Bóng chuyền nữ Việt Nam: 'Con đường trẻ hóa' sẽ thành công?

Con đường "trẻ hóa" lực lượng đang được các nhà chuyên môn lựa chọn, trong việc bổ sung lực lượng kế cận cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.

Trước thực trạng đi lên của bóng chuyền nữ châu Á, trong đó các nước Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…từ lâu đã nuôi dưỡng những VĐV trẻ nhằm kế cận cho đội tuyển quốc gia. Khi cần, các nước này luôn sẵn có lực lượng tốt nhất để thi đấu. Còn ở Việt Nam, giờ mới thực sự bắt đầu.

“Trông người, ngẫm đến ta”

Giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cúp vừa qua, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Thái Thanh Tùng. Đây là HLV được coi là khá “mát tay” để có kết quả tốt nhất ở những đấu trường tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Chiến lược “trẻ hóa” đội hình ở lần tham dự này, với những vận động viên trẻ : Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thanh Thúy, Trịnh Thị Trinh, Hà Ngọc Diễm, Dương Thị Hên… đã bắt đầu ra sân, cùng với đàn chị của mình là Kim Huệ. Ở giải này, Ngọc Hoa vắng mặt, chỉ còn Kim Huệ là trụ cột. Tuy nhiên, có những trận đấu, HLV Thái Thanh Tùng đã “mạnh dạn” để Kim Huệ đứng ngoài sân, đội hình hoàn toàn là những nhân tố trẻ thi đấu với các tuyển thủ nước khác, họ cũng là những tuyển trẻ hoàn toàn mới mẻ.

Tuyển Việt Nam chỉ đứng sau nhà vô địch Chonburi (Thái Lan) tại Giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cúp. Ảnh:VTV

Chỉ có điều, những tuyển trẻ Trung Quốc, đội Giang Tô (Trung Quốc), Ganasaki (Nhật Bản), hay Chonburi (Thái Lan)… họ đã có nền tảng khá tốt từ phong trào bóng chuyền trong trường học. Cần nhắc lại, đây không phải là tuyển bóng chuyền Quốc gia. Vì thế, ở thời điểm này, tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Việt Nam chỉ đứng sau đội Chonburi (Thái Lan), còn với các trận gặp đội trẻ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… chúng ta đều “toàn thắng”.

Những trận đấu như thế trên sân nhà, cũng không tệ khi niềm đam mê của khán giả với bóng chuyền có mặt tại nhà thi đấu Hà Nam, với sức chứa hàng nghìn người… cũng kín. Điều đó làm người hâm mộ rất hài lòng với những tuyển thủ của mình trong cả lối chơi, cùng sự cầu tiến và có bước tiến rõ rệt của những tuyển thủ trẻ như Hà Ngọc Diễm, Trần Thị Thanh Thúy, Trịnh Thị Trinh…

Nhưng cũng nên nhớ rằng: Những tuyển thủ của bóng chuyền trẻ ở các nước nói trên, khi họ tới tham dự giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup lần này, họ đã có thâm niên từ 4- 5 năm được tập luyện trong trường học, sức trẻ của những tuyển thủ này đang lên và họ mới chỉ 16- 17 tuổi, với sức bền, sức bật đầy triển vọng. Nếu tính thêm 4- 5 năm nữa, những tuyển trẻ này sẽ đường hoàng và tự tin đứng trong tuyển quốc gia, sẵn sàng “theo chuông đi đánh xứ người”.

Tuyển trẻ Trung Quốc đã có nền tảng từ các trường học.

Trong khi đó, những tuyển thủ trẻ của bóng chuyền Việt Nam lại hiếm khi được nuôi dưỡng từ trường học. Chủ yếu, họ được thể hiện năng khiếu và phát triển chuyên môn trong sự “đỡ đầu” của các “Mạnh thường quân”. Những đội bóng có thương hiệu đó chính là đội bóng của Ngân hàng Công thương và VTV Bình Điền Long An, Thông tin Liên Việt Post bank… Còn các đội bóng khác, cũng chưa thực sự mạnh để làm nên thương hiệu bóng chuyền của đơn vị mình.

