Cả Quốc hội, Chính phủ phải chịu trách nhiệm nếu nợ vượt trần

“Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là kiên quyết không để nợ công vượt giới hạn cho phép. Chính phủ cũng báo cáo không để vượt trần này. Còn nếu để nợ công vượt trần như trường hợp phóng viên đề cập thì cả Quốc hội và Chính phủ đều phải chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: TL.

Đây là khẳng định của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo quốc tế trước kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20-10 tới.

Phỏng viên đặt câu hỏi, đã hai năm liên tiếp nợ Chính phủ vượt giới hạn 50% GDP; Chính phủ cũng báo cáo đến cuối năm nay nợ công sẽ ở mức 64,98% GDP, áp sát giới hạn cho phép (65% GDP). Hiện có nhiều dự báo nợ công sẽ vượt trần nếu tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu. Vậy, trong trường hợp nợ công, nợ Chính phủ vượt trần thì ai phải chịu trách nhiệm?

Ông Phúc cho biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi rất kỹ về vấn đề này. Hiện nay nợ công vẫn đang trong giới hạn trần cho phép là 65% GDP. Mỗi quốc gia có một quy định khác nhau, có nước cho phép nợ công bằng 100% GDP, nhưng chúng ta quy định là 65%. Nếu để nợ công vượt trần thì cả Quốc hội và Chính phủ đều phải chịu trách nhiệm.

Ông Phúc cũng nhận xét về việc Bộ Tài chính thực hiện khoán xe công là chủ trương đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ông nói: “Cách khoán xe của Bộ Tài chính, theo chúng tôi, cũng chưa hiệu quả lắm. Cái chính là làm sao phải bớt được đầu xe, bớt được lái xe, chứ bây giờ mới chỉ khoán từ nhà đến cơ quan thôi. Tính là 15.000 đồng/km để đi taxi, như vậy cũng gần như giá xe công đổ xăng vào đi thôi”.

Ông bổ sung: “Cái chính là chúng ta phải chuyển mạnh mẽ, khoán xe công theo hình thức xã hội hóa, giao cho các đơn vị dịch vụ công thực hiện thì mới hiệu quả, tức có xe chung rồi đi đâu thì đăng ký. Chứ còn khoán từ nhà đến cơ quan thì không hiệu quả, khi cái xe công ấy vẫn giữ, tài xế vẫn lái, mỗi thứ trưởng vẫn giữ một xe thì làm sao hiệu quả được".

Ông cho biết, Văn phòng Quốc hội đã thực hiện khá sớm việc khoán xe công. Cách đây hơn 10 năm, một Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là ông Trần Quốc Thuận đã thực hiện. Hiện nay Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cũng đang thực hiện. “Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu đề án làm sao cho có hiệu quả hơn nữa”, ông nói.

Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20-10. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật khác.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152799/ca-quoc-hoi-chinh-phu-phai-chiu-trach-nhiem-neu-no-vuot-tran.html/