Cả xã hội vào cuộc chống tham nhũng

Trong khuôn khổ hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất diễn ra tại Nha Trang, ngày 18/2, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng” (PCTN).

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu khai mạc Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của xã hội trong PCTN". Ảnh: baokhanhhoa.com.vn

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết: Sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội trong đấu tranh PCTN đang ngày càng được ghi nhận đầy đủ hơn, được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ hơn tại nhiều quốc gia…

Nhận xét của Tổng Thanh tra rất đúng mực, chính xác và có sức thuyết phục cao, bởi trong thời gian gần đây một số tờ báo nêu nghi vấn khối tài sản hơn 600 tỷ đồng mà chủ sở hữu là bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương và người thân ruột thịt của bà. Ngay lập tức, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ!

Từ trước cho đến thời điểm hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức ở trong các cơ quan, đơn vị… để xảy ra tham nhũng đều thừa nhận và đánh giá cao vai trò của báo chí truyền thông trong công tác PCTN. Điều quan trọng là rất nhiều cá nhân, tổ chức biết được sai phạm trong cơ quan, tổ chức của mình, nhưng có rất nhiều lý do mà kết quả chống tham nhũng không có được ở giai đoạn cuối. Đó là lý do những dấu hiệu tiêu cực, sai phạm được cung cấp cho các cơ quan báo chí truyền thông. Và từ đó vụ việc được nêu lên, phanh phui, theo đó nhiều cơ quan chức năng khác mới vào cuộc.

Cũng từ trước đến nay, rất nhiều vụ việc, khi người phát hiện tham nhũng có đơn gửi các tổ chức, cơ quan chuyên trách nhưng rồi vụ việc vẫn bị dìm đi. Có điều, cùng vấn đề ấy, họ chuyển đến cơ quan báo chí thì lại được làm rõ đúng sai.

Do vậy, việc tăng cường sự tham gia của toàn xã hội sẽ đem lại kết quả cao trong PCTN, trong đó báo chí là kênh quan trọng tiếp nhận thông tin.

Nghi án về nguồn gốc hình thành khối tài sản khổng lồ của bà Hồ Thị Kim Thoa sẽ được làm rõ và công khai cho toàn dân biết. Nhưng đây là câu chuyện đắt giá để các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét đánh giá lại công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các văn bản của Đảng và những văn bản pháp luật của Nhà nước còn chỗ nào sơ hở bị kẻ xấu lợi dụng, lách luật thì cần được bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

Một cán bộ quản lý của Công ty Bóng đèn Điện Quang nay giữ chức Thứ trưởng, đã trải qua bao nhiêu lần kê khai thu nhập tài sản, vậy mà khối tài sản khổng lồ đó vẫn được tàng hình cho đến thời điểm báo chí nêu. Dư luận băn khoăn: Bà Hồ Thị Kim Thoa đã là trường hợp duy nhất?

Câu chuyện bà Thoa được rộ lên trong thời điểm xét xử đại án tham nhũng ở Vinashinlines, Viện KSND đề nghị án tử hình đối với Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh của Vinashinlines về tội tham ô. Đạt cùng với Tổng Giám đốc Công ty và bố đẻ của mình cùng chung tay tham ô, rửa tiền chiếm đoạt 260 tỷ đồng!

Sau đại án Giang Kim Đạt, ngày 27/2, đại án Hà Văn Thắm và 47 bị cáo sẽ được đưa ra xét xử. Hà Văn Thắm từng lấp lánh nằm trong top 10 người giàu nhất chứng khoán Việt Nam. Buồn thay, phía sau “vầng hào quang” là 14.000 tỷ đồng nợ xấu mà Ngân hàng Đại dương do Hà Văn Thắm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị để lại…

Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của xã hội trong PCTN” diễn ra ở Việt Nam trong thời điểm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lệnh cho Hội đồng Chống rửa tiền nước này công bố các tài khoản ngân hàng của mình với cam kết: “Nếu bất kỳ thành viên nào trong gia đình hoặc bản thân tôi dính dáng đến tham nhũng trong Chính phủ, bạn có thể chắc chắn rằng tôi sẽ từ chức ngay lập tức”.

Trông người mà ngẫm đến ta!

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/ca-xa-hoi-vao-cuoc-chong-tham-nhung_t114c68n115344