Các hồ nước lớn nhất thế giới ngày càng nhỏ lại

Các hồ nước chứa gần 90% lượng nước ngọt trên hành tinh. Theo nghiên cứu mới, hơn một nửa số hồ nước và hồ chứa lớn nhất thế giới đã mất đi lượng nước đáng kể trong 3 thập kỷ qua.

Nguyên nhân của việc các hồ nước ngày càng thu hẹp chủ yếu do biến đổi khí hậu và sử dụng nước quá mức.

Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố trên tạp chí Science, khoảng 1/4 dân số thế giới sống trong lưu vực của một hồ nước khô cạn.

Mặc dù các hồ nước chỉ chiếm khoảng 3% diện tích hành tinh, nhưng lại chứa tới 90% nước ngọt và là nguồn cung cấp nước uống, phục vụ mục đích thủy lợi và năng lượng thiết yếu, đồng thời là môi trường sống quan trọng cho một số loài động vật và thực vật.

Hồ Mead (bang Colorada, Mỹ) ngày càng khô cạn

Mực nước hồ dao động tùy theo lượng mưa và tuyết rơi, tuy nhiên mực nước ngày càng ít đi do ảnh hưởng của con người.

Trên khắp thế giới, các hồ nước lớn đóng vai trò quan trọng đang ngày càng bị thu hẹp. Mực nước của Hồ Mead, bang Colorado ở tây nam nước Mỹ ngày càng thấp do một trận siêu hạn hán và hàng thập kỷ bị sử dụng quá mức.

Biển Caspi là hồ nước lớn nhất thế giới cả về thể tích và diện tích. Sở dĩ hồ nước này mang tên "biển" vì quá lớn và có độ mặn của muối dù hồ không hề thông với biển. Hồ nước này có diện tích lên tới 371.000 km², chiều rộng 435 km và độ sâu trung bình 187 m. Biển Caspi có nhiều nguồn cung cấp nước, trong đó có dòng chảy bên trong dài nhất thế giới chính là sông Volga.

Biển Caspia nằm giữa châu Á và châu Âu bị thu hẹp do biến đổi khí hậu và sử dụng nước quá mức.

Nhà khoa học Fangfang Yao - người dẫn đầu nghiên cứu cho biết sự thu hẹp của các hồ nước đã được ghi nhận rõ ràng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phép đo vệ tinh của gần 2.000 hồ và hồ chứa lớn nhất thế giới, chiếm 95% tổng lượng nước hồ trên Trái đất.

Họ phát hiện ra rằng 53% hồ và hồ chứa đã bị mất một lượng nước đáng kể, với mức giảm ròng khoảng 22 tỷ tấn nước mỗi năm.

Báo cáo cho thấy, hơn một nửa lượng nước bị thất thoát trong các hồ tự nhiên có thể là do các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu.

Trữ lượng nước hồ ở nhiều nơi trên thế giới giảm, kể cả vùng nhiệt đới ẩm và Bắc Cực. Việc tiêu thụ nước không bền vững chính là lý do khiến Biển Aral ở Uzbekistan và Biển Salton ở California (Mỹ) bị thu hẹp. Trong khi đó, những thay đổi về dòng chảy đã dẫn đến sự sụt giảm mực nước của hồ Great Salt.

Ở Bắc Cực, các hồ nước đã bị thu hẹp do sự thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, sự bốc hơi và dòng chảy.

Khi diện tích các hồ nước lớn này co lại, góp phần làm "khô cằn" lưu vực sông xung quanh, làm tăng sự bốc hơi.

"Khi nhiều nơi trên thế giới trở nên nóng hơn và khô hơn, các hồ phải được quản lý đúng cách. Nếu không, biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người “có thể dẫn đến khô hạn sớm hơn chúng ta nghĩ,” tác giả dẫn đầu nghiên cứu nói.

Phải Làm Gì Khi Gặp Người Bị Say Nắng, Say Nóng

Bảo Linh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-ho-nuoc-lon-nhat-the-gioi-ngay-cang-nho-lai-169230519161402085.htm