BRICS khó gỡ với những xung đột nội bộ

GD&TĐ - Hội nghị Thượng đỉnh của khối BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi) vừa kết thúc tại Goa (Ấn Độ). BRICS kêu gọi mở rộng hợp tác kinh tế, tăng khả năng cho vay của các ngân hàng thuộc BRICS.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những xung đột về lợi ích giữa các nước trong khối khiến BRICS trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết.

BRICS bây giờ đã khác xưa

Ở phương Tây, một số nhà bình luận cho rằng, sự thống nhất của 5 quốc gia mà trước đây được coi là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu đã rệu rã và gần như không còn hoạt động.

Các nền kinh tế này đang phát triển với tốc độ khác nhau và ở một số nước hầu như không phát triển. Tuy nhiên, các đại biểu tham gia hội nghị muốn hợp tác và tạo ra các tổ chức như Ngân hàng phát triển mới để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và các dự án khác, để giảm sự bất bình đẳng trong các tổ chức tài chính thế giới và thiết lập một trao đổi lẫn nhau về kinh nghiệm.

Ngân hàng BRICS được hình thành như là một thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng đa số các thành viên của BRICS đang trải qua khủng hoảng kinh tế hay chính trị. Nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại.

Nga phải đối mặt với giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đang cố gắng để ra khỏi sự suy thoái. Cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã bị buộc phải từ chức như là kết quả của cuộc luận tội.

Tổng thống Jacob Zuma của Nam Phi thoát luận tội, nhưng tham nhũng và bất đồng trong đảng của ông gây ra những thiệt hại to lớn cho uy tín của chính phủ...

Trên nền tảng chung không mấy thuận lợi, các nhà lãnh đạo 5 quốc gia này đã tìm thấy điểm chung - chống chủ nghĩa khủng bố.

Những xung đột lợi ích khó giải

Trước hết, Ấn Độ tỏ thái độ không hài lòng với quan hệ của Nga với Trung Quốc và Pakistan. Theo các nhà phân tích, cuộc tập trận chung giữa Nga và Pakistan đã phủ bóng đen lên Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Ấn.

Tờ Hindu trích lời Đại sứ Ấn Độ tại Nga Pankaj Saran cảnh báo: Quan hệ Nga - Ấn sẽ bị ảnh hưởng nếu Moskva tiếp tục mở rộng quan hệ quân sự với Islamabad.

Ông Nandan Unnikrishnanu - Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nga - tin rằng mối quan hệ giữa Moskva và New Delhi đang yếu dần. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản do quan hệ Nga - phương Tây xấu đi, quan hệ Nga - Trung Quốc ấm lên.

Trong khi đó, quan hệ Trung - Ấn là quan hệ phức tạp, bất đồng nhiều hơn là hữu nghị. Chưa kể đến nguy cơ chiến tranh biên giới Trung - Ấn đang rình rập hàng ngày, hàng giờ, việc Pakistan - kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ sở hữu vũ khí hạt nhân là do sự trợ giúp của Trung Quốc. Bao năm qua Bắc Kinh luôn là chỗ dựa của Islamabad trong việc chống lại New Delhi.

“Nó làm thay đổi tình hình địa chiến lược, ít nhất là ở châu Á” - Nandan Unnikrishnanu khẳng định. Cũng theo lời Nandan Unnikrishnanu thì quan hệ Mỹ - Ấn ngày càng phát triển. Đây cũng là một nguyên nhân làm quan hệ của Ấn Độ với các nước BRICS nhạt dần.

Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, thông tin về việc Nga quyết định bán cho Ấn Độ hệ thống phòng thủ S-400 với hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ USD khiến Trung Quốc chạnh lòng. Cuộc gặp thượng đỉnh Narenda Modi - Tập Cận Bình diễn ra tẻ nhạt, không có sự “hiểu biết đầy đủ” về nhau.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí phải tăng cường chống khủng bố, nhưng Ấn Độ khẳng định rằng Masood Azhar, lãnh đạo của một trong những nhóm cực đoan ẩn náu ở Pakistan, đã được đưa vào danh sách bất hợp pháp của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không nhất trí với New Delhi về điều này, từ chối ủng hộ tuyên bố của Ấn Độ. Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn không đồng ý để Ấn Độ tham gia vào nhóm những nhà cung cấp hạt nhân quốc tế. Những khác biệt này phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc trong cách tiếp cận của hai cường quốc trong vấn đề Nam Á.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/brics-kho-go-voi-nhung-xung-dot-noi-bo-2449877-l.html