Bùi Công Duy Chơi đàn đến hơi thở cuối cùng

Làm quen với vĩ cầm (violin) từ năm 4 tuổi, có hành trình âm nhạc hơn 30 năm với rất nhiều thành tựu và sự ghi nhận ở tầm quốc tế, NSND Bùi Công Duy ngoài đời là một người đàn ông lịch lãm, sâu sắc trong lập ngôn.

Trong một buổi trò chuyện đầu năm mới với Báo Người Lao Động, NSND Bùi Công Duy đã chia sẻ về hành trình nghệ thuật, về những giá trị của âm nhạc hàn lâm và cách để sống một cuộc đời hạnh phúc cũng như lan tỏa hạnh phúc đến người khác…

Phóng viên: Dù chỉ mới ngoài 40 tuổi nhưng anh đã có hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật và trở thành tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Điều gì đã làm nên thành công của Bùi Công Duy hôm nay và nếu để cảm ơn một (hay vài) người giúp anh có được thành công ấy, thì đó là ai?

- NSND Bùi Công Duy: Bố tôi, GS Bùi Công Thành và mẹ tôi, nghệ sĩ piano Thu Lan, là hai người thầy đầu tiên của tôi. Trong giai đoạn đất nước còn nhiều gian khó, bố mẹ vẫn dành những ưu tiên hàng đầu cho tôi khi đặt vào tay con trai cây đàn vĩ cầm và kiên nhẫn dạy những bản nhạc đầu tiên. Bố tôi rất nghiêm khắc, đặt ra những tiêu chuẩn cao vì mong muốn tôi trở thành người chơi đàn tốt và là nhà sư phạm giỏi trong âm nhạc cổ điển, cũng như ông. Lớn lên trong môi trường âm nhạc cổ điển ấy, cây đàn vĩ cầm trở thành máu thịt và tình yêu của tôi thời niên thiếu.

Năm 10 tuổi, khi được bố mẹ đưa sang Nga để học trong môi trường âm nhạc hàn lâm hàng đầu thế giới - Nhạc viện Tchaikovsky, tôi được GS A.V. Gvozdev và GS-NSND I.V. Bochkova dạy dỗ. Hai người kiệt xuất này đã dạy những kiến thức sư phạm mẫu mực, giúp tôi đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997, tạo cho tôi bệ phóng tốt để bay cao trong âm nhạc cổ điển.

Một người nữa rất quan trọng là vợ tôi, nghệ sĩ piano Trinh Hương. Cô ấy luôn phê bình rất khắt khe, đòi hỏi cao không kém gì bố tôi và những người thầy giỏi.

Đó là những người mang lại nguồn động lực, giúp tôi không "ngủ quên", luôn duy trì làm việc với cường độ cao, chuyên tâm và làm vượt khả năng của mình, thậm chí với năng lượng 150%, mới giữ được phong độ và có được như hôm nay.

Những cột mốc nào đáng nhớ nhất trên hành trình âm nhạc dài hơn 3 thập niên đó? Và những giá trị nào của âm nhạc là quan trọng nhất đối với anh?

- Hành trình âm nhạc của tôi mới ở giai đoạn giữa của sự nghiệp. Và cột mốc âm nhạc quan trọng nhất, tôi nghĩ vẫn đang chờ đợi ở phía trước. Tôi hy vọng rằng hành trình âm nhạc của mình còn kéo dài và đi xa hơn nữa. Đó là một cuộc hành trình mà tôi nghĩ rằng mình sẽ chơi đàn đến hơi thở cuối cùng.

Với những thành tựu mà tôi đã đạt được, mỗi cột mốc mang lại những giá trị khác nhau. Song, giá trị lớn nhất mà tôi nhận được có lẽ là việc không bỏ cuộc, không dừng lại trước bất cứ sự thành công hay thất bại nào. Thành công mang lại sự thăng hoa nhưng thất bại lại mang tới những bài học giá trị. Thậm chí, tôi nhớ những lần chơi đàn thất bại và chưa làm tốt còn hơn những lần thành công, bởi nó khiến tôi trăn trở, nỗ lực và tiếp tục chiến đấu với cây đàn để không dừng lại.

Âm nhạc nói chung, đặc biệt là âm nhạc cổ điển, là một thế giới rất sâu sắc, đậm chất triết học và có tính logic cao. Giá trị của âm nhạc thì mỗi người có mỗi cảm nhận. Với tôi, sức mạnh của âm nhạc rất lớn, có thể vô hình nhưng rất mạnh mẽ, có khả năng hàn gắn con người, chữa lành vết thương, giúp chúng ta trở nên sâu sắc, biết tha thứ và nhân văn hơn, biết yêu thương nhau hơn. Thậm chí, âm nhạc có thể biến những kẻ thù thành bạn bè khi họ cùng hòa chung vào một thứ ngôn ngữ của tâm hồn con người, như một số bộ phim xuất sắc về chiến tranh từng làm được.

