Ca trù trong nhịp vận động của đô thị

Đô thị là môi trường đưa ca trù lên đỉnh cao. Nhưng dường như cũng chính đô thị khiến cho loại hình nghệ thuật này suy thoái. Nguyên do cốt yếu đến từ không ít tay chơi có tiền tới nhà hát, thay vì để thưởng thức nghệ thuật thì họ lại phung phí tiền bạc cho những cuộc chơi xa xỉ vô độ.

Dù sản sinh ở không gian làng xã, nhưng nghệ thuật ca trù có sự vận động mạnh mẽ chưa từng thấy khi tồn tại trong môi trường đô thị. Đô thị đã làm cho ca trù hưng thịnh nhưng cũng chính môi trường này làm ảnh hưởng loại hình nghệ thuật ấy.

Ca trù từ quê lên phố

Đầu thế kỷ XX, các đô thị phát triển kéo theo sự mở mang của đường sá. Giao thông cũng thuận tiện hơn. Cùng với đó, sự du nhập của văn hóa phương Tây vào chốn thị thành dẫn đến việc hình thành nhu cầu ăn chơi, giải trí lớn hơn. Nhìn thấy tiềm năng kiếm tiền từ đây, nhiều đào hát, kép đàn lên thành phố mở nhà hát, phục vụ giới tao nhân mặc khách.

Là cái nôi của ca trù miền duyên hải phía Bắc, làng Đông Môn (nay thuộc xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã sản sinh ra nhiều con hát, tay đàn cho cả nước. Xưa kia, nhiều người đã thoát ly khỏi quê hương để đi khắp miền Bắc như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình… thậm chí đi xa hơn, vào Sài Gòn để mở ca quán. Nổi danh ở Hà Nội có cặp vợ chồng kép đàn Phạm Cửu Thế và ca nương Linh Thoa đã mở ca quán trên phố Khâm Thiên (Hà Nội).

Từng có một loại hình nghệ thuật có sức sống mãnh liệt ở đô thị đầu thế kỷ XX mang tên ca trù. Ảnh: TL

Ở Hải Phòng, theo ghi nhận của ông Nguyễn Đức Giang, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng, các ca quán tập trung ở Cánh Gà Trong (Hàng Kênh) đến Cánh Gà Ngoài (quán Bà Mau, nay là đường An Đà và Lạch Tray). Theo báo Trung Bắc Chủ nhật số 129, năm 1942: “Năm 1938, ngoại ô Hà Nội có 216 nhà hát và gần 2.000 cô đầu tập trung trước thì ở Hàng Giấy, ấp Thái Hà, sau đến Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, Vạn Thái, Chùa Mới, Cầu Giấy, Kim Mã, Văn Điển, Gia Quất”.

Tại Sài Gòn, trước năm 1945, từ Cầu Kiệu tới ngã tư Phú Nhuận có hơn 20 ca quán ở các biệt thự hai bên đường. Sau năm 1954 cũng có những nghệ nhân nổi tiếng từ Hà Nội vào. Tại khu vực hồ bơi Chi Lăng, khu rạp hát Đại Đồng có khoảng 5 quán, trong đó có quán bà Như Tuyết, bà Loan, bà Ngà, bà Thu Lùn và bà Đốc Sao nổi tiếng từ Khâm Thiên (Hà Nội) vào.

Ca trù trên thành thị - từ đỉnh cao tới tụt dốc

Ngay từ thế kỷ XIX, hát nói - thể thơ trở thành một thể cách hát trong ca trù, đã được những nhà nho có tên tuổi như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Lâm, Dương Khuê… mượn để diễn tả tâm trạng của mình trong một xã hội đầy biến động. Vì thế, hàm chứa trong đó là tầng tầng lớp lớp tư duy đầy thâm thúy, mà vẻ ngoài lại thật tinh tế, ý nhị. Chính vì tính bác học ấy nên khi lên tới thành thị nó càng thu hút giới văn nhân, thi sĩ nổi tiếng bấy giờ. Từ đó, giới trí thức đương thời với sự am hiểu của mình tiếp tục làm cho nghệ thuật ca trù trở nên phong phú, thịnh đạt.

Trong số những đề tài được giới trí thức trước năm 1945 ưa chuộng, nổi bật là những dòng thơ gửi gắm tâm hồn đồng điệu của mình với thân phận kẻ mua vui cho đời. Những cái tên như Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Nguyễn Bính... đã có nhiều bài thơ dành tặng cho bạn tri âm trong những đêm nghe hát.

Đô thị là môi trường đưa ca trù lên đỉnh cao. Nhưng dường như cũng chính đô thị khiến cho loại hình nghệ thuật này suy thoái. Nguyên do cốt yếu đến từ không ít tay chơi có tiền tới nhà hát, thay vì để thưởng thức nghệ thuật thì họ lại phung phí tiền bạc cho những cuộc chơi xa xỉ vô độ. Nhận thấy lợi ích từ đấy, nhiều người vốn không phải có truyền thống ca hát cũng a dua mở nhà hát. Rồi những chủ nhà hát về các làng quê, chiêu mộ những cô gái lỡ làng chuyện tình duyên, siêng ăn lười làm. Những cô gái này tuy kỹ năng hát còn yếu, nhưng được chỉ dạy cho cách tiếp khách sao cho khéo, học uống rượu thi với các quan viên. Từ đó, hình thành một dạng thức cô đầu rượu, giỏi làm vừa lòng đàn ông hơn giỏi hát.

