Cả gia đình làm gián điệp

Tên vị đại tá đã tố giác các điệp viên Nga cho Mỹ được hãng tin Rosbalt xác định là Alexander Poteyev, cựu phó thủ trưởng phân nhánh S của Cục Tình báo nước ngoài Nga (SVR).

Những người quen biết Poteyev cho biết, thoạt tiên, người Mỹ đã tranh thủ được con gái của ông ta, cô này từng làm việc tại một tổ chức quốc tế. Bản thân vị đại tá này bắt đầu hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây sau khi một nhóm kẻ lạ mặt đeo mặt nạ tấn công gia đình ông ta. Con trai của đại tá Poteyev cũng đã cung cấp cho Mỹ thông tin mật. Anh ta đã từng làm việc cho công ty xuất khẩu vũ khí của Nga. Lên như diều gặp gió Alexander Nikolayevich Poteyev sinh ngày 7-3-1952 ở vùng Brestsk, nước Cộng hòa Belarus. Sau một thời gian phục vụ trong quân đội, Poteyev gia nhập cơ quan tình báo KGB của Liên Xô. Thập niên 1970, Poteyev làm quen với Marina, lớn hơn anh một tuổi, và họ kết hôn. Chẳng bao lâu sau đó, Poteyev được thăng chức và được chuyển lên bộ máy KGB của nước cộng hòa. Khi ấy, Poteyev và vợ cư ngụ ở Minsk. Năm 1979, con gái Margarita của họ ra đời. Một trong những người quen của Poteyev kể: “Alexander là một nhân viên mẫn cán. Anh ta luôn dễ dàng tìm được tiếng nói chung với thủ trưởng. Vì thế, sự nghiệp của anh ta lên nhanh như diều gặp gió”. Vào thập niên 1980, Poteyev được phong chức trong bộ máy trung ương của KGB Liên Xô và đã cùng gia đình chuyển đến Moscow. Ở cương vị mới, Poteyev chịu trách nhiệm về hoạt động của các điệp viên bất hợp pháp. Năm 1982, gia đình Poteyev lại có thêm một thành viên mới là cậu con trai Vladimir. Alexander Poteyev (hàng đứng, thứ ba từ trái sang) và các đồng đội trong nhóm đặc vụ Zenit của KGB Liên Xô (ảnh chụp năm 1979). Ảnh: KOMMERSANT Thập niên 1990, Poteyev hoạt động ở một số quốc gia (trong đó có Mỹ) dưới vỏ bọc là nhân viên một trong các vụ của Bộ Ngoại giao Nga. Năm 2000, Poteyev được đề bạt là phó thủ trưởng phân nhánh S. Từ năm 2001, ông được các đồng nghiệp chú ý. Lúc đó, Margarita đang học tại Trường Đại học Quốc tế ở Moscow (thành lập năm 1991 theo quyết định của hai vị tổng thống Nga-Mỹ lúc đó là Mikhail Gorbachev và George Bush) thì bất ngờ nhận được lời mời làm việc cho cơ quan đại diện của tổ chức “Những lời khuyên của Mỹ về giáo dục quốc tế”. Chỉ sau một năm tập sự, cô đã được đề nghị làm việc ở Mỹ. Người Mỹ chiêu mộ Như vậy, có cơ sở để nhận định rằng thoạt đầu, các cơ quan tình báo Mỹ đã chiêu mộ Margarita. Có thể người Mỹ đã bắt đầu để mắt đến Poteyev từ khi ông còn hoạt động ở Mỹ. Theo đó, người Mỹ đã đan một mạng lưới chung quanh Poteyev và thời điểm bước ngoặt là những sự kiện xảy ra năm 2003. Vào buổi sáng hôm đó, Marina Poteyeva gọi điện cho cảnh sát báo rằng căn hộ của gia đình bà bị tấn công. Gia đình Poteyev kể rằng vào lúc gần 7 giờ sáng, có vài người lạ mặt tự xưng là cảnh sát gọi cửa. Sau đó, hai người đàn ông đeo mặt nạ đen xông vào. Cả hai đều lăm lăm trên tay khẩu súng ngắn. Họ đánh Alexander Poteyev và con trai Vladimir (khi đó đang học năm thứ tư Trường Đại học Quốc tế), trói hai cha con lại và bắt đầu lục soát các căn phòng. Bọn họ lấy đi 3.300 USD và 30.000 rúp, rồi tẩu thoát. Theo hãng tin Rosbalt, vụ tấn công này là một trong những giai đoạn chiêu mộ Alexander Poteyev. Bằng cách đó, người Mỹ đã có thể cho nhân viên Cục Tình báo nước ngoài (SVR) này thấy rằng ở đất nước của mình, Poteyev đã không được bảo vệ trước bọn cướp bình thường, dù ông ta có một chức vụ cao. Vụ cướp tại căn hộ của Poteyev là khởi đầu cho những cuộc đột nhập tương tự nhắm vào các nhân viên SVR. Trong vòng 2 năm, có bảy gia đình của các nhân viên cao cấp thuộc SVR bị tấn công theo cách tương tự, trong đó có một đại tá. Khi ấy, người ta chỉ cho rằng các vụ tấn công đó không liên quan đến nhau, các nhân viên tình báo là nạn nhân của bọn tội phạm bình thường. Thế nhưng đến giờ, những sự kiện đó đã được đánh giá với một quan điểm khác. Sau khi bị cướp, Alexander Poteyev đã đưa vợ đến sống ở Mỹ, nơi cô con gái Margarita đã sinh sống nhiều năm. Chính vào thời điểm đó, Poteyev bắt đầu tích cực cộng tác với các cơ quan tình báo Mỹ, chuyển cho họ thông tin mật, trong đó có thông tin về các điệp viên bất hợp pháp đang hoạt động. Thêm vào đó, cả con trai của Poteyev cũng hoàn toàn có thể làm việc cho các cơ quan tình báo phương Tây. Năm 2005, với sự bảo trợ của cha, Vladimir Poteyev được thu xếp vào làm việc tại Rosoboronexport - tập đoàn xuất nhập khẩu sản phẩm, công nghệ phục vụ cho quốc phòng. Nhận được thông tin từ vị đại tá Poteyev, người Mỹ đã theo dõi các điệp viên Nga đang hoạt động ở Mỹ. Họ cũng gần như ngay lập tức nhận biết tất cả các điệp viên bất hợp pháp khác. Nhờ vào việc cung cấp thông tin như vậy, Poteyev đã có được một số căn hộ ở Mỹ và trong tài khoản của ông ta có một số tiền khổng lồ. Năm 2010, các cơ quan tình báo Nga mới vỡ lẽ rằng trong hàng ngũ của họ có một nội gián chức vụ cao. Thế nhưng, họ đã không trừ khử hoặc bắt được người này. SVR đã chuẩn bị việc kiểm tra các nhân viên phân nhánh S bằng máy dò nói dối để có thể vạch mặt kẻ phản bội. Alexander Poteyev biết được điều đó nên đã kịp thời đưa con trai đi Mỹ. Sau đó, mấy ngày trước chuyến công du Mỹ của Tổng thống Dmitry Medvedev vào tháng 6-2010, chính Poteyev cũng bỏ trốn. Nga đã khởi tố vụ án hình sự đối với Alexander Poteyev về tội làm gián điệp. (Theo CAND)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=9&newsid=208529