Với riêng tôi, âm nhạc có những giá trị vô giá. Mỗi lần diễn xong, dù rất mệt, thậm chí kiệt sức nhưng khi trở về nhà, tôi thấy tâm hồn mình rất phấn chấn, năng lượng không biết từ đâu ra. Lúc đó, tôi cứ như một người khác.

Có những điều tôi nghĩ mình không làm được nhưng khi trình diễn thăng hoa, và dù kiệt sức, tôi vẫn thấy người rất khỏe, 4-5 giờ sáng vẫn tỉnh táo, minh mẫn và không muốn đi ngủ. Và, cũng chỉ cần ngủ rất ít, tôi đã có thể dậy đi làm với một tinh thần đầy sảng khoái. Điều đó khác gì… chất kích thích đâu? (cười). Nhưng đó là sự kích thích rất lành mạnh. Phần thưởng của dopamine tiết ra trong não khi ta làm được một điều gì đó hài lòng là vậy.

Theo anh, những phẩm chất cần có của một nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ hoạt động trong môi trường âm nhạc cổ điển - vốn rất khó để được công nhận?

- Với tôi, trong nghệ thuật, nhất là âm nhạc cổ điển, không bao giờ đi nhanh mà hiệu quả được. Nó cũng như việc xây dựng văn hóa vậy, không phải tính theo tháng, theo năm mà phải theo thập niên, thậm chí vài thập niên. Đó là điều mà tôi học được từ những người thầy vĩ đại, từ bố tôi, từ chính trải nghiệm của bản thân và cũng là điều tôi dạy học trò của mình với tư cách một nhà sư phạm.

Hãy bắt đầu bằng hạnh phúc của chính mình từ những điều giản dị và lan tỏa chúng đến người khác”.(NSND Bùi Công Duy)

Trong thế giới xoay chuyển quá nhanh như hiện nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ bị áp lực bởi cuộc sống, bởi cơm áo gạo tiền và danh tiếng nên hay bị cuốn vào những vòng xoáy ngắn hạn để nhanh được công nhận, nhanh được nổi tiếng. Nhưng với tôi, điều đó sẽ không bền lâu hoặc nếu có cũng không mang lại những giá trị mới.

Điều quan trọng nhất với tôi khi bước vào âm nhạc cổ điển chính là sự kiên trì. Bởi một lần chơi đàn không khác gì một cuộc chiến đấu giữa mình với cây đàn nhưng phần lớn là mình thua vì không thuần hóa được nó. Càng thua cuộc, mình phải càng nỗ lực, kiên trì hơn nữa để chiến thắng được nó.

Đó là lý do tại sao tác phẩm Mozart viết cho giao hưởng được các nghệ sĩ chơi hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lần mà vẫn hay, vẫn lay động và vẫn tìm ra điều gì đó mới mẻ. Bởi lẽ, càng chơi càng thấy hay, thấy cảm xúc và tư duy của mình mỗi lần một khác. Đó là những giá trị đôi khi không thể đo đếm mà chỉ cảm nhận được bằng tâm hồn.

Chính vì vậy, với âm nhạc cổ điển thì không bao giờ có sự dừng lại, không bao giờ có điểm đến cuối cùng. Mỗi lần chơi trên sân khấu là một lần khám phá ra điều mới lạ, không lần nào giống lần nào, dù vẫn với tác phẩm ấy. Mỗi lần đánh đàn là mỗi trải nghiệm khác nhau, lại phải học và ngộ ra nhiều thứ khác. Kể cả những lần chơi không tốt, mình cũng rèn luyện được kỹ năng đối mặt với sự thất bại.

Bước vào lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, với tôi là bước vào một cuộc chiến không khoan nhượng và rất căng thẳng. Phần lớn là mình thua, nhưng thua xong lại cay cú và lại muốn tiếp tục chinh phục nó.

Bùi Công Duy đã tham gia biểu diễn trong rất nhiều dàn nhạc giao hưởng, ở nhiều nước trên thế giới. Lần trình diễn nào mang lại cho anh những cảm xúc thăng hoa nhất?

- Rất khó để chọn vì mỗi lần trình diễn đều mang lại sự thăng hoa nhất định cho tôi. Nó giống như một bước đệm để lại nhiều sự hưng phấn và kéo dài, tiếp diễn trong những lần sau.

Sự thăng hoa trong trình diễn âm nhạc cũng thay đổi theo thời gian, như độ tuổi 20, 30, 40 sẽ có những cảm nhận khác nhau. Bây giờ chẳng hạn, ở độ tuổi ngoài 40 và có hơn 30 năm hoạt động âm nhạc, sự thăng hoa ấy không còn bùng nổ như hồi tôi còn trẻ nhưng lại có độ ngân nga hơn, sâu sắc, tĩnh tại và kéo dài hơn.