Chính vì thế, ca trù đã bị hiểu sai lệch và bị cấm hoạt động trong một thời gian dài ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Ca trù “cựa quậy” trong đô thị hiện đại

Dần hồi sinh từ những năm 1990, đến nay ca trù vẫn hiện diện giữa đời sống đô thị hiện đại. Năm 2009 nghệ thuật ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể.

Việc biểu diễn, truyền dạy ca trù được tổ chức bởi các câu lạc bộ (CLB) ở các địa phương và thường thực hành ở các di tích tại địa phương nơi các nghệ sĩ, nghệ nhân cư trú. Như CLB Ca trù Hà Thành chọn Bích Câu Đạo quán (quận Đống Đa, Hà Nội) làm không gian sinh hoạt, hay đình Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng) là nơi sinh hoạt của CLB Ca trù Hải Phòng…

Hát ca trù tại đền Quan Đế (Hà Nội) thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Tất Sơn

Dẫu tồn tại, song ca trù vẫn chưa thu hút được nhiều người nghe bằng những loại hình âm nhạc khác. Nếu như ở Hội Lim (Bắc Ninh), du khách đến xem hội đều có thể đăng ký với các CLB để được thể hiện giọng ca của mình, tạo nên bầu không khí giao lưu nghệ thuật sôi nổi thì với ca trù, thử tìm một khán giả có thể điểm trống chầu thật khéo léo, hài hòa với giọng hát của ca nương và tiếng đàn đáy cũng không dễ dàng.

Tuy vậy, vẫn cần ghi nhận những sáng kiến ở các thành phố lớn phía Bắc trong việc đưa ca trù đến gần với đời sống của thính giả đương thời. Ngay từ năm 2015, Hải Phòng đã phát động cuộc thi sáng tác lời mới cho ca trù trên toàn thành phố. Đến năm 2023, Hà Nội cũng tổ chức. Hoạt động này giúp cho kho tàng thơ ca trù phong phú hơn.

Hay nhằm tái hiện không gian thưởng thức ca trù đầu thế kỷ XX, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với CLB Đông Kinh cổ nhạc, tổ chức nhiều đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại phố cổ, thường là tại số 50 Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm). Trong đêm diễn, các nghệ sỹ lồng ghép tiết mục ca trù với hình thức nghe hát và thưởng thẻ cho đào hát, kép đàn như trong quá khứ.

Ca trù liệu có thể sống cùng người nghe hiện đại?

Những năm vừa rồi, nổi lên trào lưu hát ca trù trong một số quán bar, quán cà phê. Tuy nhiên, mô hình đó xuất hiện chưa được bao lâu thì dần vắng mặt.

Một mô hình đưa ca trù vào không gian dịch vụ ăn uống khác vẫn còn được duy trì là quán cơm niêu Đồng Cau tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Có lẽ do đối tượng thường xuyên tới đây là những người trung niên, lớn tuổi, nên ca trù vẫn có sức hấp dẫn.

Đêm diễn ca trù tại một quán bar ở Hà Nội trước đây. Ảnh: Đào - Philosophy Bar

Để có thể len lỏi, hiện diện phổ biến hơn trong cuộc sống thị thành hiện đại, những yếu tố cấu thành di sản văn hóa này như kỹ thuật hát, tiếng đàn đáy, tiếng trống chầu buộc phải bóc tách ra, hòa âm phối khí vào trong sản phẩm âm nhạc thị trường. Khi một bài hát nhận được sự quan tâm từ đông đảo khán giả, người ta sẽ dần tò mò chất liệu được sử dụng trong bài hát đó là gì. Trong quá trình thực hiện sản phẩm, rất cần những nghệ nhân chia sẻ, tham vấn cho nghệ sĩ trẻ. Từ đó, có những định hướng cụ thể để họ không đi lệch đường, làm sai lệch di sản.

Để có một thế hệ nghệ nhân kế cận, việc lựa chọn, bồi dưỡng nhân tài cho nghệ thuật ca trù là hết sức quan trọng. Nhưng thực tế, trong hàng trăm bạn trẻ mới chọn ra được vài bạn có tiềm năng. Tuy vậy, cũng chẳng thể vì thế mà cứ nhân rộng mô hình hát ca trù lên, đặt chỉ tiêu thành lập được bao nhiêu CLB, tuyển được bao nhiêu nghệ nhân trẻ... Hãy nhớ đến lời dạy của tiền nhân: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Ca trù vẫn có thể sống dưới hai bản thể trong đô thị hiện đại: một là hài hòa với âm nhạc hiện đại, hai là tồn tại dưới dạng nguyên vẹn như truyền thống, nhưng vẫn có sức bổ trợ cho bản thể thứ nhất.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ca-tru-trong-nhip-van-dong-cua-do-thi-43185.html