Cà phê, cao su vẫn duy trì giá cao trong tháng 2/2024

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, trong tháng 2/2024, giá cà phê Robusta nói chung và giá cà phê tại thị trường nội địa vẫn tiếp tục duy trì ở vùng giá cao. Bởi vì cho đến nay căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến nguồn cung tại các nước nhập vẫn đang thiếu hụt cục bộ. Còn đối với mặt hàng cao su, nhu cầu có thể vẫn tốt nhưng khó hình thành một chu kỳ tăng giá đột biến.

Giá cà phê trung bình tháng 1 năm nay đang cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TL

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả cà phê, cao su trong nước và thế giới tháng 1/2024?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Tôi cho rằng thị trường cà

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

phê đã trải qua tháng đầu tiên của năm 2024 với những cột mốc kỷ lục đáng nhớ. Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại Sở Giao dịch Liên lục địa Châu Âu (ICE-EU) đã bứt tốc ngay từ những ngày đầu năm 2024 và nhanh chóng xác lập mức giá kỷ lục.

Tính đến hết ngày 30/1, giá Robusta đã lên mức 3.336 USD/tấn, cao nhất trong 30 năm. Mức giá này đã tăng khoảng 500 USD/tấn, tương đương 20% so với cuối năm 2023. Hơn thế, giá cà phê trung bình tháng 1 năm nay đang cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến cùng chiều với Robusta trên thế giới, giá cà phê trong nước cũng liên tiếp xác lập các mức đỉnh lịch sử. Tính đến ngày 31/1, giá cà phê nhân xô được bán ra mức 79.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Mức giá hiện tại đã tăng khoảng 11.000 đồng/kg, tương đương 16% so với cuối năm 2023 và gấp đôi mức giá 40.000 đồng/kg vào tháng 1 năm ngoái.

Nâng cao giá trị gia tăng cà phê Việt

Theo các chuyên gia, giá cà phê hiện nay cộng với cước tàu mới đang chênh lệch cao với kế hoạch mua hàng của các nhà rang xay. Tuy nhiên, năm 2024, ngành cà phê Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Với cao su, giá mặt hàng này vẫn có sự phân hóa giữa Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka (OSE) tại Nhật Bản và sàn Thượng Hải (SHFE) của Trung Quốc. Tính đến hết ngày 30/1, giá cao su RSS3 trên Sở OSE ở mức 280 Yên/kg, tăng lần lượt 15% và 31% so với cuối năm 2023 và cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giá cao su trên sàn SHFE diễn biến giằng co trong tháng đầu tiên của năm 2024. Trong giai đoạn này, giá cao su trung bình vào khoảng 13.610 NDT/tấn, nhỉnh hơn một chút so với mức 13.430 NDT/tấn vào tháng 12/2023 và 13.340 NDT/tấn vào đầu năm trước.

Tương tự với diễn biến giá cao su tự nhiên tại Thượng Hải, giá mủ cao su tại một số công ty lớn của Việt Nam không có nhiều biến động trong đầu năm 2024, dao động quanh vùng giá 270 - 305 đồng/TSC. Mức giá này gần như không đổi so với cuối năm 2023, tăng nhẹ so với vùng giá cùng kỳ năm trước.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng mạnh trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, nguyên nhân đẩy giá cà phê tăng sốc trong thời gian gần đây xuất phát từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên thị trường.

Ảnh minh họa.

Đầu tiên, xung đột trên Biển Đỏ leo thang từ giữa tháng 12/2023, khiến cho tuyến đường huyết mạch trong vận chuyển cà phê Robusta từ Châu Á sang hai thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới là Mỹ và Châu Âu bị gián đoạn. Điều này đẩy thời gian và chi phí vận chuyển tăng cao, từ đó tạo đà hỗ trợ giá tăng mạnh.

Bên cạnh đó, tồn kho cà phê tại Mỹ và Châu Âu ở mức báo động, làm gia tăng lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung trên thị trường. Theo tôi được biết, tổng lượng cà phê tại các cảng Châu Âu tính cuối năm 2023 còn xấp xỉ 437.060 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2019 và cũng là tháng giảm lượng tồn kho thứ 7 liên tiếp. Đồng thời, lượng tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU đến ngày 30/1 cũng ở mức rất thấp, chỉ còn 28.860 tấn.

Với mặt hàng cao su, mức giá cao được duy trì trong tháng đầu năm 2024 chủ yếu là nhờ nhu cầu nhập khẩu lớn nhất Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao.

Theo dữ liệu chúng tôi có được từ Hải quan Trung Quốc, tháng 12 vừa rồi, nước này đã nhập khẩu 723.000 tấn cao su, tăng 5,5% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2023, quốc gia này nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn cao su, cao hơn 8% so với năm trước. Ngành công nghiệp sản xuất ô tô tăng trưởng tốt đã thúc đẩy nhu cầu về cao su cho hoạt động sản xuất lốp xe và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

PV: Dự báo giá cà phê, cao su trong nước và thế giới tháng 2 sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, trong tháng 2/2024, giá cà phê Robusta nói chung và giá cà phê tại thị trường nội địa vẫn tiếp tục duy trì ở vùng giá cao. Bởi vì cho đến nay căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến nguồn cung tại các nước nhập vẫn đang thiếu hụt cục bộ, đặc biệt khi lượng cà phê đang lưu trữ rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Bên cạnh đó, việc thay đổi tuyến đường vận chuyển cà phê qua mũi Hảo Vọng tránh xa Biển Đỏ hay nhập khẩu Robusta từ Nam Mỹ để bù đắp nguồn thiếu hụt từ Châu Á chưa thực sự là giải pháp hoàn hảo. Hơn nữa, dù có tìm được nguồn cung thay thế từ Nam Mỹ cũng khó có thể bù đắp hoàn toàn khoảng trống từ Châu Á. Cho nên, mới đây giới chuyên gia mới lo ngại khả năng lượng xuất cà phê của các nước Châu Á sẽ giảm đến 36% trong quý I/2024.

Đối với thị trường cao su, tôi cho rằng xu hướng giá mặt hàng này trong tháng 2/2024 sẽ không nhiều thay đổi. Sự bật tăng khó xảy ra khi ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm hơn so với năm 2023. Như vậy, nhu cầu cao su có thể vẫn tốt nhưng khó hình thành một chu kỳ tăng giá đột biến.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-phe-cao-su-van-duy-tri-gia-cao-trong-thang-22024-144700-144700.html