Trong số những lần thăng hoa ấy, tôi nhớ nhất lần biểu diễn solo cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker tại Berliner Philharmonie - phòng hòa nhạc danh giá bậc nhất châu Âu mang tên Herbert von Karajan năm 2014. Tôi bước vào phòng hòa nhạc ấy với rất nhiều hồi hộp, căng thẳng khi được trình diễn với dàn nhạc hàng đầu thế giới. Cũng chính vì thế mà khi trình diễn thành công, tôi thấy tràn ngập cảm xúc và tự tin hơn rất nhiều với cây đàn của mình.

Anh từng có lần nói rằng muốn Hà Nội trở thành "thủ đô âm nhạc cổ điển" ở châu Á, ít nhất là Đông Nam Á. Liệu đó có phải là khát vọng lạc quan không? Để ước mơ đó thành sự thật, theo anh, chúng ta phải cần những gì?

- Đây không phải chỉ là ước mơ của cá nhân tôi mà còn của nhiều người trong các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, đều mong muốn Hà Nội là một điểm đến của nghệ thuật và văn hóa khu vực Đông Nam Á.

Tôi nghĩ đó không phải là sự lạc quan tếu hay ước mơ xa vời ngoài tầm với, mà hoàn toàn có cơ sở. Ở Việt Nam, tôi nghĩ có hai lĩnh vực đạt đến những cột mốc đỉnh cao của thế giới. Đó là toán học, nơi có tài năng hàng đầu thế giới là GS Ngô Bảo Châu và âm nhạc hàn lâm - đặc biệt là piano, nơi có NSND Đặng Thái Sơn.

NSND Đặng Thái Sơn là người châu Á đầu tiên đoạt giải nhất Chopin. Anh cũng là người đầu tiên trên thế giới giành chiến thắng ở cả hai vị trí: Nghệ sĩ đoạt giải cao nhất và người thầy đào tạo một thí sinh đoạt giải nhất (năm 2021, Bruce Liu - học trò của NSND Đặng Thái Sơn - giành giải nhất concours Chopin 18). Đến nay, trên thế giới vẫn chưa có ai làm được điều đó ngoài NSND Đặng Thái Sơn.

Ở Hà Nội nhiều năm qua cũng có những tín hiệu rất vui, như việc Nhà hát Hồ Gươm được đầu tư rất lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế; dàn nhạc tư nhân Giao hưởng Mặt Trời xuất hiện, song hành với các dàn nhạc trước đây... Môi trường âm nhạc cổ điển phát triển kích thích không chỉ các nghệ sĩ trong nước mà còn mời gọi một số nghệ sĩ tên tuổi quốc tế đến Hà Nội để trình diễn và giảng dạy.

Nhưng tôi nghĩ để ước mơ ấy trở thành sự thật, chúng ta phải rất quyết liệt và xem đó như một chiến lược văn hóa trọng tâm. Phải tạo ra được một "hành lang xanh" để giúp âm nhạc cổ điển Việt Nam đạt đến những tiêu chuẩn cao hơn và đạt đến trình độ của thế giới.

Sống trong môi trường âm nhạc cổ điển nhiều năm và hiện nay vừa là nghệ sĩ trình diễn vừa là nhà sư phạm, nhà quản lý, tôi thấy Việt Nam có nhiều nghệ sĩ giỏi, đầy đam mê và bền chí. Khán giả của chúng ta, đặc biệt ở Hà Nội, cũng có trình độ cảm thụ âm nhạc cổ điển khá cao. Vì vậy, tôi tin rằng nếu có sự đầu tư đồng bộ và lâu dài, thủ đô Hà Nội sẽ trở thành một điểm đến của âm nhạc cổ điển và mời gọi được nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới đến trình diễn.

Ở đâu và lúc nào, anh thấy mình hạnh phúc nhất? Và hạnh phúc, trong quan niệm của Bùi Công Duy, như thế nào?

- Một nơi được là chính mình, làm được những thứ mình thích, đạt kết quả tốt và tạo ra cộng đồng những người cùng đam mê với mình là nơi tôi thấy hạnh phúc nhất. Cuối cùng, trong cuộc sống, điều tôi luôn hướng tới chính là hạnh phúc của bản thân và của gia đình mình.

Trong gia đình, điều khó nhất là phải biến vợ thành bạn và chúng tôi đã làm được điều đó. Để tìm được một người bạn tri âm tri kỷ trong đời sống gia đình rất khó, vì người bạn dễ đồng cảm và tha thứ hơn, cũng chấp nhận cả cái xấu lẫn cái tốt của ta. Vợ tôi luôn mang lại cho tôi cảm giác của một người bạn như vậy.