Lực lượng trẻ tuyển Việt Nam trông chờ vào các đội tuyển của các đơn vị doanh nghiệp.

Việc tuyển chọn VĐV trẻ cho đội tuyển quốc gia, đều trông chờ vào lực lượng của những đội bóng thuộc các doanh nghiệp như thế. Giả thiết, nếu doanh nghiệp không còn “mặn mà” với bóng chuyền, rõ ràng đây sẽ là yếu tố không hoàn toàn bền vững và bất lợi trong việc tìm “hạt giống” để nuôi dưỡng, phát triển thành những tuyển thủ bóng chuyền đỉnh cao thực sự.

“Thành công”- kỳ vọng của các nhà chuyên môn

Đối với Việt Nam, tuy vẫn đang sở hữu những VĐV còn có nhiều triển vọng, những tuyển thủ như: Phạm Thị Kim Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Linh Chi… Trong đó, Kim Huệ là tuyển thủ có thâm niên gắn bó với bóng chuyền đã lâu, chị cũng đã ngoài 30 tuổi. Đây là tuyển thủ trụ cột của đội tuyển bóng chuyền nữ Quốc gia ở bất kỳ giải bóng chuyền nào.

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang xây dựng lực lượng VĐV trẻ, kế cận thế hệ của Kim Huệ.

Song đã đến lúc, giới chuyên môn nghĩ tới “con đường trẻ hóa” cho bóng chuyền nữ Việt Nam. Đây là hướng đi tất yếu trên lược đồ phát triển của bất cứ môn thể thao nào. Trong đó, việc trẻ hóa môn bóng chuyền cần phải có một quãng thời gian 5- 6 năm(tính từ tuyển chọn nuôi dưỡng, đào tạo đến điểm rơi phong độ để có thành tích). Biết rằng, điều này ở Việt Nam chẳng dễ dàng gì. Tìm kiếm “hạt giống” đều phụ thuộc vào sự đi lên của những đội bóng chuyền có thương hiệu như trên.

Với những bước đi ban đầu trên con đường “trẻ hóa” lực lượng, đội tuyển bóng chuyền nữ Quốc gia Việt Nam ngoài những yếu tố thuận lợi, đó là được các nhà tuyển quân thuộc các doanh nghiệp “tuyển hộ”… vẫn còn những hạn chế đáng kể về mặt thời gian. Bởi hầu hết, các tuyển thủ trẻ này vẫn thuộc các doanh nghiệp, nên khi thi đấu tuyển quốc gia, việc tập trung đội tuyển, sau đó là tập luyện không nhiều. Hạn chế này hẳn sẽ là những yếu tố cản trở trong việc tổ chức tập luyện, sao cho có sự gắn kết chặt chẽ của đội hình trong thi đấu.

Để xây dựng lực lượng luôn hùng hậu, kế cận nối tiếp vẫn là điều trăn trở với các nhà chuyên môn. Ảnh: VTV

Sự trông đợi của các nhà chuyên môn trong thời gian tới là vấn đề cân đối thời gian. Từ đó, các tuyển thủ có thể tập luyện và thi đấu cho tuyển quốc gia, song vẫn là những đội quân chủ lực của các đội bóng trong nước trong tất cả các giải đấu. Cả 2 yếu tố đều cần để tăng cường sự gắn kết, sự “ăn ý” trong lối chơi ở những đấu trường lớn. Cùng đó, là tần suất thi đấu của các tuyển thủ cũng rất cần, nhằm nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn qua mỗi giải đấu.

Bình Minh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/bong-chuyen-nu-viet-nam-con-duong-tre-hoa-se-thanh-cong-d27088.html