Cà phê đêm giao thừa

Từ khi tôi biết uống cà phê, chắc được vài năm “cà phê văn nghệ, cà phê trí thức” đúng nghĩa, còn lại thì… “cà phê một mình”. Bây giờ, các bạn trẻ lại “cô đơn trên mạng”, sống với thế giới ảo, cái thế giới không thể chạm vào. Lên mạng xã hội, viết blog cá nhân chiếm hết phần còn lại của ngày sống. Những chia sẻ, liên kết ảo đã đánh mất sự “giáp mặt”, “chất men” cần thiết cho những cảm xúc, suy nghĩ và động lực sáng tạo. Khả năng “một mình” là yếu tố cấu thành tài năng là điểm bắt đầu của mỗi hoạt động sáng tạo, nhưng nếu không kết nối với đời sống nó có thể sẽ là sự tự hủy.

Chúng ta “sống đám đông” nhiều quá vì ai cũng sợ cô đơn. Tìm đến quán bia, quán cà phê, quán chè chén vỉa hè là một cuộc chạy trốn nỗi cô đơn mơ hồ luôn ám ảnh nơi tiềm thức. Khi còn trẻ, mỗi khi từ Tuyên Quang về Hà Nội, tôi thường tìm đến các ông anh văn nghệ trong quán cà phê và gọi cuộc cà phê hiếm hoi này là “những cô đơn đi tìm nhau”. Chia sẻ chuyện đời, chuyện nhạc, chuyện văn, để biết rằng vẫn còn một cái gì đó khả dĩ có mình, mình vẫn đang tồn tại, chưa bị lẫn vào đám đông, nhưng thực ra vẫn chỉ là một cuộc “chạy trốn”, vẫn “đám đông” thôi. Kết nối với đời sống không phải là làm cái việc “đám đông hóa” như thế. Và chữ đời sống ở đây với trí thức văn nghệ sĩ nên được hiểu là đời sống sáng tạo. (Từ trái) Đỗ Thị Trà My - Giảng viên thiết kế, Hà Vĩnh Duy - chuyên gia Marketing, Hồ Quang Hưng - rocker Ở nước ta, từ nửa cuối thập niên 80 thế kỷ trước, trong khu vực hội họa đã bắt đầu xuất hiện những nhóm làm nghệ thuật tự lập không dựa vào bao cấp nhà nước: Nhóm Gangs of five (Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh), nhóm 5 người của Hà Nội (Nguyễn Quốc Hội, Trần Tuấn, Phạm Ngọc Minh, Đinh Quân, Trần Quang Huy), nhóm 4 người (Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung Tín, Hoài Hương), nhóm 10 người (đứng đầu là họa sĩ Nguyễn Trung) ở TP.HCM. Họ không xin nhà nước cấp kinh phí để hoạt động (vẽ tranh, triển lãm, làm sách), họ cũng không trông chờ vào bảo tàng mỹ thuật để tiêu thụ tranh, cũng không trông chờ vào những đánh giá chính thống để xác định hướng đi. Họ có sự thẩm định của người mua tranh, của họa sĩ đàn anh và bạn bè đồng quan điểm. Chính họ đã góp phần đáng kể sự thay đổi quan trọng trong đời sống hội họa nước nhà. Nhưng đấy cũng chỉ là sự liên kết chuyên ngành thông thường, nó chỉ có ý nghĩa của một sự mở đầu cho một lĩnh vực nào đó, giống như các nhóm nhạc Myosotis, Triceá, Đồng Vọng cho Tân nhạc, nhóm văn Tự Lực Văn Đoàn cho văn xuôi hiện đại, thời tiền chiến (thập niên 30-40 thế kỷ trước). Đời sống của một người vẽ tranh, làm nhạc, viết văn hiện thời không chỉ có nhạc, có tranh, có văn. Sự kết nối của nó không chỉ có nghĩa là dân nhạc, dân họa, dân văn với nhau. Đời sống của trí thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng vậy. Không có kết nối đa ngành, không trao đổi bồi bổ, cập nhật kiến thức trong phạm vi rộng của tri thức và văn hóa không thể có chuyên sâu và tính độc lập trong sáng tạo. Thiếu những