Các công ty dầu mỏ chi tỷ đô giải quyết biến đổi khí hậu

Mới đây, 10 công ty dầu mỏ và khí đốt lớn thành lập quỹ 1 tỷ USD để hỗ trợ phát triển công nghệ mới nhằm đối phó với vấn đề chất thải nhà kính nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Tổ chức Oil and Gas Climate Initiative được sự ủng hộ của các công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới như Saudi Aramco, BP, ENI và Statoil. Ngày 4/11, tổ chức này tuyên bố chi 1 tỷ USD trong 10 năm tới cho những sáng kiến giảm lượng khí thải CO2 và khí metan. Tuy nhiên, khoản đầu tư này không bao gồm việc hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió.

Giám đốc điều hành Amin Nasser của Saudi Aramco nhấn mạnh rằng khoản tiền 1 tỷ USD chỉ là điểm khởi đầu. Ông Nasser cho biết đây là lần đầu tiên 10 công ty cùng đầu tư, cùng nghiên cứu mà không để tâm tới sự ganh đua. Các công ty sẽ cùng nhau làm việc, phát triển công nghệp với mục tiêu giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu trong tương lai.

Giám đốc điều hành Josu Jon Imaz của Repsol đồng tính rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu của một quá trình.

Ông Imaz nhận định rằng 1 tỷ USD là một con số quan trọng. Các công ty đang nắm trong tay hạt giống và các chất xúc tác. Cùng làm việc với các quỹ tư nhân, các học viện, tổ chức sẽ cố gắng khuếch đại tác động của khoản đầu tư lần này.

Giám đốc điều hành Claudio Descalzi của ENI thẳng thắn thừa nhận rằng việc dừng sử dụng xăng, dầu và khí đốt vào thời điểm này là phi thực tế. Do đó, 10 công ty phải lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực và năng lực cốt lõi.

“Điều cần phải làm”

Quỹ 1 tỷ USD này đã được chuẩn bị trong vòng 2 năm qua. Các trường đại học và các dự án khởi nghiệp có thể tiếp cận tới khoản đầu tư khổng lồ này. Các công ty kỳ vọng tổ chức này chỉ là điểm khởi đầu cho sự lan tỏa rộng rãi trong tương lai.

Tuyên bố khởi động quỹ Oil and Gas Climate Initiative diễn ra cùng thời điểm với thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris. Năm 2015, gần 200 quốc gia ký kết thỏa thuận Paris và mới đây thỏa thuận này chính thức được áp dụng. Hiệp ước Paris, hay còn gọi là COP 21, được thông qua bởi 2 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, có những lo ngại về việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ kéo quốc ra này ra khỏi thỏa thuận chỉ sau vài ngày bắt đầu.

Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch BP – ông Bod Dudley – cho biết đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, ông Dudley cũng nhấn mạnh rằng kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới mục tiêu và sáng kiến của nhóm.

Khoản đầu tư vào việc cắt giảm khí thải carbon không chỉ là “điều cần phải làm” mà còn có tác động về mặt kinh tế.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/cac-cong-ty-dau-mo-chi-ty-do-giai-quyet-bien-doi-khi-hau-201611050513460p145c151.news