Ca nhiễm biến chủng Omicron ở Hong Kong khiến cả châu Á lo ngại

Hong Kong phát hiện 2 ca nhiễm biến chủng Omicron giữa lúc hòn đảo chuẩn bị dỡ bỏ các quy định cách ly khi di chuyển với Trung Quốc đại lục, theo Nikkei Asia.

Giới chức y tế Hong Kong đã phát hiện 2 người đang cách ly tại khách sạn sân bay Regal mắc biến chủng B.1.1.529 mới - được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron và xếp vào danh sách "đáng lo ngại".

Nam Phi được cho là nước đầu tiên phát hiện ca nhiễm biến chủng mới có nguy cơ lan truyền mạnh hơn cả biến chủng Delta này.

Ngoài Hong Kong, những nơi khác trên thế giới đã xác nhận ca nhiễm biến chủng Omicron gồm có Botswana, Israel, Bỉ và Anh.

Các nhà khoa học cho biết Omicron là biến chủng mang nhiều đột biến nhất cho tới nay. Theo kết quả nghiên cứu, biến chủng này có hơn 50 đột biến, trong đó 32 đột biến nằm ở tế bào protein gai, loại protein cho phép virus bám vào các tế bào của cơ thể.

Chính quyền Hong Kong cho biết thành phố này đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

"Các đột biến có thể cho phép virus chống lại kháng thể của những người từng mắc Covid-19 hoặc những trường hợp đã được tiêm vaccine", nhà dịch tễ học Ben Cowling tại Đại học Hong Kong cho biết.

Ông Cowling cũng bổ sung rằng thời điểm hiện tại là quá sớm để đánh giá về khả năng lây truyền của biến chủng này.

Theo South China Morning Post, bệnh nhân đầu tiên ở Hong Kong được phát hiện nhiễm biến chủng Omicron là một người đàn ông 36 tuổi đến từ Nam Phi vào hôm 11/11.

Người này cách ly tại khách sạn sân bay Regal và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 15/11.

Một vị khách 62 tuổi - đến từ Canada - ở phòng đối diện với bệnh nhân trên - cũng xét nghiệm dương tính 5 ngày sau đó.

Trước khi việc nhiễm biến chủng mới được xác nhận hôm 25/11, trường hợp bệnh nhân 36 tuổi nói trên đã gây chú ý trên truyền thông liên quan tới chiếc khẩu trang có van khí được người này sử dụng nhiều lần khi nhận đồ ăn và đổ rác.

Van khí của loại khẩu trang nói trên chỉ có tác dụng lọc khí đi vào chứ không lọc khí đi ra. Chuyên gia sinh vật học hàng đầu Hong Kong Yuen Kwok-yung gọi loại khẩu trang đó là “ích kỷ”.

Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe (CHP) Hong Kong sau đó đã thông báo những người ở trong bất kỳ khách sạn nào được chỉ định làm nơi cách ly của thành phố không còn được phép đeo khẩu trang có van khí kể từ ngày 25/11. Thay vào đó, mọi người phải đeo khẩu trang y tế khi mở cửa phòng để lấy đồ ăn và đổ rác.

Thông tin về ca nhiễm biến chủng mới được đưa ra giữa lúc Hong Kong đang chuẩn bị mở lại biên giới sau 18 tháng với thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đại lục. Theo chính quyền Trung Quốc, Hong Kong sẽ áp dụng các quy định về y tế và truy vết tương tự với phần còn lại của đất nước.

"Kế hoạch mở cửa của Hong Kong sẽ không bị ảnh hưởng miễn là thành phố ngăn chặn được các ca lây nhiễm biến chủng mới trong cộng đồng", giáo sư David Hui, cố vấn của chính quyền về Covid-19 cho biết.

WHO kêu gọi Đông Nam Á cảnh giác với biến chủng mới

Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO Poonam Khetrapal Singh ngày 27/11 kêu gọi các quốc gia khu vực này cảnh giác, tăng cường biện pháp y tế và xã hội, cũng như tăng tỷ lệ tiêm vaccine trong bối cảnh biến chủng mới xuất hiện, theo trang web của WHO.

Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh nói rằng các nước Đông Nam Á nên đánh giá rủi ro virus ngoại nhập thông qua khách quốc tế và thực hiện các biện pháp phù hợp để đối phó biến chủng Omicron.

Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO. Ảnh: WHO.

"Mặc dù số ca mắc Covid-19 đã giảm ở hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tình trạng gia tăng ca nhiễm ở những nơi khác trên thế giới cùng sự xuất hiện "biến chủng mới đáng lo ngại" là lời nhắc nhở nguy cơ vẫn tồn tại và chúng ta cần tiếp tục nỗ lực hết mình để bảo vệ bản thân, ngăn chặn sự lây lan của virus", bà Khetrapal Singh nói.

"Chúng ta không được hạ thấp cảnh giác", bà nhấn mạnh.

Nhiều nước Đông Nam Á đã hạn chế người đến từ một số quốc gia châu Phi do lo ngại biến chủng Omicron có thể gây ra làn sóng Covid-19 mới.

Thái Lan hôm 27/11 thông báo cấm nhập cảnh từ ngày 1/12 với người từ 8 nước châu Phi có nguy cơ cao lây nhiễm biến chủng Omicron, gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Nam Phi.

