Brazil: Áp dụng chế tài lớn hơn đối với người sử dụng lao động

Ngày 3.7.2023, Tổng thống Brazil ký phê chuẩn Luật số 14.611/2023, nhằm bảo đảm trả lương bình đẳng cho phụ nữ và nam giới thực hiện các hoạt động giống nhau, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập bất công vẫn còn tồn tại lâu nay.

Tăng đáng kể mức phạt đối với các hành vi vi phạm

Luật mới là một phần của gói gồm 25 biện pháp về bình đẳng do Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva công bố vào ngày 8.3. Nó bao gồm những nỗ lực giúp giải quyết tình trạng bạo lực và bất bình đẳng về kinh tế dựa trên giới tính mà phụ nữ Brazil đang phải đối mặt.

Tạo chế tài lớn hơn đối với người sử dụng lao động. Nguồn: ITN

Trong số nhiều quy định, luật mới sửa đổi Điều 461 của Bộ luật Lao động để quy định rõ ràng các tiêu chí bắt buộc về trả lương và thù lao ngang nhau đối với phụ nữ và nam giới thực hiện cùng một công việc hoặc công việc có giá trị như nhau. Theo quy định của pháp luật, “công việc có giá trị ngang nhau” là công việc được thực hiện với năng suất và mức độ hoàn thiện kỹ thuật như nhau.

Trong trường hợp phân biệt đối xử vì giới tính, chủng tộc, dân tộc, nguồn gốc hoặc tuổi tác, việc trả tiền chênh lệch lương cho người lao động bị phân biệt đối xử không xóa bỏ quyền kiện bồi thường thiệt hại tinh thần của họ. Doanh nghiệp nào không trả lương bình đẳng sẽ phải chịu phạt với số tiền gấp 10 lần mức lương công bằng mà người bị phân biệt đáng được hưởng. Con số này sẽ tăng lên gấp đôi nếu tái phạm. Khoản tiền phạt trên thể hiện mức tăng đáng kể so với mức trước đây được quy định trong Bộ luật Lao động. Hiện tại, mức phạt tối đa cho hành vi đó là vào khoảng 4.000 BRL (xấp xỉ 20 triệu VND).

Tuy nhiên, có một thay đổi đáng chú ý trong luật mới là, các doanh nghiệp có thể được miễn yêu cầu trả lương bình đẳng trong từng trường hợp cá nhân nếu họ đưa ra thỏa thuận tập thể và đệ trình kế hoạch lao động, tiền lương cho toàn công ty.

Theo luật, sự bình đẳng về mức lương và tiêu chí trả lương giữa phụ nữ và nam giới sẽ được bảo đảm thông qua các biện pháp sau: thiết lập cơ chế minh bạch về mức lương và tiêu chí trả lương; tăng cường kiểm tra chống phân biệt đối xử trong việc trả lương và tiêu chí trả lương giữa phụ nữ và nam giới; cung cấp các kênh cụ thể để tố cáo phân biệt đối xử về mức lương; khuyến khích đào tạo để giúp phụ nữ gia nhập, ở lại và thăng tiến tại thị trường lao động trong điều kiện bình đẳng với nam giới; đào tạo các nhà quản lý, lãnh đạo và người lao động có quan điểm bình đẳng giới trong thị trường việc làm, có đánh giá kết quả…

Kỳ vọng bổ sung 0,2 điểm phần trăm vào GDP

Các công ty có từ 100 nhân viên trở lên được yêu cầu công bố các báo cáo minh bạch về tiêu chí lương thưởng nửa năm một lần và gửi cho Bộ Lao động. Nội dung của nó bao gồm dữ liệu về tỷ lệ phụ nữ và nam giới trong các vai trò quản lý, đi kèm với thông tin về các bất bình đẳng khác có thể phát sinh từ chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, tuổi tác, cũng như việc tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân hay quy định cụ thể khác... Các báo cáo này giúp thanh tra Bộ có thể kiểm tra mức thu nhập mà lao động nam và nữ được trả. Mọi người có thể báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật thông qua trang web của Bộ Lao động hoặc qua đường dây nóng. Trong trường hợp phát hiện sự bất bình đẳng về mức lương hoặc tiêu chí trả lương, doanh nghiệp, tổ chức tư nhân sẽ phải trình bày và triển khai kế hoạch hành động để giảm thiểu tình trạng đó, kèm theo mục tiêu và thời hạn, đồng thời bảo đảm sự tham gia của đại diện từ các tổ chức công đoàn lẫn đại diện của người lao động tại nơi làm việc.

Theo Viện Địa lý và thống kê Brazil, một phụ nữ ở Brazil kiếm được trung bình 78% so với thu nhập của một đàn ông khi làm công việc tương tự, trong khi phụ nữ đại diện cho hơn một nửa dân số Brazil. Tỷ lệ này thậm chí giảm xuống còn 46% đối với phụ nữ da màu. Khoảng cách chênh lệch cũng rất cao đối với những người nắm vị trí lãnh đạo và quản lý, nơi phụ nữ chỉ kiếm được 62% lương so với nam giới cùng chức vụ.

Luật pháp Brazil yêu cầu trả lương bình đẳng cho nam giới và phụ nữ kể từ năm 1943, nhưng khoảng cách lương vẫn còn. Theo Bộ trưởng Bộ Phụ nữ Brazil Cida Gonçalves, “phụ nữ đã chờ đợi ngày này ít nhất 80 năm” (ngày luật thông qua và ký ban hành). Bà nhấn mạnh, “bình đẳng là quyền cơ bản, nó thực sự cần thiết và cấp bách. Thông qua bình đẳng, chúng ta có thể tạo điều kiện cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi”. Nữ lãnh đạo này đề cập đến một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó chỉ ra rằng, chính sách trả lương cân bằng sẽ giúp bổ sung thêm 0.2 điểm phần trăm vào GDP của một quốc gia. “Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để biến điều này thành hiện thực ở Brazil”, bà bày tỏ.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/brazil-ap-dung-che-tai-lon-hon-doi-voi-nguoi-su-dung-lao-dong-i336167/