Các kỹ thuật hiện đại cứu trẻ mắc tim bẩm sinh nguy kịch

Nếu trẻ mắc tim bẩm sinh mà không được điều trị kịp thời sẽ gây suy tim nặng và có thể đột tử bất cứ lúc nào.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 1,5 triệu trẻ ra đời, trong đó khoảng 10.000-12.000 trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh.

GS.Yves Ville, Trưởng khoa Sản và Y học bào thai, Bệnh viện Necker Enfants Malades và Đại học Paris cho hay, thế giới mỗi năm có khoảng 1-1,5 triệu trẻ em sinh ra bị mắc dị tật bẩm sinh. Có khoảng 1/4 trẻ mắc dị tật tim cần phẫu thuật trong năm đầu sau sinh, 4,2% số tử vong sơ sinh do dị tật tim bẩm sinh.

Ảnh minh họa.

Do đó, việc theo dõi kéo dài quan trọng với trẻ mắc tim bẩm sinh vì 90% trẻ sống sót sau phẫu thuật tim lúc mới chào đời sẽ là bệnh nhân người lớn mắc tim bẩm sinh.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cơ sở vừa tiếp nhận một bệnh nhân mắc tim bẩm sinh nguy kịch do gia đình không điều trị kịp thời.

Theo đó, khi đi khám gia đình được thông báo trẻ mắc bệnh lý tim mạch nhưng do không thấy bé có triệu chứng bất thường ngoại trừ tím tái nên từ chối mổ và không theo dõi trong một thời gian dài.

Đến tháng 12/2023, bé thường xuyên than mệt, ăn kém, nôn ói sau ăn, khó thở khi nằm, ho nhiều. Bé phải nghỉ học vì sức khỏe không đảm bảo, biến chứng suy tim nặng, được điều trị nội khoa bằng thuốc.

Tháng 3/2024, bệnh nhi tái khám tại bệnh viện trong trạng thái suy dinh dưỡng (BMI = 15.8), tím tái nặng. SpO2 (nồng độ oxy trong máu) thấp 60% và giảm nặng còn 40% (bình thường chỉ số này > 95%) khi đi lại do đó phải di chuyển bằng xe lăn, gây thiếu máu cơ tim nghiêm trọng.

Bác sĩ Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh cho biết, có nhiều nguy cơ có thể xảy ra trong và sau can thiệp. Đầu tiên là quá trình gây mê làm tăng nguy cơ tụt huyết áp dẫn đến đột tử.

Sau khi cân nhắc, các bác sĩ chọn cách can thiệp mà không gây mê toàn thân cho người bệnh (chỉ gây tê tại chỗ) kèm giảm đau mạnh truyền tĩnh mạch. Thao tác này cần nhanh gọn, chính xác nhằm rút ngắn tối đa thời gian can thiệp.

Tiếp đến là nguy cơ suy tim, phù phổi trong giai đoạn hồi sức. Sở dĩ như vậy là do nếu chọn stent kích thước quá nhỏ thì máu lên phổi sẽ ít, không cải thiện hiệu quả tình trạng thiếu oxy trong máu. Ngược lại, stent quá lớn sẽ khiến máu lên phổi nhiều, máu trở về tim nhiều khiến tim phải làm việc nhiều hơn gây suy tim cấp, phù phổi. Do đó, việc chọn kích thước stent phù hợp quan trọng.

Bác sĩ Phúc thông tin, không lỗ van động mạch phổi kèm thông liên thất là dị tật bẩm sinh ít gặp với tỷ lệ mắc 0,07/1.000 ca sinh sống, chiếm khoảng 2,5% tổng số bệnh tim bẩm sinh. Tiên lượng của bệnh khá xấu với tỷ lệ sống sót mà không cần phẫu thuật sửa chữa chỉ đạt 50% ở trẻ 1 tuổi và 8% lúc trẻ 10 tuổi.

Một số yếu tố rủi ro có liên quan đến nguy cơ trẻ mắc bệnh bao gồm: bố hoặc mẹ bị bệnh tim bẩm sinh, mẹ hút thuốc lá trước hoặc trong lúc mang thai, mẹ uống một số loại thuốc chống chỉ định với thai phụ, mẹ bị đái tháo đường thai kỳ không được kiểm soát, mẹ mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi).

Trẻ bị không lỗ van động mạch phổi kèm thông liên thất cần trải qua một hoặc nhiều ca phẫu thuật/thủ thuật để có cuộc sống gần như bình thường. Trẻ cũng cần được theo dõi sức khỏe suốt đời để có phương pháp điều trị phù hợp.

