Các chuyến bay do thám của NATO ở biên giới Nga nhằm mục đích gì?

Chiến đấu cơ của lực lượng Phòng không Nga trong tuần qua đã 14 lần cất cánh chặn các máy bay do thám của nước ngoài, tờ Krasnaya Zvezda cho hay.

Theo công bố, hoạt động chặn do các chiến đấu cơ MiG-31 và Su-27 thuộc lực lượng bảo vệ phòng không thực hiện. Trong tuần ghi nhận 23 chuyến bay trinh sát của các máy bay nước ngoài ở vùng biên giới Nga. Trong đó có mười chuyến bay của phi cơ do thám Mỹ (RC-135 và máy bay không người lái chiến lược Global Hawk), bốn chuyến bay của phi cơ Na Uy (P-3C Orion), ba chuyến bay của hàng không trinh sát Thụy Điển (máy bay Gulf Stream), và hai chuyến bay của các phi cơ Anh và Pháp. Ngoài ra ở vùng biên giới của Nga cũng xuất hiện máy bay trinh sát của Bồ Đào Nha và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu của báo, các máy bay mang tên lửa chiến lược của Nga Tu-160 hai lần trong tuần qua tiến hành tuần tra hải phận ở vùng biển Baltic. Công tác tuần tra tại khu vực này cũng huy động sự tham gia của tiêm kích Su-27 và máy bay có trang bị radar phát hiện tầm xa và kiểm soát A-50.

Trên sóng phát thanh của Sputnik, chuyên gia quân sự Vladimir Popov đã lý giải về mục đích khiến các máy bay NATO có thể vi phạm luật pháp quốc tế.

Phó TBT tạp chí Aviapanorama", Thiếu tướng Vladimir Popov cho rằng trong thời gian xuân-mùa hè việc lực lượng phòng không Nga ghi nhận gia tăng hoạt tính do thám của NATO không phải là chuyện bất ngờ.

"Khắp nơi đều có diễn tập đại trà. Và trong bối cảnh này xuất hiện nhiều chuyến bay trinh sát do thám", ông Vladimir Popov nói.

Ông giải thích rằng không phải mọi lúc đều thực hiện hành động chặn mục tiêu đường không. Thông thường, ở đây không phải là đánh chặn, mà là bay kèm những phi cơ lạ tiếp cận biên giới đất nước. Chuyên gia quân sự cho biết, máy bay trinh sát của nước ngoài nhằm mục đích gì khi cố áp sát như vậy.

"Nếu đó là máy bay trinh sát, thì nó được gọi là "hút lửa" về phía mình. Cần tiếp cận sát hơn và cố biết được cái gì đó cụ thể: ví dụ như tần số hoạt động của trạm radar, xác định hệ thống cảnh báo, xem tín hiệu được truyền đi nhanh thế nào.. Rồi nếu khi nào đó họ muốn tiến hành bước đột phá khiêu khích ở biên giới của chúng ta thì họ có thể gây nhiễu trong khoảng tần số của ta, hoặc biết cách tránh những trạm radar và hành động theo hướng cục bộ ít nguy hiểm", ông Vladimir Popov phân tích.

Phương Nhi

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/cac-chuyen-bay-do-tham-cua-nato-o-bien-gioi-nga-nham-muc-dich-gi-2900680.html