'Bún mắng cháo chửi' Hà Nội lên truyền hình CNN: 'Tôi rất vui và bất ngờ...'

“Tôi rất vui và bất ngờ. Vì trước đây tôi cứ cho rằng chỉ một mình tôi là người lập dị, vì tôi rất thích vào những quán bún mắng cháo chửi ở ngoài Hà Nội”

Câu chuyện bún mắng cháo chửi lên kênh truyền hình CNN (Mỹ) đã gây xôn xao dư luận. Mỗi người mỗi ý, tranh luận khác nhau. Người thì cho rằng, tôi bỏ đồng tiền ra, tôi cần được tôn trọng, và được phục vụ. Có người còn cảm thấy nhục vì chuyện này lại trưng lên cho cộng đồng quốc tế soi vào và đánh giá thấp Việt Nam. Nhưng có người lại cho rằng đó là nét riêng của quán, và phải chăng phải có gì đó, người ta mới đến đông như vậy.

Để rộng đường dư luận, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với blogger Nguyễn Ngọc Long, một người trẻ và có suy nghĩ hoàn toàn khác với nhiều người về câu chuyện này.

Hình ảnh "bún mắng" "cháo chửi" lên CNN

PV: Xem những thông tin “bún mắng” "cháo chửi", lên CNN, anh có suy nghĩ gì?

Tôi rất vui và bất ngờ. Vì trước đây tôi cứ cho rằng chỉ một mình tôi là người lập dị, vì tôi rất thích vào những quán bún mắng cháo chửi ở ngoài Hà Nội. Trong mắt tôi, đó là một đặc sản không thể bỏ qua.

PV: Anh có nghĩ cộng đồng sẽ nhìn Việt Nam bằng con mắt khác về văn hóa "phục vụ" và thụ hưởng văn hóa nói chung không?

Không bao giờ có chuyện đó, vì họ thừa hiểu đây chỉ là thiểu số. Những quán này dù số lượng có gấp 5 - 10 lần như vậy cũng chỉ như muối bỏ biển không thể nào làm thành đại diện cho số đông, tới mức làm cho du khách nước ngoài mặc nhiên cho rằng văn hóa phục vụ của Việt Nam là như vậy.

Xã hội bây giờ nhiều người thích nâng tầm, làm quá. Họ thích mang góc nhìn và văn hóa của mình áp vào cho người khác. Tôi đoán du khách họ chỉ coi đây là kiểu phục vụ nội bộ của quán ăn được nhắc tới, cùng lắm là nét văn hóa của người chủ quán này.

Họ không thể quy nạp thành văn hóa phục vụ của người Việt Nam nói chung được. Và thực tế đó cũng là chuyện phi lý. Ở Nhật hoặc một số nước phát triển, người ta cũng có quán ăn trong bồn cầu, toilet, bát dĩa hình cục phân, bình trà hình bồn tiểu...

Hoặc có nơi phục vụ bán bánh hình tay chân, các bộ phận thân thể người toe toét máu. Đó là có thể coi như một vài hàng quán lập dị, khác số đông, phục vụ cho những người có một sở thích riêng. Tôi chưa thấy ai vì những hình ảnh đó mà nói rằng cả nước Nhật có văn hóa ăn uống kiểu bồn cầu.

Nếu là anh, anh có đến những nơi "cháo chửi", "bún mắng" không?

Không những đến mà tôi còn hạnh phúc khi được đến những nơi như vậy. Còn nhớ cách đây gần 10 năm, lần đầu được bạn dắt đi ăn quán lòng chửi một cách vô tình, tôi say sưa ngồi nghe bà chủ chửi (người khác) vô cùng thích thú. Chửi kiểu vui vui có mà chửi bậy, chửi tục cũng có luôn. Tôi rất muốn hỏi xoáy bà ấy vài câu để được nghe chửi nhưng không đủ can đảm nên chỉ dám ngồi nghe người khác. Trong số khách tới quán, tôi thấy rất nhiều người cố tình chọc bà chủ để cho bà chửi và họ rất vui vẻ sảng khoải vì điều đấy.

Tôi nhận thấy cả người chửi và người nghe chửi đều không có gì cảm thấy ấm ức, tức giận hay xảy ra xô xát. Vì đơn giản một điều, chữ chửi ở đây cần được để trong ngoặc kép.

