Bước chuyển điện ảnh Việt

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2016. Ở vào thời điểm này năm trước, những phim Việt đình đám, phim được đầu tư ngân sách khủng chuẩn bị ra rạp lẽ ra đã ít nhiều được nhắc tới. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì chưa. Cuối năm 2015, báo chí từng đồng loạt đưa tin về bốn dự án phim đặt hàng đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt kịch bản (không ai bị lãng quên, Địa đạo, Xã tắc, Ý chí độc lập). Trong đó, riêng Ý chí độc lập dài 19 tập, thời lượng 45 phút/ tập và có tổng kinh phí gần 28,5 tỷ đồng được giao cho Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam sản xuất. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại những dự án ấy vẫn án binh bất động.

Cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Cách đây ít lâu trong tọa đàm Nhìn lại điện ảnh Việt trong năm 2015, các nhà quản lý khẳng định điện ảnh nước nhà đang có những bước chuyển mình. Thậm chí là đến năm 2015, điện ảnh Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu phim sản xuất đến năm 2020.

Tại đây, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết, năm 2016 sẽ không có dự án phim đặt hàng nào khởi động. Bà cho rằng nguyên nhân chính là bởi Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ năm 2007) quy định, phim do Nhà nước đặt hàng phải thông qua hình thức đấu thầu. Nhưng sau thời gian khá dài, Thông tư hướng dẫn đấu thầu vẫn chưa thể hoàn thành.

Còn Vụ Kế hoạch, Tài chính- Bộ Tài chính đã quyết định năm 2016 không chi tiền sản xuất cả phim truyện, tài liệu và hoạt hình.

Dự kiến là năm 2017, Bộ Tài chính cũng sẽ không chi tiền sản xuất phim truyện. Có nghĩa không riêng gì năm 2016 mà cả trong năm 2017 sẽ không có một bộ phim truyện nào được sản xuất bằng tiền vốn do Nhà nước cung cấp.

Thực tế cho thấy đã nhiều năm nay, phim gắn mác “đặt hàng” khó kéo khán giả đến rạp. Năm 2015 cũng chứng kiến hiệu quả không mong muốn của nhiều bộ phim đặt hàng, đều là sản phẩm của các đơn vị làm phim nhà nước như Nhà tiên tri (Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam), Đường xuyên rừng, Mỹ nhân (Công ty TNHH MTV Hãng phim Giải phóng), Trên đỉnh bình yên (Công ty CP Hãng phim truyện I)…

Đây đều là những tác phẩm đầu tư kinh phí lớn và khi ra rạp, đều nhận về doanh thu ít ỏi hoặc phải lấy những giá trị không thể đo đếm chính xác (lượng khán giả xem miễn phí trong các tuần phim kỷ niệm ngày lễ lớn hoặc các buổi chiếu phim lưu động, hiệu quả xã hội, ý nghĩa giáo dục...) làm niềm an ủi.

Đạo diễn - NSƯT Phi Tiến Sơn thẳng thắn: “Một số bộ phim đặt hàng chưa thể xếp vào dòng phim nghệ thuật nhưng cũng chẳng thu hút được khán giả bởi được làm theo cách rất cũ”.

Vì thế cũng thật mừng là cho đến cuối tháng 4/2016 điện ảnh Việt Nam đã có một bước ngoặt quan trọng, khái niệm “hãng phim nhà nước” đã chính thức xóa sổ, khi Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng - hai thương hiệu lớn của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã hoàn tất tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Ở một sân chơi bình đẳng, cơ hội nhận dự án sản xuất phim do nhà nước đặt hàng không còn là đặc ân của riêng ai nữa.

Vậy có nên duy trì dòng phim nhà nước tài trợ, đặt hàng nữa hay không? Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng cho rằng: Nhà nước nên duy trì, nhưng với cách làm khác. Phải đặt chất lượng nghệ thuật, hàm lượng sáng tạo lên hàng đầu. Phim nhà nước bỏ tiền phải là những sản phẩm sang trọng, có thương hiệu chứ không phải là những sản phẩm của quan niệm phục vụ chính trị một cách thô thiển.

Cho dù phim nhà nước còn nhiều bất cập, nhưng thử hình dung không có Nhà nước thì điện ảnh Việt Nam chỉ toàn những phim như Mỹ nhân kế hay Long Ruồi. Nếu vậy kể cũng đáng suy nghĩ vì sao dù mới chiếu trong 2 tuần mà hai bộ phim này đã thu về hàng chục tỷ đồng…

Ông cũng chia sẻ: Có cảm tưởng như Nhà nước cũng không quan tâm mấy đến hiệu quả kinh tế của các phim do mình tài trợ hoặc đặt hàng. Đối với Nhà nước vào những dịp kỷ niệm lớn có phim chiếu sau đó cất kho cũng không sao, miễn hoàn thành nhiệm vụ chính trị là được. Đó là điều bình thường mà cũng là bất bình thường.

Theo TS Ngô Phương Lan, sau thời gian khá dài mà Thông tư hướng dẫn đấu thầu vẫn chưa thể hoàn thành, thì rất có thể sẽ phải chọn một hình thức khác thay thế, trong tương lai gần...

Phim Việt sẽ phải đổi mới, nhưng đổi mới thế nào, ra sao thì đường nét chưa thực sự rõ ràng. Sau hiện tượng phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhiều người cho rằng để thành công cần sự phối hợp ăn ý giữa phim nhà nước và tư nhân. Nhưng đó chỉ là một kinh nghiệm, một hướng đi chứ không phải là phương thức duy nhất để dẫn đến thành công của điện ảnh Việt. Chỉ biết rằng năm 2016, thông tin về việc nhà nước không rót kinh phí làm phim được thông tin sớm để các hãng không phải ngồi “hóng” – âu cũng là một bước chuyển.

Minh Quang

Từ khóa

điện ảnh phim việt báo chí nghệ thuật sản xuất

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/buoc-chuyen-dien-anh-viet/135003