Ca sĩ Mỹ Linh: 'Chồng tôi bị ốm 6 tháng vì sử dụng thực phẩm bẩn'

Ca sỹ Mỹ Linh nhấn mạnh, bản thân cô rất hoang mang và không thể tin tưởng vào thực phẩm trôi nổi trên thị trường và đã tự sản xuất thực phẩm sạch.

Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng - “Đón sóng thực phẩm sạch”, do Báo Điện tử Trí thức Trẻ (Soha News) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 23/8 tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh: Hiện chỉ có một tỷ lệ nhỏ người tiêu dùng được tiếp cận thực an toàn; thị trường này còn rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu ca khó khăn, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận người tiêu dùng.

Ca sĩ Mỹ Linh trồng rau, nuôi gà

Tại diễn đàn, ca sỹ Mỹ Linh cũng nhấn mạnh, bản thân cô là một người tiêu

Ca sỹ Mỹ Linh phát biểu tại diễn đàn

dùng nhưng cũng rất hoang mang và không thể tin tưởng vào thực phẩm trôi nổi trên thị trường hiện nay. Cô cũng không tìm thấy được sự minh bạch và phải tự sản xuất thực phẩm sạch cho gia đình.

Ca sĩ Mỹ Linh cho biết, gia đình cô đã phải hứng chịu hậu quả của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, đó là chồng cô - nhạc sĩ Anh Quân, đã ốm cả 6 tháng vì sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. “Tôi cũng như rất nhiều người Việt Nam đã không còn tin vào thực phẩm đồng loại bán cho mình” – nữ ca sĩ chia sẻ.

Nữ giám khảo “Gương mặt thân quen” cũng bác bỏ quan điểm “thực phẩm sạch nhưng phải rẻ” và cho rằng, bản thân cô đã nuôi trồng thực phẩm cho gia đình và thấy không hề rẻ. Nếu rẻ thì rõ ràng đã trả công cho người lao động rất rẻ mạt, và như thế họ không thể làm tốt công việc của mình.

“Thực phẩm liên quan đến sức khỏe. Trong khi chúng ta bỏ rất nhiều tiền để đi chơi, có nhà, có xe thì không có lý do gì không mua thực phẩm an toàn. Tất nhiên trong kinh doanh, ở đâu có người nhiều phản hồi tốt, nghĩa là địa chỉ tốt thì người dân sẽ tự tìm đến” – Mỹ Linh nhận xét.

Vừa mở cửa hàng, nhiều cơ quan vào kiểm tra

Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển đặt vấn đề, tiêu chuẩn hữu cơ (PSG) là nền tảng cơ bản phát triển ngành hữu cơ của Việt Nam, nhưng hiện chúng ta chưa có. Do đó gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khẳng định, chứng minh chất lượng sản phâm.

Các chuyên gia tham gia diễn đàn

Bên cạnh đó, đại diện Sói Biển cũng phàn nàn: “Chỉ một cửa hàng thực phẩm sạch mới mở, nhưng rất nhiều cơ quan tới kiểm tra, hạch sách như thuế, y tế, quản lý thị trường… Nhiều khi phát nản và vô cùng bức xúc. Chúng ta nên thống nhất một cơ chế kiểm tra giám sát cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch”.

Những người kinh doanh thực phẩm sạch cũng đề nghị được ưu đãi về thuế, bởi hầu hết đều bắt đầu “chân ướt chân ráo” vào lĩnh vực này. Nếu có những chính sách ưu đãi, người tiêu dùng cũng sẽ có lợi.

Trao đổi về vấn đề này, bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng điều phối tổ chức chứng nhận hữu cơ PGS tại Việt Nam, thừa nhận đang gặp rất nhiều vấn đề về việc làm thế nào để đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung nói: “Đây là vấn đề chúng tôi đang đau đáu và mong Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn mở lối. Hiện đã có nhiều cuộc thảo luận và chủ yếu là doanh nghiệp, nhưng chúng ta quên mất vai trò của nông dân. Nông dân chiếm 70% dân số nhưng không có sự kết nối, họ phải tự bươn chải. Cần phải có chính sách nào đó kết nối họ lại; định hướng, đào tạo họ”.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung cho biết, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, đánh giá, công nhận PGS ở Việt Nam còn rất gian nan và đòi hỏi người tiêu dùng cùng vào cuộc để đánh giá. PGS là hệ thống có chuyên gia và gần như là hệ thống người cấp chứng nhận của bên thứ 3. Do đó, trong hệ thống phải có sự tham gia của người sản xuất, người tiêu dùng giám sát, quản lý.

Tuy nhiên, bà Tuyết Nhung cho rằng, khi chưa có có PGS thì doanh nghiệp cứ hãy làm tất cả, mang lại niềm tin và hạnh phúc cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, do những tiêu chuẩn này chưa sát thực tế, nên trong trung tuần tháng 8 này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã có cuộc họp bàn với các cơ quan trong Bộ và Bộ Khoa học - Công nghệ để tìm phương hướng, đưa ra giải pháp xây dựng chính sách phát triển hữu cơ cho phù hợp thực tế.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Kim Sơn Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp – nông thông khẳng định: “Ngay trong cuộc họp chiều 24/8, tôi sẽ trực tiếp báo cáo vấn đề này với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nguyễn Xuân Cường để có giải pháp giải quyết kịp thời”.

Kiểm tra chất cấm liệu có “chìm xuồng”

Một người nuôi lợn phản ánh việc kiểm tra chất cấm sử dụng trong chăn nuôi chỉ rộ lên theo chiến dịch, song đâu lại vào đó. Về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từ năm 2013-2014 và đầu 2015 rất phổ biến.

Sau đó, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã mở chiến dịch kiểm tra chất cấm từ tháng 10/2014. Đối tượng kiểm tra là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại nhỏ, trang trại lớn và chăn nuôi liên doanh. Theo ông Hoàng Thanh Vân, hiện có tỉnh thành báo cáo không còn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

“Việc đánh giá chất cấm được kiểm tra bởi bộ phận chuyên môn từ Trung ương xuống cơ sở. Trong đó có sự phối hợp quyết liệt của công an và cơ quan thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nếu có sự khả nghi. Bộ cũng đã kiến nghị Quốc hội liên quan đến việc kiểm soát chất cấm, Bộ Luật hình sự đang được nghiên cứu chỉnh sửa một số điều.

Theo đó, người có hành vi sử dụng buôn bán chất cấm phải bị xử lý hình sự. Kiểm soát chất cấm không có điểm dừng, cơ quan chức năng có quyền kiểm tra xử lý theo quy định" – ông Hoàng Thanh Vân nói./.

Lại Thìn/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/ca-si-my-linh-chong-toi-bi-om-6-thang-vi-su-dung-thuc-pham-ban-543316.vov