Buýt nhanh thành buýt chậm, Hà Nội vẫn muốn mở thêm?

Nếu đi vào giờ cao điểm, xe buýt nhanh có tốc độ di chuyển gần như không khác gì buýt thường.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông đô thị Hà Nội sau 5 tháng triển khai tuyến buýt nhanh, thời gian bình quân để đi từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa là 45 phút/lượt.

Tuy nhiên, qua trải nghiệm của PV báo Dân trí thì con số này cao hơn nhiều, mất 1 giờ 23 phút. Đặc biệt, nếu đi xe buýt nhanh vào giờ cao điểm thì tốc độ di chuyển gần như không khác gì buýt thường.

Báo này chỉ rõ, nguyên nhân chính làm buýt nhanh bị chậm không khó để nhận ra là do làn đường dành riêng cho BRT đã bị các phương tiện khác lấn làn, chèn ép, khiến buýt nhanh không còn đường để chạy.

Ba chiếc buýt nhanh bị dồn lại trên đoạn đường rất ngắn. Ảnh: Dân trí

Anh Hà Trọng Giang, lái xe buýt nhanh chuyến Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa cho biết: "Vào những giờ cao điểm, trên trục đường Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, người dân tham gia giao thông ý thức rất kém. Hầu như lúc nào cũng xảy ra tình trạng lấn làn BRT.

Điển hình như tối 15/8, vào lúc 19h, tôi bị chậm mất nửa tiếng đồng hồ mới cho xe về bến được. Nói là buýt nhanh nhưng đã bị lấn làn thì cũng thành buýt chậm".

Theo anh Giang, vì là làn đường riêng nên xe thường chạy nhanh. Nhiều khi đang chạy lại có xe máy tạt đầu, anh phải phanh gấp dữ dội, rất nguy hiểm.

Trung tâm Quản lý giao thông đô thị Hà Nội trước đó cũng cho biết, sau 4 tháng hoạt động, sản lượng của buýt nhanh đạt trên 40% công suất. Trung bình, mức bình quân của buýt nhanh đạt 42,4 hành khách/lượt, trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 khách. Tổng mức đầu tư cho 14,7km buýt nhanh là hơn 1.000 tỷ đồng và có làn đường riêng.

Dù buýt nhanh thành... buýt chậm và sản lượng không cao, nhưng đến năm 2030, theo quy hoạch giao thông Hà Nội thì sẽ có thêm 7 tuyến xe buýt nhanh BRT để giải quyết giao thông công cộng của Thủ đô.

Đầu năm 2017, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã đề xuất mở tuyến buýt nhanh số 02 của Transerco lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc.

Vào thời điểm trên, trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở sẽ nghiên cứu thiết kế từng tuyến buýt nhanh, điều kiện về cơ sở hạ tầng và phải căn cứ vào khả năng tài chính được Thành phố phê duyệt từng giai đoạn, mới quyết định triển khai tuyến BRT nào trước.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/buyt-nhanh-thanh-buyt-cham-ha-noi-van-muon-mo-them-3341432/