Bốn kịch bản có thể diễn ra dưới thời Tổng thống Trump

Theo nhà nghiên cứu Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia, có hai yếu tố cốt lõi quyết định đặc trưng lâu dài của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump: Một là chính sách đối ngoại - có thể theo hướng tham gia cùng các nước bè bạn và đồng minh, cũng có thể là biệt lập hơn. Hai là cách hành xử - có thể duy trì ổn định theo cách thông thường, cũng có thể là đưa ra những kế hoạch nhằm cố tình gây bất ổn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ cứng rắn với Bắc Kinh hơn người tiền nhiệm Barack Obama.

Sau đây là bốn kịch bản có thể diễn ra trong tương lai của chính quyền Trump.

Thứ nhất, các cộng sự của ông Trump không đạt được đồng thuận. Chính quyền Mỹ đang trải qua một tiến trình chuyển giao chậm chạp và khó khăn. 50 ngày trước cuộc họp nội các của ông Trump, hàng nghìn quyết định bổ nhiệm vẫn chưa được triển khai. Các nhân vật chủ chốt trong chính quyền không am hiểu nhiều về các vấn đề quốc tế. Việc các cộng sự của ông Trump không đồng thuận sẽ khiến các nước bè bạn và đối thủ của Mỹ liên tục phải đoán định bước đi tiếp theo của Washington.

Thứ hai, nếu chính quyền Mỹ ổn định hơn và liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh, cách tiếp cận của Mỹ sẽ cứng rắn hơn. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã đề nghị các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải có những đóng góp tương xứng và nhiều hơn nữa để bảo vệ an ninh của mình. Nếu ổn định, chính quyền Mỹ có thể sẽ phát triển các bước tiếp cận chiến lược đối với các mối quan hệ chủ chốt. Ông Trump có thể đưa ra chính sách cứng rắn với Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama.

Thứ ba, chính quyền Mỹ trở nên biệt lập hơn và ổn định hơn. Với việc Mỹ tập trung ưu tiên vào chính sách đối nội, các đồng minh truyền thống của Mỹ có thể mất "chỗ dựa". Trung Quốc, Nga và Iran có thể sẽ nỗ lực tận dụng điều này để chiếm ưu thế. Nhật Bản, Đức, Australia và các nước khác phải cân nhắc lại chính sách an ninh trong bối cảnh Mỹ có thể sẽ giảm hỗ trợ.

Thứ tư là “trật tự thế giới mới rối loạn”, theo đó chính quyền Mỹ chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ và kéo dài, hoặc làm sâu sắc hơn, sự bất ổn của Mỹ. Các đồng minh trong “trật tự thế giới mới rối loạn” sẽ phải nỗ lực để thu hút sự chú ý. Chính quyền Mỹ có thể lớn tiếng trong tranh chấp thương mại, trong khi đó Nga, Trung Quốc và các nước khác rảnh tay hơn khi thực hiện các mục tiêu chiến lược. Chính quyền Mỹ có thể sử dụng sự bất ổn như một mưu đồ để đối phó với những cử tri không ưa Washington, song chắc chắn, Quốc hội sẽ phản pháo. Sự chê trách có thể tiếp tục kéo dài khi ông Trump cố gắng để chấp nhận rằng việc điều hành một đất nước hoàn toàn khác với điều hành một công ty gia đình.

Đặng Ánh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bon-kich-ban-co-the-dien-ra-duoi-thoi-tong-thong-trump.aspx