gợi ý bất ngờ, sự phê phán khách quan và sự lan truyền cảm hứng của những người tuy khác nghề nhưng cùng đẳng cấp là thiếu hẳn sự hỗ trợ cần thiết để nảy sinh và thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Tôi làm việc với nhiều anh em trẻ trong lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp, sau buổi trình diễn, hoặc các buổi thu âm thường cà phê cà pháo với nhau, lúc rảnh rủ nhau đi đến các quán bar và vũ trường. Một cuộc sống khép kín trong nghề từ việc làm nghề, cập nhật kiến thức nghề, giải trí hưởng thụ cả đến chuyện kết bạn, yêu đương. Họ có thể giỏi nghề, trở nên sành sỏi trong khu vực hoạt động của mình (anh nhạc nhẹ thì rất sành nhạc nhẹ, anh nhạc cổ điển thì rất sành cổ điển) có “phẩm chất chuyên gia” nhưng thiếu hẳn “phẩm chất trí thức” nên “làm thuê” thì khỏe mà độc lập sáng tạo thì… yếu xìu. Nguyễn Tường Huy - nhiếp ảnh gia, Hoàng Cúc Phương - nhà thiết kế, Nguyễn Mạnh Duy Linh - nhà soạn nhạc (từ trái qua) Giờ không phải là thời kỳ hình thành tân nhạc, hình thành văn xuôi và thơ mới với mặt bằng văn hóa thuận lợi cho sự nảy nở và nhô lên của thập niên 30-40 thế kỷ trước nữa rồi. Sau lưng các bạn trẻ đã là những thành tựu, những ngọn núi đã được tạo thành, muốn khẳng định mình thì phải là những thành tựu mới, vươn lên thành những đỉnh cao mới, không đòi hỏi phải giá trị hơn, tiến bộ hơn nhưng phải khác. Với thời đại “chuyên gia lấn át trí thức”, máy móc kỹ thuật đang “sáng tạo” thay con người thì đây quả là một thách thức thật sự. Nhiều người thuộc lứa tuổi tôi tỏ ra bi quan: Bọn nó rồi cũng trở thành “kẻ làm thuê ăn lương cao” mà thôi. Viễn cảnh đất nước của những người làm thuê, sản xuất gia công là nỗi ám ảnh có thật. Nhưng tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy. Vài năm gần đây được tiếp xúc với các bạn trẻ đi du học hoặc làm việc ở nước ngoài trở về đã cho tôi một cách nhìn khác. Làm Cà Phê Thứ Bảy hơn một năm nay, trong các sinh hoạt trí thức mỗi sáng thứ Bảy, tôi nhận thấy các bạn trí thức trẻ đến tham dự ngày một đông. Số bạn đăng ký làm thẻ đã ngang bằng số thành viên cố định, một kết quả vượt ngoài dự tính. Và tôi đã tìm ra ở đây những nhân vật của mình. Họ là tuổi trẻ của bọn tôi, nhưng được đào tạo cơ bản hơn, tự tin hơn và chuyên nghiệp hơn. Họ được trang bị những phương tiện làm việc tối tân và có kỹ năng hiện đại. Những con người ấy mà kết nối với nhau để phát triển những dự án sáng tạo đa lĩnh vực trong thực tế thì còn gì bằng. Và Cà Phê Thứ Bảy, cái góc bé tí tẹo trong đời sống văn hóa của đất nước này đã hình thành một nhóm kiểu mới, không phải kiểu Myosotis của ông Dương Thiệu Tước thời Tân Nhạc, cũng không phải kiểu Gangs of five thập niên 80 thế kỷ trước của năm anh chàng họa sĩ trẻ Hà Nội mà là Gangs of nine năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ này. Chín người gồm họa sĩ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh, nhạc sĩ, đạo diễn điện ảnh, người làm marketing trẻ tuổi của TP.HCM, một tập hợp đa ngành đầu tiên ở Việt Nam. Gangs of nine có cái tên khởi