Malaysia cũng siết đi lại với một số nước châu Phi từ 27/11. Người dân không được xuất cảnh sang 7 nước gồm Nam Phi, Botswana, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.

Một ngày trước đó, Philippines và Singapore cũng thông báo hạn chế đi lại với 7 nước châu Phi nói trên. Lệnh cấm nhập cảnh và quá cảnh của Singapore có hiệu lực từ 23h59 ngày 27/11, trong khi Philppines áp dụng từ 26/11 đến 15/12.

Nhiều nước châu Á khác bao gồm Nhật Bản và Ấn Độ cũng nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn biến chủng mới.

Chính phủ Ấn Độ khuyến cáo các bang xét nghiệm và sàng lọc những người đến từ Nam Phi và các quốc gia “có nguy cơ cao” khác.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu tuyên bố với báo giới rằng nước này "đang cảnh giác ở mức độ cao nhất”.

Châu Âu căng thẳng

Trong khi WHO đưa Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại hôm 26/11, tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng cần có thêm các nghiên cứu để xác định liệu biến chủng có gây lây nhiễm nhiều hơn, hay gây bệnh nặng hơn, hoặc có thể vô hiệu hóa vaccine hay không.

WHO kêu gọi một cách tiếp cận “khoa học, không vội vã và dựa trên nguy cơ” trong áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, bất chấp việc số ca lây nhiễm thấp và thông tin về khả năng lây lan của biến chủng B.1.1.529 vẫn còn hạn chế, nhiều quốc gia vẫn đồng loạt áp dụng biện pháp hạn chế nhập cảnh do lo ngại rằng biến chủng này có thể kháng lại tác dụng của vaccine.

Các cơ quan y tế của Liên minh châu Âu (EU) cho biết châu lục này chịu nguy cơ "cao đến rất cao" trước biến chủng mới.

Khoảng 600 hành khách từ Nam Phi tới sân bay Schiphol, Amsterdam trên hai chuyến bay của hãng KML hôm 26/11, đã bị giữ trên máy bay suốt 4 giờ và phải xét nghiệm Covid-19 do giới chức trách lo ngại biến chủng Omicron. Đây là những hành khách đã lên đường trước khi Hà Lan phát lệnh cấm toàn bộ chuyến bay từ các quốc gia phía nam châu Phi.

Sau khi phát hiện 61 hành khách dương tính với SARS-CoV-2, cơ quan y tế Hà Lan nhanh chóng hành động để xác định sớm nhất có thể xem liệu có ca nào nhiễm biến chủng mới đáng lo ngại hay không.

Hành khách từ Nam Phi xếp hàng xét nghiệm Covid-19 hôm 26/11 sau khi bị giữ lại trên đường băng ở sân bay Schiphol, Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: Reuters.

Tất cả hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính phải ở trong khu cách ly tại khách sạn 7 ngày nếu xuất hiện triệu chứng và 5 ngày nếu không có triệu chứng. 531 người có kết quả âm tính được phép tiếp tục hành trình hoặc cách ly tại nhà nếu ở lại Hà Lan.

Người phát ngôn cơ quan y tế vùng Kennemerland, nơi giám sát sân bay Schiphol, cho biết các ca dương tính đang trong quá trình được phân tích tại một bệnh viện để xác định liệu có phải chủng mới.

Các nước châu Âu khác như Anh, Áo, Czech, Đan Mạch, Đức, Italy, Tây Ban Nha cũng đã có các biện pháp siết chặt nhập cảnh tương tự Hà Lan vì lo ngại biến chủng mới, theo Reuters.

Mỹ, Australia, Nga, Brazil, Israel, Ai Cập… cũng công bố hoặc đề xuất lệnh cấm bay từ các nước khu vực phía nam châu Phi.

Nam Phi "bức xúc" vì phản ứng của các nước

Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm 27/11 bày tỏ bức xúc với lệnh cấm bay của nhiều nước trên thế giới, cho rằng nước này đang bị “trừng phạt” vì phát hiện biến chủng mới được WHO xác định là “đáng lo ngại” và lây truyền mạnh hơn biến chủng Delta.

Việc một số quốc gia trên thế giới quyết định cấm các chuyến bay từ phía nam châu Phi sau khi biến chủng mới được phát hiện "giống như trừng phạt Nam Phi vì công nghệ giải trình tự gene tiến bộ và khả năng phát hiện các biến chủng mới nhanh hơn”, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết.

Bộ này chỉ ra rằng các ca nhiễm biến chủng mới cũng được phát hiện các các nơi khác trên thế giới.

“Nhiều trường hợp không có liên hệ gần đây với Nam Phi nhưng phản ứng với các nước đó hoàn toàn khác với các trường hợp ở phía nam châu Phi”, tuyên bố nêu rõ.

Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 ở châu Phi. Ảnh: Bloomberg.

Chính phủ Nam Phi nhấn mạnh rằng "năng lực thử nghiệm và chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh của nước này, với sự hỗ trợ của cộng đồng khoa học uy tín thế giới cho thấy Nam Phi cũng đang xử lý đại dịch tốt như các đối tác khác trên thế giới”.

Với hơn 2,95 triệu ca nhiễm, trong đó có 89.783 ca tử vong, Nam Phi là quốc gia bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu Phi.

An Bình

Theo Nikkei Asia, CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-nhiem-bien-chung-omicron-o-hong-kong-khien-ca-chau-a-lo-ngai-post1279916.html