Không chỉ vợ, tôi cũng muốn biến con mình trở thành người bạn. Vì đôi khi mình làm phụ huynh thì sẽ không được con kể hết mọi chuyện đâu (cười).

Tất nhiên, truyền thống, chuẩn mực gia đình cần phải giữ, nhưng để tồn tại với nhau dễ dàng hơn thì xóa bỏ những giới hạn và làm bạn với nhau sẽ dễ sống hơn nhiều. Đó là sự cân bằng, mang đến niềm vui và tiếng cười trong gia đình tôi.

Còn về mặt xã hội, tôi tin vào sự lan tỏa của lòng tốt và sự tử tế, nói chính xác hơn là sự lan tỏa của hạnh phúc. Sống ở nước ngoài nhiều năm, khi quyết định trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, tôi học được rất nhiều điều. Va chạm rất nhiều, bức xúc cũng rất nhiều nhưng nó cho tôi một điều gọi là phải biết buông bỏ, tha thứ và quên đi. Bởi làm điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho chính mình, và muốn mang lại hạnh phúc cho người khác thì mình phải hạnh phúc trước đã.

Bản chất quy luật cuộc sống là không bao giờ có sự công bằng tuyệt đối và sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta phải biết hạnh phúc với những thứ tối thiểu nhất, bình dị nhất. Từ đó, ta sẽ có một tâm thế lạc quan về cuộc đời, giảm được cái nhìn cay nghiệt về cuộc sống.

Với tôi, cuộc sống đơn giản lắm. Ta sẽ bất hạnh khi đặt cho mình một vị trí quá cao, nhất là những thứ thuộc về vật chất, tiền tài hay địa vị. Nếu hạ những tiêu chuẩn đó xuống, tự nhiên ta trở thành người hạnh phúc.

Hạnh phúc hay bất hạnh đôi khi nằm trong cái đầu của mình mà thôi. Hạnh phúc hay không hạnh phúc đôi khi là một ranh giới rất gần nhau. Không ít người có đủ điều kiện để hạnh phúc nhưng họ không biết tận hưởng sự hạnh phúc đó, mà hướng tới một sự xa vời hơn của ảo vọng rồi biến mình thành kẻ bất hạnh. Họ đã đánh mất cơ hội để hạnh phúc.

Hãy bắt đầu bằng hạnh phúc của chính mình từ những điều giản dị và lan tỏa chúng đến người khác!

Năm 2023, nghệ sĩ Bùi Công Duy tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Anh được Trường ĐH Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan phong tặng học hàm giáo sư danh dự. Mới đây, anh được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu NSND.

"Tôi đón nhận những thành tựu hay sự ghi nhận mới này với sự bình tĩnh và một sắc thái vừa phải. Tôi vẫn nghĩ rằng nếu làm việc hết khả năng và đúng với tài năng của mình thì sớm muộn gì cũng được ghi nhận xứng đáng. Dù không còn cảm xúc bùng nổ như khi giành được các giải thưởng lúc còn trẻ, sự ghi nhận ở thời điểm này khiến tôi thấy tự hào và hiểu được giá trị của sự nỗ lực" - NSND Bùi Công Duy bày tỏ.

Ngoài âm nhạc cổ điển mà anh gắn bó cả đời, Bùi Công Duy ở đời thường là con người như thế nào? Ngoài âm nhạc, niềm vui mỗi ngày của anh là gì?

- Tôi thích cuộc sống bình yên, giản dị như nhiều người khác. Ngoài thời gian cho âm nhạc, tôi luôn dành thì giờ còn lại cho gia đình nhỏ của mình. Tôi thích được trò chuyện với vợ về nghệ thuật và cuộc sống đời thường; thích chơi đùa với con, đưa đi học và đón về. Tôi cũng thích ăn những món ngon mà mẹ hay vợ nấu, hoặc tổ chức bữa ăn ở nhà mời bạn bè đến thưởng thức và trò chuyện.

Tôi cũng có một vài sở thích rất "đàn ông" như xem bóng đá hay mê ô tô, công nghệ. Hồi bố vợ (nhạc sĩ Phú Quang) còn sống, tôi thường xem bóng đá cùng ông vì cả hai đều là "fan" của MU và tranh luận rất rôm rả. Phim ảnh cũng là một trong những đam mê của tôi, nhất là các bộ phim cổ điển mang tới những giá trị sâu sắc về con người, như kiệt tác "Bố già" (The Godfather) hay "Once Upon a Time in America".

LÊ HỒNG LÂM thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bui-cong-duy-choi-dan-den-hoi-tho-cuoi-cung-196240206003254444.htm