Cũng về các bệnh lý tim bẩm sinh, mới đây, các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật tim trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã can thiệp cấp cứu cho em bé mắc tim bẩm sinh ở Thanh Hóa mới được 40 ngày tuổi.

Các bác sĩ đánh giá đây là tình trạng tối cấp cứu cần được can thiệp đặt máy tạo nhịp cấp cứu càng sớm càng tốt. Theo đó, trước khi tiến hành ca phẫu thuật này, các bác sĩ phải tiến hành hội chẩn siêu âm tim với 3 bác sĩ để đánh giá các cấu trúc tổn thương trong tim, và hội chẩn với ekip về nhịp học để lên phương án mổ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho cháu bé.

Bởi vì, ngoài rối loạn nhịp tim nặng, hiện tại, tim con còn bị thông liên nhĩ kích thước lớn nhưng có thể chưa cần phẫu thuật cấp cứu. Do vậy các bác sĩ sẽ phẫu thuật “vá” thông liên nhĩ sau khi nhịp tim con ổn định và đánh giá sự phục hồi chức năng tim của con tốt hơn.

Tuy nhiên, do cơ thể của con còn quá nhỏ (3.2kg) nhưng lại trong tình trạng suy tim nặng, buồng tim trái giãn lớn là 1 yếu tố khó của ca mổ.

Hơn nữa, với tình trạng trẻ suy sinh dưỡng và cân nặng nhỏ như vậy thì việc đặt máy tạo nhịp ở vị trí nào cũng là một vấn đề các bác sĩ phải hội chẩn và tính toán rất cẩn thận và chi tiết, ngoài ra cháu bé còn bị lõm ngực bẩm sinh nên việc lựa chọn đường mổ như nào cũng là 1 vấn đề các bác sĩ phải cân nhắc.

Ngay khi mở lồng ngực bộc lộ được quả tim, một điện cực tạo nhịp nhanh chóng được các bác sĩ đặt vào bề mặt tim của bé và kích thích quả tim đập trở lại trong sự vui sướng thầm lặng của cả kíp phẫu thuật.

Bước tiếp theo, các bác sĩ phẫu thuật tim nhẹ nhàng và thận trọng bóc tách thành bụng mỏng như bản giấy để tạo một ổ chứa vừa đủ máy tạo nhịp.

Như vậy, qua 1 đường mổ ở dưới nách bên trái (không cần cưa xương ức như phương pháp mổ kinh điển), ekip phẫu thuật đã thực hiện được cả 2 việc là đặt điện cực vào tim cho bé và cấy máy vào tổ chức thành bụng, bé được phẫu thuật thành công với đường mổ rất đẹp.

Sự thành công bước đầu đã được khẳng định trình độ chuyên môn của các bác sĩ phẫu thuật Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E trong việc tìm lại nhịp đập khỏe mạnh cho con.

Sau 3 ngày thở máy tại Khoa Hồi sức Ngoại Tim mạch, con đã được rút bỏ máy thở để rồi được nằm trong bàn tay chăm sóc của bố mẹ.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm tim mạch thời gian qua cơ sở đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ.

Trong đó nổi bật là kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách bên phải được các chuyên gia của Bệnh viện Trường đại học Okayama, Nhật Bản chuyển giao cho Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2018 và được các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch thực hiện độc lập từ năm 2018 đến nay.

Trước đó, để thực hiện phẫu thuật tim hở, các bác sĩ chỉ có 1 phương pháp tiếp cận đến tim qua đường mổ dọc toàn bộ xương ức ở giữa ngực theo đường mổ kinh điển.

Cách mổ này để lại sẹo mổ dài trước ngực và có thể có một số biến chứng khi tiến hành tách xương ức, thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu đau đớn hơn sau phẫu thuật.

Còn với phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn qua đường dọc giữa nách bên phải sẽ mang lại tính thẩm mỹ cao, giúp các bé rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, không có cảm giác tự ti do vết sẹo mổ ngắn và được che khuất hoàn toàn dưới nách bên phải.

Khi thực hiện phẫu thuật tim bằng kỹ thuật ít xâm lấn, hầu hết các bệnh nhi đều được tiến hành giảm đau tại chỗ, giúp giảm đau hiệu quả và giảm tỷ lệ sử dụng các thuốc an thần - giảm đau khác theo đường tĩnh mạch. Phần lớn các bé đều được rút ống nội khí quản trong vòng 6 giờ đầu sau phẫu thuật và có thể rút ống nội khí quản đồng thời tự thở ngay tại phòng mổ.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cac-ky-thuat-hien-dai-cuu-tre-mac-tim-bam-sinh-nguy-kich-d215012.html