Các chuyên gia yêu cầu trả lại nguyên trạng di tích quốc gia Văn Miếu

Tuần qua, việc chính quyền phường Quốc Tử Giám chỉ đạo cưỡng chế, tháo dỡ sai phạm tại di tích Hồ Văn- Văn Miếu Quốc Tử Giám đã nhận được sự quan tâm của công luận. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu di sản cũng lên tiếng yêu cầu trả lại nguyên trạng cho di tích đặc biệt Văn Miếu, Quốc Tử Giám.

Trả lại nguyên trạng cho Hồ Văn

Theo bà Đỗ Thị Tám- Phó Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết tại gò Kim Châu đã tồn tại một bát hương thờ, do cụ Nguyễn Thị Huỳnh (thường gọi là cụ Hội) một người dân sống gần di tích đặt để hương khói cho những người xấu số từng chết đuối tại Hồ Văn....

Dù đặt bát hương nhưng cụ Hội không có hành động gì thể hiện những sinh hoạt mê tín dị đoan. Ngày rằm, mùng 1 cụ chỉ ra đó thắp hương, tranh thủ dọn rác ven hồ. Mỗi khi làm việc đó cụ đều xin phép. Cách đây vài tháng, tuổi cao sức yếu, cụ Hội qua đời. Sau đó, một số người dân tự ý vận chuyển nguyên vật liệu vào để xây dựng điện thờ, xâm phạm nghiêm trọng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám....

Nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ với báo Điện tử Tổ Quốc: “Hồ Văn là không gian không thể tách rời của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám vì vậy, mọi hoạt động ở đây phải được thực thi đúng Luật Di sản. Việc có một hoạt động nào đó, xây dựng bất kỳ một kiến trúc gì mà không được phép của Bộ VHTTDL cũng là không đúng”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết thêm: “Việc thờ Mẫu không liên quan đến không gian của Văn Miếu- Quốc Tử Giám, nơi tôn vinh đạo Nho. Thờ Mẫu là nhu cầu của người dân, tuy nhiên, nhu cầu tâm linh khi đặt sai chỗ thì cũng thành mất giá trị. Như vào chùa là để lễ Phật, ra đình là lễ Thánh, nếu vào đình lễ Phật thì đâu có giá trị nữa”.

Gò Kim Châu- nơi tồn tại công trình vi phạm di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Ông Dương Trung Quốc khẳng định: “Tôi ủng hộ việc dẹp bỏ việc thờ Mẫu ở khu vực Hồ Văn và chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân hiểu đúng, đặt tín ngưỡng, tâm linh đúng chỗ, đúng nơi”.

PGS.TS Lê Thị Minh Lý- Thành viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thì cho biết: “Việc không có điện thờ mẫu ở Hồ Văn- Văn Miếu, Quốc Tử Giám là rất rõ. Bản thân tôi là người Hà Nội, lúc bé tôi đã biết rõ khu vực Hồ Văn không có công trình này. Sau này, do quá trình quản lý không chặt chẽ nên người dân cứ tự ý thực hành nhu cầu tâm linh. Nhưng phải nhìn nhận lại, trong lịch sử Văn Miếu không có thờ Mẫu, cũng không phù hợp với việc thờ Mẫu”.

Ủng hộ việc chính quyền phường Quốc Tử Giám kiên quyết thao dỡ vi phạm tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu- Quốc Tử Giám, bà Lê Thị Minh Lý khẳng định: “Đối với việc này, không thể thỏa hiệp. Đây là di tích quốc gia đặc biệt, Hà Nội phải trả lại nguyên trạng cho di tích”.

Phát huy giá trị Hồ Văn như thế nào?

KTS Lê Thành Vinh- Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL)- từng xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo Văn Miếu- Quốc Tử Giám giai đoạn 1996- 2000 cho biết: Thời điểm chúng tôi khảo sát, xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1996-2000, Hồ Văn xuống cấp nặng nề, bị lấn chiếm nghiêm trọng. Mặt hồ biến thành nơi thả bèo, đổ rác, phế thải… Nhận thấy Hồ Văn là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời tổng thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP Hà Nội đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1996-2000. Trong đó, có những nội dung đã thực hiện như nạo vét, kè hồ, cải tạo hệ thống thoát nước, làm tường bao, đường đi… để giữ được cảnh quan, không gian Hồ Văn như hiện nay.

Nhìn tổng thể, đảo Kim Châu trên Hồ Văn không có nhiều sự khác biệt so với hiện nay, nhưng khi lên đảo ít nhiều thấy sự khác biệt. Tại thời điểm chúng tôi khảo sát, trên đảo Kim Châu không có công trình nào được gọi là điện thờ, chỉ còn lại một tấm bia đá và một phần nền móng của kiến trúc cũ mà theo tư liệu là tòa phương đình”.

Theo ông Vinh, khu vực này vốn là nơi gặp gỡ, trao đổi, bình văn của các Nho sinh trường Giám. “Chúng tôi đã từng đề xuất phục hồi tòa phương đình trên đảo Kim Châu với mong muốn trả lại cho nơi này khung cảnh độc đáo, nên thơ, tạo điểm dừng chân cho du khách khi tham quan di tích và bảo vệ bia đá. Trong dự án tu bổ, tôn tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1996-2000, chúng tôi dự kiến phục hồi tòa phương đình với quy mô nhỏ, mặt bằng hình vuông, mái có cổ diêm, không gian trống, không ngăn che, hòa nhập hữu cơ với không gian, cây xanh của đảo Kim Châu”- ông Vinh chia sẻ.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Trước kia có dự án xây Phương Đình nhằm khôi phục lại các hoạt động trên khu vực Gò Kim Châu, Hồ Văn là nơi bình thơ văn của các bậc nho sĩ. Nhưng rất tiếc dự án không thực hiện được. Hiện nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã mời nhóm khảo sát và chuyên gia Pháp sang làm việc, khảo sát toàn bộ hiện trạng di tích, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể cho toàn bộ khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, trong đó có Hồ Văn. Các chuyên gia Pháp hết sức coi trọng Hồ Văn, và chúng tôi đặt ra yêu cầu quy hoạch, phải đưa Hồ Văn thành một chủ thể không tách rời với khu Văn Miếu- Quốc Tử Giám và phát huy giá trị của nó”./.

Bài, ảnh: Hoàng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/cac-chuyen-gia-yeu-cau-tra-lai-nguyen-trang-di-tich-quoc-gia-van-mieu-215039.html