Bước tiến mới trong cải thiện môi trường đầu tư

Từ tháng 11, Quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 20/2023 của UBND tỉnh chính thức có hiệu lực. Đây chính là nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ông Phan Nam Sách - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mục đích của quy chế là nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước; tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các hội, hiệp hội DN, Văn phòng đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hòa (VCCI Khánh Hòa). Đồng thời, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh để có hướng xử lý hiệu quả, nhanh chóng; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả trong thời gian tới, nhằm hoàn thành các mục tiêu chính trị do các cấp, ngành đề ra.

Trao biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Khánh Hòa với các đối tác Nhật Bản.

Quy chế quy định trách nhiệm, nội dung và cách thức phối hợp giữa các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố; các hội, hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh và VCCI Khánh Hòa trong việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN. Trong quy chế, UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành và địa phương trong phạm vi chuyên môn và trách nhiệm được giao, phối hợp với các hội, hiệp hội DN, VCCI Khánh Hòa để cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư cho DN. Ngoài ra, quy chế xác định Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin, phối hợp với các bên để giải quyết khó khăn cho DN và nhà đầu tư. Đồng thời, quy định cụ thể số lần đối thoại với DN tối thiểu trên năm. Trong đó, UBND tỉnh ít nhất 2 lần/năm; các sở, ngành liên quan đến DN phải tổ chức ít nhất 1 lần/quý.

Lãnh đạo UBND tỉnh nắm bắt tình hình sản xuất tại một doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Suối Dầu.

Bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng đại diện VCCI Khánh Hòa đánh giá, với việc ban hành Quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã thể hiện được sự cầu thị và quyết tâm rất lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Đây thực sự là cách làm rất hay, tăng cường đối thoại giữa DN với chính quyền và các cơ quan, ban, ngành. Qua quy chế, các cơ quan chức năng thể hiện được trách nhiệm với DN và nhà đầu tư. Đặc biệt, nếu quy chế này được thực thi hiệu quả thì đây chính là dấu ấn đậm nét để Khánh Hòa cải thiện chỉ số PCI, tạo ra năng lực cạnh tranh rất lớn với các địa phương khác trên cả nước, nhằm thực hiện thành công các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh. Riêng VCCI Khánh Hòa sẽ phải đầu tư thêm nguồn lực nhằm hoàn thành tốt các phần việc được giao trong quy chế.

Theo quy chế, VCCI Khánh Hòa là đơn vị đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin từ các DN hội viên, các hội, hiệp hội DN để gửi cho các sở, ban, ngành và địa phương kịp thời cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin, VCCI Khánh Hòa phải chuyển nội dung đến các sở, ban, ngành và địa phương để yêu cầu cung cấp thông tin. Các sở, ban, ngành và địa phương sau khi nhận được yêu cầu phải nghiên cứu nội dung, thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định và gửi kết quả xử lý về VCCI Khánh Hòa. Sau đó, VCCI Khánh Hòa là cơ quan tổng hợp, gửi các DN hội viên, các hội, hiệp hội và nhà đầu tư trong thời gian 3 ngày.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202311/buoc-tien-moi-trong-cai-thien-moi-truong-dau-tu-e6210e3/