BOT và 'lỗ hổng phí' 100 năm

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết nhiều dự án trong số 27 dự án kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí.

Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (Q.9, TP.HCM) được Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm thu phí. Ảnh: Hữu Khoa

Chồng chéo và thiếu minh bạch

Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, dù Bộ Tài chính hướng dẫn là trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70km, nhưng thực tế không đáp ứng được như vậy do có sự thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các địa phương.

Không ít trạm thu phí cho dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường nhưng vẫn phải trả phí, gây bức xúc trong dư luận.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính loại bỏ điều kiện khoảng cách các trạm thu phí dưới mức tối thiểu 70 km, đảm bảo chỉ có một khoảng cách tối thiểu 70 km.

Trong số 27 dự án kiểm toán 26 dự án phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí hoàn vốn, giảm từ 10 tháng tới 13 năm… Tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy hiện tại trong các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án “nâng cấp, cải tạo” hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT.

Tại nhiều dự án “nâng cấp, cải tạo” tuyến cũ, đối tượng tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà bắt buộc phải trả phí cho nhà đầu tư.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ áp dụng hình thức đầu tư BOT cho các dự án xây dựng những tuyến đường hoàn toàn mới hoặc cải tạo trên những tuyến không phải là đường độc đạo để người dân có quyền lựa chọn, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án. Các yếu tố chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỉ lệ vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình dự án… đều phải được đấu thầu công khai, minh bạch.

Hóa giải cách nào?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đối với các dự án BOT, tổng mức đầu tư ban đầu và thời gian thu phí là tạm tính. Sau khi hoàn thành, nhiều dự án có tổng mức đầu tư thực tế thấp hơn tổng mức đầu tư dự toán, do có nhiều yếu tố tạo nên như: chi phí dự phòng không dùng đến vì trượt giá thấp hơn dự báo, tiến độ thi công nhanh hơn thực tế, giải phóng mặt bằng ít hơn khối lượng ước tính, giảm quy mô dự án, lựa chọn giải pháp kỹ thuật hợp lý để tiết kiệm hơn… Cho nên sau khi quyết toán dự án sẽ chốt giá trị đầu tư thực tế để tính lại thời gian thu phí phù hợp. Theo ông Đông, kiểm toán nhà nước chỉ ra mức chênh lệch và đề nghị giảm thời gian thu phí là căn cứ giữa tổng mức đầu tư tạm tính và giá trị thực tế của dự án khi hoàn thành.

Bộ GTVT đang rà soát các dự án BOT, tính toán lại hợp đồng BOT. Sau khi quyết toán sẽ có phương án giảm mức phí hoặc thời gian thu phí của từng dự án cụ thể.

Nhưng chỉ nhìn vào con số 80% dự án trong số 27 dự án kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí đã thấy sức “tàn phá” khủng khiếp của sự không minh bạch.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/kinh-te/bot-va-lo-hong-phi-100-nam/129509.htm