Các địa phương đề phòng tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi áp cao lục địa, sau chịu ảnh hưởng của không khí lạnh cho nên trong hai ngày 24 và 25-5 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Từ ngày 24-5, các tỉnh miền bắc trời chuyển mát, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 26 đến 29 độ C. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, sạt lở đất có khả năng xuất hiện tại khu vực miền núi phía bắc, nhất là tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An.

Những ngày qua, mưa to đã gây thiệt hại tài sản, nông nghiệp ở một số địa phương. Trong đó, ngày 22-5, tại thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), mưa lớn đã làm tràn bùn từ bãi thải của mỏ sắt Trại Cau vào nhà dân, làm 13 nhà bị ngập bùn từ 10 đến 15 cm. Ước tính thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. Tại tỉnh Bạc Liêu, trong hai ngày qua có mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng hàng nghìn héc-ta lúa hè thu vừa xuống giống, trong đó có nhiều diện tích bị thiệt hại nặng và khả năng phải gieo cấy lại.

Những cánh đồng lúa ở các huyện: Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Hồng Dân… nước dâng cao ngập trắng đồng với diện tích hàng nghìn héc-ta. Riêng huyện Phước Long vừa xuống giống được tám nghìn héc-ta thì mưa làm ngập khoảng 50% diện tích. Tại tỉnh Đác Lắc, mưa lớn cộng với việc các hồ chứa xả nước khiến hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu của nông dân bị ngập nặng. Trong đó, xã Ea Kly, huyện Krông Pác có hơn 135 ha lúa đang vào mùa thu hoạch bị ngập sâu, trong đó khoảng 45 ha có nguy cơ mất trắng. Còn tại huyện Lắc, mưa lớn làm hơn 1.000 ha hoa màu bị ngập úng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lực lượng chức năng đã xuống địa bàn giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; tiêu thoát nước cứu những diện tích lúa bị ngập.

* Ngày 22-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống PCTT Việt Nam (22-5-1946 - 22-5-2017). Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề nghị cần đánh giá, kiểm tra thực trạng, tăng cường bố trí nguồn vốn đầu tư và các giải pháp bảo đảm an toàn công trình PCTT, nhất là hệ thống cảnh báo, dự báo, đê điều, hồ đập; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng cơ sở dữ liệu hoạt động theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ứng phó.

Tại tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 5,5 km bờ Biển Tây đang sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, là các đoạn sạt lở có chiều dài 3,3 km từ Bắc Hương Mai thuộc huyện U Minh đến Tiểu Dừa thuộc tỉnh Kiên Giang; đoạn sạt lở có chiều dài hơn 1,7 km từ Đá Bạc đến Kinh Mới thuộc huyện Trần Văn Thời và đoạn sạt lở có chiều dài 800m tại tuyến T29 Khánh Hội, huyện U Minh.

* Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay trên địa bàn cả nước, bệnh đạo ôn hại lá, đạo ôn cổ bông đang gây hại trên diện tích gần 40 nghìn héc-ta lúa. Ngoài ra, hơn 9.000 héc-ta lúa cũng đang bị nhiễm rầy, hơn 20 nghìn héc-ta bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại… Cục khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh của các đối tượng gây hại để hướng dẫn người dân chủ động phòng, trừ rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho các diện tích lúa mới xuống giống.

* Nhằm hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn do bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa gây ra trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh quyết định hỗ trợ 400 tấn lúa giống cho các huyện, thị, thành phố để phục vụ sản xuất vụ hè thu 2017. Trước đó, trên địa bàn, bệnh đạo ôn cổ bông làm hơn 11 nghìn ha lúa vụ xuân bị nhiễm bệnh, trong đó có hơn 5.200 ha bị nhiễm nặng và có nguy cơ thiệt hại năng suất hơn 70%.

* Tỉnh Điện Biên đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 như hướng dẫn người dân tăng cường tiêu độc khử trùng và tổng vệ sinh chuồng trại; khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh có các biện pháp xử lý kịp thời...

* Tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã có 22 con trâu, bò bị bệnh lở mồm long móng ở hai xã Châu Lý và Châu Quang. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rải vôi bột khu vực nuôi, bãi chăn thả; kiểm soát việc vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc ra vào vùng có dịch.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32958102-cac-dia-phuong-de-phong-to-loc-mua-da-va-gio-giat-manh.html