Cá chết hàng loạt tại Lào Cai: Nước đục như nước gạo

Chỉ sau 4h lấy nước từ mương vào trong ao, hàng tấn cá của nhiều hộ gia đình thôn Tân Lợi đã chết trắng trên mặt nước.

Nước đục như nước gạo, rất ngứa

Ngày 17/3, báo VnExpress có đưa tin, ngày 16/3, vài giờ sau khi cho nước vào ao nuôi cá, ông Vũ Văn Bé, thôn Tân Lợi, xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai) phát hiện cá nổi lên mặt ao và chết dần. Cùng thôn với ông Bé, nhiều hộ khác cũng bị cá chết chưa rõ nguyên nhân.

Các hộ bị cá chết cho biết nguồn nước vào ao lấy từ tuyến mương Trung thủy nông và từ khu vực suối Cù chảy về.

Để tìm hiểu rõ thêm thông tin liên quan đến sự việc, ngày 18/3, Đất Việt đã liên hệ ngay với ông Vũ Văn Bé, hộ dân bị thiệt hại nặng nhất, ông cho biết: "Ngày 16/3, tôi tháo nước từ mương vào ao từ 6h sáng, đến tầm hơn 9h, người hàng xóm của tôi thấy nước trong ao bị đục nên định thay, rồi tháo nước từ mương vào ao, hơn 10h cá trong áo nhà người hàng xóm chết ngay lập tức, nghĩa là sau 1h.

Hàng tấn cá bị chết trắng. Ảnh gia đình nhân vật cung cấp

Còn ao nhà tôi, hơn 1000m2, mấy trăm khối nước, tôi tháo nước vào nên nó chậm hơn, 11h là cá trắm 4-5kg của nhà tôi nhảy tung lên không, rồi chết nổi. Điểm lạ ở đây đó là phần nhớt bên ngoài da đều không còn, như người cho tro bếp vào để làm sạch. Vớt con cá lên thì con nào cũng máu mồm, máu mang đều tuôn ra, cá đang nhảy ngáp ngáp nhưng cái mang của nó trắng bạch ra như bị luộc chín.

Tôi thả cá từ nhỏ, kinh doanh nghề cá nuôi công nghiệp 5 năm nay, kinh nghiệm vô cùng nhiều, cá dịch bệnh thì khác, cá mùi rất tanh, còn cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nhìn rất bình thường chỉ máu mồm là nhiều.

Ngay sau khi phát hiện cá chết, tôi đã chặn đường tháo nước vào ao, cắm sục trực tiếp để cứu vãn, nhưng cá thi nhau nhao lên, rồi nằm ngửa trắng cả mặt ao, trong khi nước sâu hơn 3m. Khi đó, tôi bất ngờ quá, hô hào con cháu, bà con hàng xóm láng giềng đến hỗ trợ tạt nước, nhưng không cứu vãn được gì".

Bên cạnh đó, theo ông Bé, để xem vì sao cá chết như vậy, ông đã lặn xuống bên dưới, nhưng chỉ một lúc người vô cùng xót, mà ngứa kinh khủng. Ao của nhà ông Bé được thả 4000 con cá chép, cá rô phi lai, cá trắm, đến nay đã độ khoảng 1kg/con, còn cá mè thì độ 2-2,5kg/con, đều gần thời gian thu hoạch.

Nếu tính cụ thể cả 2 ngày nay thì số lượng gia đình ông Bé thiệt hại gần 4 tấn cá, không riêng gia đình ông Bé, còn 9 hộ gia đình khác cũng gặp hoàn cảnh trên, nhưng số lượng ít hơn, tính tổng phải 6-7 tấn cá. Các gia đình ngay cạnh nhau, chỉ cách nhau một bức tường, cùng lấy một nguồn nước.

Cá xếp dọc bờ ao. Ảnh gia đình nhân vật cung cấp

"Hiện tại, còn rất nhiều hộ dân ở xã Xuân Giao sống ven bờ mương Trung thủy nông, đều dùng dòng nước này, không riêng gì mấy hộ gia đình chúng tôi, như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng cả nguồn nước ăn.

Màu nước khi tháo vào ao, dần dần nổi váng lên như màu nước gạo, các cây cỏ mọc xung quanh ven mương còn héo quắt đi.

Mà bản thân tôi, thả cá nuôi công nghiệp 5 năm nay, 3 năm trước không xảy ra hiện tượng gì. Năm 2016, ngày 12/5 âm lịch tôi bị một mẻ chết cũng trắng trợn như vậy, toàn cá 5-6kg, cả xã biết chuyện đó, nhưng khi đó, bản thân tôi cũng không nghĩ gì đến nguồn nước. Khi thấy cá chết thì chặn ngăn dòng nước lấy vào, rồi gạn ao, bán cá rô hơn 1 tấn, bán được giá 40.000đ/kg, cá trắm là 25.000đ/kg, lúc đó tôi đã chết cay đắng một lần.

Cho đến khi phát hiện là do nguồn nước thì đã hủy hết tang chứng, vật chứng, đây là năm thứ 2 tôi dính sự việc như vậy, mà cả thôn cũng phụ thuộc vào nguồn nước của mương Trung thủy nông này. Còn ai chả biết, người dân thì chỉ là người trần mắt thịt, biết phân tích gì đâu nên chấp nhận sống chung với lũ.

Chúng tôi được biết, các nhà máy ở khu công nghiệp ở đầu nguồn cứ dựa khi trời mưa thì họ xả ra, màu lờ lờ như nước gạo, hình như có a xít, khi lặn xuống mắt cay xè, không mở được. 2 ngày hôm nay xuống vớt cá để đem đi chôn mà chân tay cứ bợt ra và ngứa kinh khủng", ông Bé chia sẻ thêm.

Cá đều chảy máu mồm, máu mắt. Ảnh gia đình nhân vật cung cấp

Theo thông tin ông Bé nói, con mương trên dẫn nước từ suối Cù, mà đầu nguồn dòng suối có nhà máy đồng, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, nhà máy tuyển quặng (đều nằm trong khu công nghiệp Tằng Loỏng).

Ông tiết lộ thêm thông tin: "Thực tế hôm qua tôi và các ban ngành đã đi vào chụp ảnh về việc đường ống xả thải nhà máy DAP vỡ, đoạn từ ống vỡ chảy ra, cỏ và cây cối xung quanh đều cháy hết như phun thuốc, cua, ốc, cá suối cũng chết nổi lềnh phềnh.

Như vậy, chính xác ngày 17/3, đường ống xả thải của nhà máy DAP đã bị vỡ, bà con, một số người đại diện chính quyền, lãnh đạo môi trường cũng đã vào kiểm tra, chụp ảnh".

Được hỗ trợ tạm thời ngay

Một thông tin đáng quan trọng khác được ông Bé chia sẻ: "Chiều ngày 17/3, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh, lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã đã xuống lập biên bản, lấy mẫu nước về xét nghiệm, nhưng họ nói phải một tuần nữa mới có kết quả. Ngay tại buổi làm việc, các cán bộ cũng thừa nhận cá nhà tôi chết không thể vì dịch bệnh.

Điều lạ ở đây, ngay sáng 18/3, các lãnh đạo trên Sở TN-MT đã về địa phương chi tiền bảo tạm hỗ trợ, riêng gia đình tôi là 90 triệu đồng, tôi cũng nói thẳng nếu chỉ trả giá cá 35.000đ/kg thì thiệt cho người dân và họ hứa đến thứ 5 này họ sẽ hỗ trợ tiếp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ca-chet-hang-loat-tai-lao-cai-nuoc-duc-nhu-nuoc-gao-3331343/