Ca sĩ 'Sao Mai' Khánh Ly: Thanh nhạc như một món quà vô giá tặng chúng ta

Khánh Ly là một giọng ca được đào tạo bài bản về opera cổ điển. Những giải thưởng âm nhạc quan trọng mà cô sở hữu trong sự nghiệp của mình cũng thuộc dòng thính phòng: giải Ba 'Sao Mai 2011'; giải Nhì cuộc thi hát 'Thính phòng - Nhạc kịch 2017'… Trong suốt hơn hai thập kỷ trên con đường âm nhạc, nữ ca sĩ cũng ghi dấu ấn trong lòng khán giả với giọng hát cao bay bổng, dày dặn kỹ thuật nhưng vẫn đầy cảm xúc. An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Khánh Ly nhân dịp cô tái xuất với một loạt sản phẩm và dự án âm nhạc mới.

Mất mát và đơn độc

- Phóng viên: Chào ca sĩ Khánh Ly, được nhiều người yêu mến, nhưng những năm gần đây chị không xuất hiện nhiều trên các sân khấu ca nhạc. Lý do là gì vậy?

- Ca sĩ Khánh Ly: Quả thật quãng thời gian nhiều năm qua, tôi bận rộn với việc đào tạo thanh nhạc cho học trò tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đặc biệt là tập trung lấy bằng Tiến sĩ với nhiều khó khăn, áp lực. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, tôi tiếp tục làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Tiến sĩ âm nhạc với sự hướng dẫn của Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên. Nhưng việc học hành đang dở dang thì người thầy đáng kính của tôi qua đời vào năm 2021, điều này khiến tôi bị “sốc”. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên không chỉ là người thầy, mà còn là chỗ dựa tinh thần rất lớn của tôi. Khi có thầy đồng hành, tôi rất tự tin, cảm thấy mọi việc đơn giản hơn. Thầy qua đời, mất đi chỗ dựa, tôi cảm thấy sự mất mát và đơn độc. Đó là quãng thời gian tôi phải một mình chống chọi rất nhiều khó khăn.

May mắn cho tôi là sau đó, tôi được người bạn đời của thầy là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà nhận lời thay thầy giúp đỡ, hướng dẫn tôi tiếp tục hoàn thành luận án Tiến sĩ. Trong quá trình theo học Tiến sĩ âm nhạc, tôi từng rơi vào quãng thời gian bị “tâm bệnh”, không thể làm nghề, không thể hát hay được khi cứ phải gồng mình lên. Đến năm 2023, sau khi hoàn thành việc bảo vệ luận án Tiến sĩ, tôi mới nghĩ đến chuyện trở lại sân khấu.

Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly: “Tôi nghĩ một nghệ sĩ mà không có tâm hồn, không được hát, không được thể hiện điều mình đam mê thì chẳng khác gì cái cây không được tưới nước, sẽ khô héo đi”

- Theo đuổi con đường học vấn cao cũng đồng nghĩa với việc phải xao nhãng việc hoạt động ca hát thường xuyên. Động lực gì thôi thúc chị phấn đấu trở thành Tiến sĩ âm nhạc?

- Động lực khiến tôi đi học cao hơn có lẽ đầu tiên là gia đình. Ông xã vẫn thường động viên tôi rằng: “Em hãy đi học để làm gương cho các con”. Bên cạnh đó, khi bước chân vào con đường giảng dạy, tôi tự thấy mình vẫn cần phải học thêm vì những hiểu biết trước kia của mình về chuyên môn thanh nhạc còn rất hạn chế so với các bậc tiền bối. Trong quá trình học, tôi cũng được vỡ vạc nhiều điều.

Nguyễn Khánh Ly sinh ra ở Nghệ An, lớn lên ở Thái Nguyên. Cô từng giành giải Nhì cuộc thi “Tiếng hát Truyền hình Hà Nội 2006”; giải Ba cuộc thi “Tiếng hát trên sóng phát thanh - truyền hình Hải Phòng 2011”; giải Nhì “Tiếng hát trên sóng phát thanh - truyền hình Bắc Giang 2011”; giải Ba “Sao Mai toàn quốc 2011”; giải Nhì cuộc thi hát “Thính phòng - Nhạc kịch TP.HCM 2017”. Cô đã cho ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc được công chúng đón nhận như: Album “Miền xa thẳm”; album “Mùa lá đi qua”; album “Lời ru nguồn cội”; MV “Mùa đông không lạnh”; MV “Khúc ru”; MV “Khúc mùa xuân”; MV “Có Đảng sáng soi”…

Tôi nghiên cứu nhiều sách nước ngoài cũng như các công trình nghiên cứu của các nhà giáo, trong đó có thầy tôi Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên. Các thầy đã viết nhiều cuốn sách tuyệt vời về thanh nhạc như một món quà vô giá tặng chúng ta, mà nếu không đi học thì chắc chắn tôi không có cơ hội đọc. Và học trò của tôi cũng vậy, chắc chắn không đọc sẽ khó mà hiểu được. Quá trình làm một nhà giáo cũng cần phải có kiến thức sâu rộng để hiểu về chuyên môn, từ đó giảng dạy lại cho thế hệ sau, cho từng học trò, từng cá tính để làm thế nào cải thiện chuyên môn của các em. Đó là động lực để tôi quyết định học cao hơn.

- Chị có nhắc đến quãng thời gian bị “tâm bệnh”, chị có thể chia sẻ đã vượt qua quãng thời gian khó khăn đó thế nào không?

