Ca khúc hay về miền núi-món nợ ân tình chưa trả!

Nhìn lại hơn 60 năm hình thành và phát triển nền ca khúc cách mạng của Việt Nam, rất dễ thấy những bài hát viết về cảnh sắc con người ở miền núi rừng chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Thấm đậm hoặc thoáng hiện các chất liệu dân ca nhiều dân tộc ở Tây Bắc-Việt Bắc-Tây Nguyên, nhiều trong số các bài ca ấy đã vượt thời gian thành "điểm nhớ" của không ít thế hệ.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp đã ra đời những ca khúc nổi tiếng như: "Bắc Sơn" của NS Văn Cao-một khúc tráng ca về một cuộc khởi nghĩa, rồi "Qua miền Tây Bắc" bừng bừng nhịp hành khúc của NS Nguyễn Thành. Và nữa, là "Em bé Mường La" của NS Trần Khắc Xương sâu sắc đồng cảm với tuổi thơ khổ cực vì quê hương bị giặc tàn phá, cạnh đó là "chị Mai đi chợ" của NS Nguyễn Đức Toàn lại đầy nét thanh bình của vùng vừa giải phóng. Như là 2 đại diện xuất sắc nhất ở mảng đề tài này trong các năm đó, "Trường ca sông Lô" và "Du kích sông Thao" được các NS Văn Cao-Đỗ Nhuận viết tại chiến khu Việt Bắc đã và mãi là "ngọc sáng" của ca khúc Việt Nam. Sau 1954, miền núi càng xuất hiện nhiều hơn trong ca khúc đương đại. Ghi dấu ấn đầu tiên của thời kỳ này, là "Tình ca Tây Bắc" do NS Bùi Đức Hạnh phổ thơ Cẩm Giang dạt dào tình cảm lứa đôi trong sáng. Rồi "Trên đường ta đi tới" của NS Bửu Huyền với câu hát mở đầu: "Anh đi khai phá miền Tây rừng núi bao la bừng giấc say…" cuốn hút nhiều nghìn người lên nơi ấỵ Hòa mạch nhịp điệu đó, là "Bài ca người thợ rừng" của NS Phạm Tuyên rộn rã âm thanh lao động. Từ tâm thế ấy, người miền núi lập tức quật cường đứng lên cầm vũ khí khi chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ lan tới. Và cuộc chiến đấu đó được những "Nổi trống lên, rừng núi ơi" của NS Hoàng Văn-"Người Châu Yên em bắn máy bay" của NS Trọng Loan, cùng "Bài ca người săn máy bay" của NS Văn Lưu với "… người đi săn không săn chim chóc trong rừng mà đang săn bao chim sắt trên trời…" ghi lại rất sống động cuộc sống, chiến đấu của đồng bào. Cùng thời điểm này, ở miền Trung và Tây Nguyên hùng vĩ vững vàng trên tuyến đầu trực tiếp chiến đấu, những "Cô gái vót chông" của NS Hoàng Hiệp-"Tiếng đàn ta-lư" của NS Huy Thục-"Ca ngợi anh hùng Núp" của NS Trần Quý v.v.. góp thêm đầy đặn chân dung các vùng cao thời chiến trận. Đất nước thống nhất, những miền núi rừng càng rộn ràng đi lên cùng cả nước xây dựng CNXH, càng được nhiều NS thâm nhập để thể hiện trong nhiều giai điệu mượt mà. Một "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi" của NS Văn Ký thắm niềm cảm phục những người đem chữ cho sáng các bản làng. Một "Tình ca Tây Nguyên" của NS Hoàng Vân rất bề thế mà vẫn sâu lắng. Và "Trăng sáng trên rừng quế" của NS Trọng Loan-"Hà Giang quê tôi" của NS Thanh Phúc-"Em chọn lối này" của NS An Thuyên v.v.. là những ca khúc sớm được nhiều người nhập tâm. Chỉ riêng năm 1980, đã thêm "Gửi em ở cuối sông Hồng" do NS Thuận Yến phổ thơ Dương Soái, và "Sa Pa thành phố trong sương" của NS Vĩnh Cát góp sáng thêm một tình cảm cội nguồn. Nhưng từ đó đến nay, ngoài "Hát về anh, người chiến sĩ biên cương" của NS Thế Hiển viết năm 1987, thật khó kể thêm các ca khúc viết về miền núi được đông đảo công chúng biết đến. Trong khi, rất nhiều nơi trong các vùng sâu vùng xa heo hút ấy đã-đang nhanh chuyển mình theo các chương trình 135-134, các dự án kinh tế-xã hội, lại thưa vắng sự "chuyển mình" ấy ở ca khúc. Một ví dụ: khi công trường thủy điện Trị An vừa khởi công vào năm 1983 thì đã rất nhanh có "Trị An âm vang mùa xuân" của NS Tôn Thất Lập, mà thủy điện Sơn La lớn nhất từ trước đến nay đã hơn 3 năm xây dựng mà vẫn chưa nét nhạc-lời ca nào được từ đó lan tỏa rộng rãi. Ngược lại, dường như bây giờ ngày nào cũng có thêm vài ca khúc mới trình bày, với những tên bài như "Cứ ngủ say" - "Mẹ ơi chuông điện thoại kìa" v.v.. của các NS trẻ rất ít vào lòng người. Miền núi đang đợi thêm những ca khúc đỉnh cao, hay, chí ít thì cũng là các "ca khúc cho mọi người cùng hát". Đó vừa là đòi hỏi của thực tế, vừa như "món nợ ân tình" mà mỗi người sáng tác nhạc-họa-thơ-văn v.v.. ai cũng mang và cần "trả" xứng đáng.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/65/65/84661/Default.aspx