thủy do tôi gợi ý là nhóm Ý tưởng mới nhưng các bạn trẻ trong nhóm lại khắt khe hơn vì họ nhận thấy những ý tưởng sẽ được đề cập chưa hẳn đã là mới, chỉ tưởng là nó mới thôi. Vấn đề quan trọng hơn là làm sao đưa những ý tưởng này vào hoạt động thực tế, tạo cảm hứng và hỗ trợ nhau để tạo nên hiệu quả công việc thật sự. Do đó nhóm thống nhất đổi tên thành nhóm TYM (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Transfer Your Motivation - biến động lực thành kết quả công việc, biến ý tưởng thành hiện thực). Có vẻ ít mơ mộng hơn, nhưng đúng là suy nghĩ của những người tử tế, biết mình là ai, biết cái chỗ của mình là ở đâu. Và sự sáng tạo nếu có chỉ có thể ở những con người như thế này. Tạ Minh Trãi - nhà thiết kế, Phan Vũ Linh - họa sĩ minh họa sách, Phan Gia Nhật Linh - đạo diễn phim (từ trái qua) Mỗi chiều Chủ nhật, lúc 14h30 tại quán Cà Phê Thứ Bảy (37 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM), bạn sẽ thấy đông nghẹt các trí thức trẻ ở các lĩnh vực chẳng giống nhau, họ đang vây quanh TYM của họ đấy, nhóm chủ trì sinh hoạt cà phê độc nhất vô nhị ở Việt Nam: Cà phê ý tưởng mới, để nghe nhau, để phản biện, để chia sẻ, lây lan cảm hứng về những “ý tưởng mới” trong các lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng như thiết kế chữ trong in ấn sách báo, trang trí nội thất, minh họa sách bằng kỹ thuật số; trong lĩnh vực điện ảnh nghệ thuật, phim ngắn, lĩnh vực nhạc cổ điển đương đại, nhạc nhẹ đương đại, lĩnh vực quảng cáo và nhiếp ảnh thời trang... Ở đây tay rocker nghe anh cổ điển đương đại, anh cổ điển đương đại phản biện cô thiết kế chữ, cô thiết kế chữ chia sẻ với anh làm phim ngắn..., một sự kết nối thú vị mà chín nhân vật của tôi gọi là “cuộc chơi”, một từ trước đây tôi rất dị ứng (làm thật mà cũng chẳng ăn ai, còn chơi cái nỗi gì) còn bây giờ, với họ thì không. “Chơi” là không nghiêm trọng hóa vấn đề, thật thiết thực để ý tưởng có thể chuyển thành kết quả trong thực tế, là ứng xử thoải mái trong tranh luận, là vui vẻ tôn trọng mọi khác biệt trong phản biện. “Chơi”, bởi sự vào cuộc bằng say mê, bằng cái khoáng đạt của những suy nghĩ vượt khuôn. “Chơi” là một chút “điên điên” của sự phấn khích, của hứng khởi mà niềm vui sáng tạo mang lại. “Chơi ra chơi, chơi tới bến”, chơi thế đâu có chỗ cho sự hời hợt. Ba cuộc đầu tiên mà tôi tham dự cho cảm giác ấy. TYM chính là cuộc chơi của những tay chuyên nghiệp. Cà phê đêm Giao thừa giúp tôi tỉnh táo với ý nghĩ rằng mùa để nảy nở hạt mầm sáng tạo không thể là mùa đông. Vậy mà trong u ám giá lạnh của lạm phát kinh tế, của xuống cấp văn hóa mùa đông này tôi vẫn nhìn thấy hạt mầm TYM nhỏ xíu đang nhú. Có TYM nhỏ sẽ có TYM lớn. Có TYM này sẽ có TYM khác. Có TYM khác rồi sẽ có những TYM khác nữa, cái nảy nở tự nhiên của phát triển. Có phải TYM dù đang trong bóng tối đêm Đông vẫn giúp ta biết mùa xuân sắp đến, cái mùa ấm áp, mùa sạch (chữ của anh Trần Dần), mùa vui. Có phải thế không? Dương Thụ

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20110129061358972t0/ca-phe-dem-giao-thua.htm