Cà Mau: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Tăng cường việc quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là Tết Nguyên đán đang cận kề đòi hỏi sự chung tay của địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp.

Nhằm góp phần vào việc đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng ngừa sự cố về an toàn thực phẩm cho người dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, UBND tỉnh Cà Mau đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Thị trường - Truyền thông Quốc tế (IMRIC) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, với sự đồng phối hợp của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau và các Sở ngành trong tỉnh nên tọa đàm đã thu hút gần 100 đại biểu tham dự.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh minh họa

Theo TS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện IMRIC, cơ chế thị trường tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm nhưng vì lợi nhuận, một bộ phận không nhỏ người kinh doanh cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường.

Điển hình, là sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như: kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm khó khăn hơn.Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới, cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương.

Trước hết, về hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp về thu hồi, giám sát và xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm có khuyết tật lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó, Luật đã phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP cho ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương theo nguyên tắc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm với từng nhóm thực phẩm, ngành hàng cụ thể.

Đặc biệt, Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP có hiệu lực ngay từ ngày ký, đã trở thành cuộc “cách mạng” trong quản lý ATTP, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, Bộ Y tế, cùng nhiều cơ quan liên quan.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các luật sư, luật gia, các doanh nghiệp, các Sở ngành tỉnh Cà Mau đưa ra những kiến nghị cụ thể liên quan đến việc xử phạt các hành vi không tuân thủ pháp luật về ATTP, cụ thể cần tập trung làm rõ trách nhiệm và xử đến cùng các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác, một khi đã xác định là cố tình sai phạm, nguy hiểm, ngay cả khi chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng như chết người, ngộ độc hàng loạt.

Đồng thời, xây dựng, đề xuất các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế để đẩy mạnh công tác phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường.

Đây cũng là dịp các cơ sở được trao đổi trực tiếp cùng các lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh Cà Mau và Trung ương, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn mà cơ sở gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Xuân Thành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/ca-mau-dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-dip-tet-nguyen-dan-d201489.html