BOT Cai Lậy dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông

Trong những ngày qua, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ loại 200, 500 đồng để trả phí khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) nhằm phản đối dự án này.

Theo đó, tại cuộc họp ngày 16/8, Bộ GTVT đã họp với Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư trạm thu phí), UBND tỉnh Tiền Giang để đưa ra quyết định giảm giá vé cho ô tô qua trạm từ loại 1 đến loại 5, dẫn thông tin theo tờ Dân trí.

Tiếp đó, tại cuộc họp báo ngày 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định không thay đổi vị trí đặt trạm và cho rằng, trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí, nếu cứ vì người dân phản đối mà thay đổi vị trí trạm là không ổn...

Tuy nhiên khi lãnh đạo Bộ GTVT tỏ ra cương quyết thì người dân, nhất là tài xế tiếp tục chuẩn bị lượng lớn tiền lẻ để qua trạm. Dự liệu những bất ổn tại trạm thu phí này còn kéo dài, phức tạp.

BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang từ khi đi vào vào hoạt động đã vấp phải sự phản ứng từ người dân, nhất là tài xế. Ảnh: Dân trí

Lối ra nào để có kết quả êm đẹp vụ việc này, chia sẻ với báo Dân trí, theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM cho rằng: Quan điểm tôi thì không thể để trạm thu phí ở vị trí này được. Không hợp lý chút nào. Phải thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra, thậm chí điều tra làm sáng tỏ vụ việc, TS Phạm Sanh nói.

Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh cho rằng, vụ trạm thu phí Cai Lậy nếu không lấy làm điểm thì cả nước sẽ thất bại mạng lưới BOT. Theo TS, về nguyên tắc đặt trạm thu phí, việc làm mới đường tránh tại đâu thì phải đặt trạm thu tại đó. Công tác duy tu, sửa chữa Quốc lộ 1 đã có vốn từ nguồn bảo trì đường bộ, không dùng vốn BOT nên việc để chủ đầu tư tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 rồi đặt trạm thu phí tại đây là trái nguyên tắc.

Hàng loạt tài xế đã dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả phí qua trạm nhằm phản đối dự án. Ảnh: Vnexpress

Ngoài bất cập về vị trí đặt trạm, việc quy định giá vé thu với phương tiện qua trạm cũng... có vấn đề. TS Phạm Sanh cho rằng, vấn đề giá vé và phương án thu chi của trạm là trách nhiệm, thẩm quyền chính của Bộ Tài chính. Giám đốc BOT Tiền Giang cho rằng, đơn vị không tự áp đặt mà do Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính ban hành là chưa thỏa đáng. Bởi khi lập dự án BOT, đơn vị này phải báo cáo mức giá sẽ áp dụng trên cơ sở tính toán sát với thực tế để cơ quan có thẩm quyền xem xét, ấn định khung thời gian thu phí nhằm thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, TS Phạm Sanh cũng không đồng tình khi Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, hiện nay trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí, nếu cứ vì người dân phản đối mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn... tạo tiền lệ xấu. "Ở đây không có vấn đề nhún nhường giữa Bộ và người dân (tài xế), mà phải làm theo luật. Đâu thể nào nhập nhằng bảo trì đường bộ với đầu tư BOT. Hai cái này khác nhau. Anh cứ làm đúng luật đi. Thuế, BOT, có nghị định BOT. Người dân hưởng dịch vụ thì có trách nhiệm trả thuế", báo Dân trí dẫn lời TS Phạm Sanh.

Liên quan đến vấn đề này, theo Vnexpress, TS Nguyễn Hữu Nguyên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng, việc giảm phí ở trạm Cai Lậy chỉ mới giải quyết được một nửa vấn đề bức xúc của người dân.

Có rất nhiều dự án đường cao tốc, đường mới người dân đều đóng phí vì mức phí cũng như vị trí đặt trạm hợp lý. Vì sao riêng chỗ trạm Cai Lậy lại bị người dân phản ứng. Đây chính là vấn đề cơ quan chức năng phải giải quyết.

TS Nguyên cũng cho rằng nguyên tắc của đấu thầu BOT phải là công khai, lựa chọn nhiều đơn vị tham gia. Cho nên đã gọi là đấu thầu thì không thể có chuyện chỉ định, chỉ định là đặt hàng chứ không gọi là đấu thầu nữa. Điều này là sai nguyên tắc đấu thầu.

Khi lãnh đạo Bộ GTVT tỏ ra cương quyết thì người dân, nhất là tài xế tiếp tục chuẩn bị lượng lớn tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm. Ảnh: Dân trí

Cũng theo Vnexpress, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 18/8 cũng chỉ ra hai vi phạm chính trong việc đầu tư, quản lý dự án BOT, đó là Bộ GTVT không thực hiện đầy đủ quy trình đấu thầu và một số dự án ghép việc cải tạo với xây dựng mới rồi đặt trạm thu phí không hợp lý.

Phản hồi kết luận này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải, 100% dự án chỉ định thầu do có tính cấp bách hoặc ít nhà đầu tư tham gia. "Đúng là chúng tôi chưa có quy trình đánh giá, xác định thế nào là dự án cấp bách, song mỗi dự án đều tính toán sự cần thiết đầu tư dựa trên hiện trạng, lấy ý kiến địa phương và các bộ ngành, rồi báo cáo Thủ tướng", ông Đông nói.

Từ ngày thu phí đến nay, rất nhiều vụ việc lộn xộn,mất trật tự an toàn giao thông diễn ra ở trạm thu phí này. Ảnh: Người Lao động

Theo thông tin theo báo VOV đăng tải, trạm thu phí Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000 tỉnh Tiền Giang, do công ty BOT Tiền Giang làm chủ đầu tư.

Đây là trạm thu phí được thực hiện theo hình thức BOT để hoàn vốn dự án, đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận hoạt động, thu phí trong thời gian 6 năm 4 tháng.

Tuy nhiên, từ ngày 1/8 khi trạm thu phí đi vào hoạt động đã gây xôn xao dư luận vì nhiều tài xế xe ô tô có thái độ không đồng tình, phản đối bằng cách dùng tiền có mệnh giá thấp, bỏ vào chai nhựa để mua vé qua trạm thu phí gây khó khăn cho nhân viên thu phí và kéo dài thời gian gây ùn ứ giao thông.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Đỗ Thu Thoan

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bot-cai-lay-duoi-goc-nhin-cua-chuyen-gia-giao-thong-d127830.html