- Đúng vậy, như tôi có chia sẻ thì Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên là người thầy có ảnh hưởng sâu sắc và lớn nhất tới tôi. Khi thầy mất đi vào năm 2021, là thời gian tôi cảm thấy bị trầm cảm, hụt hẫng, mất mát và loay hoay không biết phải đi tiếp thế nào. Rồi “tâm bệnh” là trong thời gian học tập nghiên cứu, tôi là ca sĩ, nhưng lao vào con đường học hành, làm nghiên cứu sinh nên phải gác lại hoàn toàn việc ca hát. Đó có lẽ là nguồn gốc của “tâm bệnh”. Vì lúc đó, nơ ron thần kinh của mình không dành cho việc hát nữa, không hát hay được. Trong khi tôi cảm giác chỉ đối phó với nghề, chỉ tồn tại thôi chứ không được sống thật sự. Bởi vậy sinh ra “tâm bệnh”.

Âm nhạc như một liều thuốc có thể xoa dịu, chữa lành cho những người bị “tâm bệnh”. Mà tôi thì đã bị “tâm bệnh” rất lâu trong quá trình học tập và nghiên cứu. Giờ đây, tôi mong muốn được hát, được sống đúng với tình yêu của mình dành cho âm nhạc. Tôi nghĩ một nghệ sĩ mà không có tâm hồn, không được hát, không được thể hiện điều mình đam mê thì chẳng khác gì cái cây không được tưới nước, sẽ khô héo đi. Đó cũng là lý do tôi trở lại và thực hiện đêm nhạc “Ly” để từ đây sẽ quyết tâm trở lại với âm nhạc một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa.

Chưa đủ tầm để làm liveshow lớn

- Trở lại với dấu mốc 20 năm ca hát, sao chị không mạnh dạn làm hẳn một liveshow mà lại chỉ gói gọn trong một đêm nhạc quy mô khiêm tốn?

- Tôi nghĩ làm gì cũng tùy theo sức của mình. Tôi thấy mình chưa đủ tầm để làm liveshow lớn nên cần thận trọng thăm dò. Thăm dò đầu tiên là xem mình có đủ sức không, sau đó phải thăm dò lượng khán giả đón nhận thế nào, rồi còn xem con đường mình đi đã đúng chưa, đã được yêu mến chưa. Cuối cùng tôi quyết định làm một đêm nhạc ấm cúng và hy vọng không làm khán giả thất vọng. Vả lại thú thật là tôi vẫn chưa tự tin làm liveshow lớn ở thời điểm này. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đứng ra làm một đêm nhạc, không thể “ập” một cái làm liveshow lớn luôn được. Đặc biệt, vấn đề kinh tế cũng ảnh hưởng, để làm liveshow cần đầu tư có khi lên tới tiền tỷ, chưa kể cần có kinh nghiệm nữa, vì vậy tôi muốn để dành điều đặc biệt này lại sau.

- Gần đây trong giới âm nhạc có nhiều lùm xùm chuyện học trò không ghi nhận công sức của thầy cô. Chị nghĩ gì về chuyện này, chị đã bao giờ gặp tình trạng này chưa?

- Tình trạng một số ca sĩ trẻ thái độ ứng xử chưa phù hợp với bậc tiền bối gần đây cũng có. Tôi cũng đã gặp trong quá trình giảng dạy. Tôi nghĩ tuổi trẻ thường hay nông nổi, đứng trên cương vị là một giảng viên, mình nên bao dung. Khi tôi đi học cũng mắc lỗi với thầy cô của mình, và thầy cô đều bao dung với mình. Nhưng sự bao dung đó không phải dung túng, mà chúng ta phải giảng lại để học trò hiểu. Chúng ta cũng không nên nhìn phiến diện mà nên cởi mở để có hướng phát triển. Đó cũng là những tài năng, họ chưa được ở gần những người thông thái, chưa được tiếp cận với những người yêu thương, dùng yêu thương cảm hóa họ để mà có sự chia sẻ tốt với họ. Họ đi lầm đường và cần có những người thầy chỉ lối, phê bình và khích lệ thay đổi, biết lỗi, sửa lỗi - đó là tâm nguyện của những người làm giảng dạy.

- Trước kia, Khánh Ly cho rằng hát nhạc trẻ là một lựa chọn bớt gập ghềnh, sau bao nhiêu năm còn suy nghĩ đó không? Nhất là khi học hàm, học vị đã là Tiến sĩ thì việc quay lại hát nhạc trẻ làm sao cho dễ nghe, gần gũi có lẽ cũng là thách thức?

- Dòng nhạc trẻ mà tôi lựa chọn trong đêm nhạc sắp tới có nhiều người hát hay. Bản thân tôi cũng cảm thấy đắn đo, chưa được tự tin lắm. Song tôi mong muốn khi cất lên những ca khúc đã từng nổi tiếng bởi ca sĩ khác thì mình có thể đưa cảm xúc riêng chạm trái tim người nghe, đó chính là cảm xúc chân thành nhất của Khánh Ly. Lúc đó tôi không cần sự hỗ trợ nào về kỹ thuật mà bằng sự chân thành nhất từ trái tim mình.

- Cảm ơn và chúc Khánh Ly thành công!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ca-si-sao-mai-khanh-ly-thanh-nhac-nhu-mot-mon-qua-vo-gia-tang-chung-ta-post570181.antd