫn cụ thể về điều này.

Theo hướng dẫn về tổ chức sự kiện được chính quyền bang New South Wales, Australia công bố, cơ quan cấp phép quan trọng nhất đối với hầu hết các nhà tổ chức sự kiện là chính quyền địa phương. Theo hướng dẫn này, đơn đăng ký nên đề xuất với hội đồng địa phương trước ít nhất 6 tháng, bởi sự kiện quy mô lớn có thể mất hơn 12 tháng mới xử lý hết tất cả các vấn đề.

Australia là nơi tổ chức nhiều tour diễn của những ca sĩ lừng danh thế giới

Ở New South Wales, nếu là một sự kiện có lượng lớn người tham dự, ngoài xin phép chính quyền địa phương, ban tổ chức cần có sự cấp phép và tham khảo ý kiến của lực lượng Cảnh sát, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, cơ quan Cứu hỏa và Cứu nạn…

Riêng về vấn đề an ninh, ban tổ chức cần liên hệ với lực lượng cảnh sát bang để thảo luận về các vấn đề như quản lý đám đông, điều phối giao thông, kế hoạch ứng phó khẩn cấp… Điều bắt buộc là bất kỳ người nào được cử làm nhiệm vụ an ninh đều phải được cấp phép phù hợp để thực hiện các hoạt động gồm: kiểm soát đám đông, bảo vệ tiền hoặc tài sản của khách; bảo vệ cơ sở hạ tầng và bảo dưỡng thiết bị an ninh.

Lễ hội âm nhạc là phần không thể thiếu trong đời sống người dân Australia

Khi đó, phương án về mặt an ninh cần tính đến các yếu tố như: đề ra quy định về việc cất giữ tiền mặt, vật phẩm có giá trị; vật phẩm và thiết bị bị cấm, hàng hóa nguy hiểm, chất độc hại; điểm kiểm soát, rào chắn, cổng an ninh và đường phân luồng đầy đủ, hợp lý; bộ phận làm thủ tục kiểm tra vé; khu vực an toàn để lưu trữ hàng hóa bị tịch thu; khu vực dành cho tài sản bị mất và bị đánh cắp; nơi thông báo người bị lạc; lối ra-vào riêng biệt cho nhân viên và nghệ sĩ.

Nội dung cuộc họp giao ban với đội ngũ nhân viên an ninh trước sự kiện sẽ phổ biến về: cách bố trí địa điểm; kế hoạch sơ tán khẩn cấp; những người có thể yêu cầu được tiếp cận sự kiện (như đại diện chính quyền cơ sở, thanh tra y tế môi trường, đơn vị quản lý phòng cháy chữa cháy...); trách nhiệm trong trường hợp khẩn cấp; trách nhiệm liên quan đến lực lượng cảnh sát New South Wales.

An ninh cho các sự kiện đông người luôn có sự phối hợp chặt chẽ của Cảnh sát Australia

Đặc biệt, hướng dẫn còn nêu rõ, nếu cảnh sát có mặt tại sự kiện, dù là làm nhiệm vụ chung hay trên cơ sở được ban tổ chức trả tiền, đơn vị tổ chức sự kiện không có quyền chỉ đạo hoạt động của cảnh sát hoặc có ảnh hưởng không phù hợp đến việc chỉ đạo, điều hành. Lực lượng cảnh sát New South Wales chịu trách nhiệm quản lý ngành an ninh nên đơn vị xin cấp phép tổ chức sự kiện được khuyến cáo liên lạc với cảnh sát trước và thống nhất cách xử lý vấn đề chung hay giải quyết tình huống rủi ro.

Singapore: Cảnh sát có hướng dẫn an ninh cần thiết cho sự kiện

Tương tự, ở Singapore, quốc gia nổi tiếng với pháp lý chặt chẽ cũng có tiêu chí rõ ràng cho việc cấp phép tổ chức sự kiện. Theo quy định trong Đạo luật Trật tự Công cộng 2017, các nhà tổ chức sự kiện phải nộp cho cảnh sát thông báo ý định tổ chức sự kiện nếu họ dự kiến số lượng người dự sự kiện công cộng từ 5.000 người trở lên hay sự kiện riêng tư từ 10.000 người trở lên.

Đám đông xếp hàng cho sự kiện Anime Festival Asia 2022 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Suntec Singapore

Thông báo phải được gửi ít nhất 28 ngày trước sự kiện. Thời hạn gấp hơn sẽ không được duyệt vì không đảm bảo thời gian xử lý mọi việc. Khi nhận được thông báo, cảnh sát sẽ đánh giá thông tin được cung cấp sẽ có phản hồi trong vòng 14 ngày. Cảnh sát có thể liên hệ với nhà tổ chức để hiểu thêm về sự kiện và yêu cầu cung cấp thông tin về các biện pháp an ninh được đề xuất.

Sau đó, cảnh sát Singapore sẽ ban hành một bộ hướng dẫn bằng văn bản liệt kê các biện pháp an ninh cần thiết cho sự kiện. Các nhà tổ chức được yêu cầu thực hiện các biện pháp quy định và tuân thủ các chỉ đạo của cảnh sát theo hướng dẫn bằng văn bản này. Cảnh sát có thể kiểm tra để đảm bảo rằng các biện pháp này được thực hiện đúng.

Quản lý đám đông là tiêu chí bắt buộc

Ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Australia, Anh…, các biện pháp quản lý đám đông trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc. Ngay cả một sự kiện có ít người tham dự cũng có thể gặp sự cố do đông người, phụ thuộc vào sức chứa của khu vực tổ chức có tương ứng với số lượng người dự kiến tham dự hay không.

Cảnh sát Hàn Quốc vốn được đánh giá là giỏi kiểm soát đám đông nhưng thảm kịch xảy ra ở Itaewon, một quận có cuộc sống về đêm nổi tiếng ở trung tâm Seoul tối 31-10-2022 khiến hơn 150 người thiệt mạng cho thấy, không thể chủ quan với kế hoạch kiểm soát đám đông ở những sự kiện đông người.

Thanh niên đổ ra đường dự lễ hội Halloween ở Seoul trước khi vụ giẫm đạp bắt đầu

Trong quá khứ, người ta thường thấy ở các cuộc tuần hành, biểu tình ở Hàn Quốc, đám đông cả chục nghìn xuống đường hô vang các khẩu hiệu phản đối đi lại trong trật tự. Các sĩ quan cảnh sát mặc áo phát sáng đi dọc đám đông, hướng dẫn họ di chuyển.

Sự kiện hơn 150 người thiệt mạng ở Hàn Quốc đêm Halloween 2022 là bài học đau xót cho việc kiểm soát đám đông

Nhưng đêm hỗn loạn tại Itaewon, một trong những khu phố nổi tiếng nhất của Seoul lại là buổi tụ tập tự do, không phải xin giấy phép hay phải báo cáo trước với chính quyền để lực lượng chức năng có thời gian chuẩn bị như các sự kiện lớn, có tổ chức khác.

Thảm họa đám đông phần lớn là do con người tạo ra và có thể tránh được bằng cách lập kế hoạch, quản lý, nhận thức, tuân thủ, đào tạo và giáo dục. Tránh các sự cố và thảm họa đám đông phải là trách nhiệm chung của các cơ quan chính quyền các cấp, doanh nghiệp và mỗi cá nhân.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-nuoc-dam-bao-an-ninh-cho-su-kien-sieu-dong-nguoi-nhu-the-nao-post547400.antd