Rõ ràng có sự lệch pha giữa những người đến ăn và những người nghe kể rồi bình phẩm. Chủ của những quán này họ chửi theo quán tính, chửi cho vui, chửi cho sướng miệng, thậm chí đôi khi là cố tình chửi để làm điểm nhấn. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện để chúng ta giao tiếp và hiểu nhau thôi.

Tôi cho rằng thực khách của quán họ hiểu rằng các câu chửi này thực ra không phải chửi, cũng chẳng phải miệt thị hay xúc phạm gì họ cả. Vì vậy họ vui vẻ ngồi ăn. Trong khi một số người lại cho rằng ai vào quán là vô văn hóa rồi dị hợm này nọ tôi cho rằng là võ đoán.

Trong cuộc sống của chúng ta, có khi chỉ cần một ánh mắt, một cái chau mày, một cái khoát tay đã đủ để người đối diện cảm nhận được thái độ xúc phạm nặng nề và không bao giờ có thể nhìn mặt nhau được nữa. Nhưng cũng có khi người ta "chửi" (trong ngoặc kép) vào thẳng mặt bạn ầm ầm mà bạn chẳng cảm thấy gì. Vì đó là chửi, nhưng lại không phải chửi.

Cá nhân tôi là một khách hàng cực kỳ khó tính và kỹ tính. Tôi cũng có lòng tự trọng rất cao. Vậy nên bất kể hàng quán tôi bước vào là quán chửi hay quán bình thường, nếu tôi cảm thấy mình không được tôn trọng thì tôi sẽ bỏ đi ngay lập tức. Về quán lòng chửi mà tôi đã kể, tôi không cảm thấy điều đó trong các câu chửi như hát hay của bà chủ quán.

Vậy anh lý giải thế nào về việc, cháo chửi, bún quát lại đông khách đến vậy?

Một số người nói rằng vì quán ngon nên người ta ghé. Số khác thì bảo do thực khách hiếu kỳ. Điều đó tôi chưa đi hết thì tôi không thể biết. Nhưng tôi nghĩ là cuộc sống bây giờ có quá nhiều lựa chọn. Quán của bà ngon thì sẽ có quán khác ngon hơn, làm gì ngon tới mức để người ta chấp nhận vừa ngồi ăn vừa nghe chửi? Chỉ có thể lý giải điều này theo cách là người đến quán họ không bận tâm về những lời chửi mắng đấy.

Hoặc họ cho rằng như vậy cho vui, hoặc cùng lắm họ chỉ chép miệng ối giời bà ấy lắm mồm như vậy chứ có thực tâm mắng chửi ai đâu, thế nên họ cứ ăn cứ uống và cứ tận hưởng vui chơi theo cách mà họ muốn.

Nhìn từ góc độ truyền thông, anh có nghĩ kiểu phục vụ này vẫn sẽ tồn tại và phát triển hay không?

Ở Việt Nam mình, chưa có văn hóa tôn trọng sự đa dạng và khác biệt. Tôi nghĩ là các cơ quan văn hóa sẽ chiếu theo quy định này kia để xử phạt các quán ăn này. Rồi có những vị khách họ vào quán thì thấy bình thường, nhưng bị bạn bè người thân nói ra nói vào thì sẽ khó chịu rồi ngại tới. Điều đó dẫn tới các bà chủ quán bún mắng cháo chửi phải tự thay đổi hành vi và thói quen ăn nói thoải mái của mình.

Trong thời gian ngắn sắp tới, tôi nghĩ số lượng các quán này có thể sụt giảm, đó là điều không tránh khỏi. Nhưng khi xã hội càng ngày càng phát triển và mọi người tôn trọng không gian văn hóa của nhau hơn, tôi kỳ vọng bún mắng cháo chửi lại bùng phát quay trở lại. Gọi họ là lập dị cũng được, nhưng người lập dị cần có chỗ ăn uống vui chơi của người lập dị, và sở thích thói quen này cần được tôn trọng một cách nghiêm túc.

Không gian văn hóa và sự đa dạng của đôi bên không bị phương hại, không bên nào tự coi mình là tốt đẹp hơn bên nào cả. Đơn giản, đó là khác biệt.

Vậy nên, việc một số người xúc phạm người bán và cả người mua trong các quán bún mắng cháo chửi này, tôi nghĩ họ cần xem xét lại hành vi ứng xử và lời nói của mình.

Cảm ơn anh!

Hồng Chuyên (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bun-mang-chao-chui-ha-noi-len-truyen-hinh-cnn-toi-rat-vui-va-bat-ngo-post210669.info